Giữa chảo lửa biểu tình Ai Cập

28/11/2011 06:42 GMT+7

Thật khó diễn tả cảm giác lần đầu dính hơi cay: cổ họng tắc nghẹn, mắt cay xè không thể mở nổi cho đến khi được xịt nước.

Thật khó diễn tả cảm giác lần đầu dính hơi cay: cổ họng tắc nghẹn, mắt cay xè không thể mở nổi cho đến khi được xịt nước.

Đó là những gì tôi trải qua trong một buổi sáng tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo của Ai Cập, tâm điểm của các cuộc biểu tình lật đổ Tổng thống Hosni Mubarack hồi đầu năm và chống chính quyền quân sự hiện nay.

Quảng trường rộng lớn và những con đường lân cận nay trở thành đại chiến trường, với một bên là lực lượng an ninh, một bên là đám đông phẫn nộ. Ngay từ vòng ngoài của Tahrir, người biểu tình giăng dây và đứng chặn tại các chốt, kiểm tra thẻ căn cước với người Ai Cập và hộ chiếu với người nước ngoài. Tôi được yêu cầu một cách lịch sự cho xem hộ chiếu và ba lô, kèm theo câu xin lỗi bằng tiếng Anh.

Chảo lửa Tahrir

Sâu bên trong quảng trường, hàng ngàn người nằm ngủ trên nền đất bụi hoặc trong những căn lều dựng tạm. Nhiều người thiếp đi trong khi vẫn đeo mặt nạ chống hơi cay hoặc dùng cờ Ai Cập để đắp. Để phục vụ hàng ngàn người biểu tình, hàng rong bán đồ ăn thức uống, cờ, mặt nạ chống hơi cay mọc lên khắp nơi. Kamal Saleh và Abdul Rafau Badran, 2 người đàn ông mà tôi gặp trên đường đang cắn dở chiếc bánh mì trong lúc nghỉ lấy sức. “Chúng tôi sẽ ở đây đến ngày cuối cùng, dù chưa biết là bao giờ”, Kamal nói.

Làn sóng phản đối ngày càng dâng cao khi số người chết vì bạo lực ngày càng tăng. Lẫn trong đám đông giận dữ, hàng trăm phụ nữ và người già, những người vốn là thành phần “im hơi lặng tiếng” nhất trong xã hội cũng sục sôi. “Tôi đã ngủ ở đây mấy đêm rồi. Tôi rất phấn khích và sẽ còn tiếp tục biểu tình”, một phụ nữ nói với tôi.

Tuy nhiên, cuộc chiến thực sự lại đang diễn ra trong những con đường và ngõ hẻm cạnh quảng trường. Tiếng còi hụ của xe cứu thương và tiếng còi xe máy là 2 âm thanh hỗn loạn nghe được nhiều nhất. Bên cạnh xe cấp cứu, hàng chục người Ai Cập luôn túc trực bên những chiếc xe máy đời cũ để chở người bị thương nặng khỏi khu vực đụng độ.

Mỗi khi tiếng chân chạy dồn dập hơn là lúc hơi cay phủ kín mặt đường. Tôi cũng trở thành nạn nhân của hơi cay trong một đợt chạy loạn. Bên cạnh tôi, cả trăm người mặt hốc hác, mắt nhắm nghiền và cố gắng nhổ nước bọt đắng nghét ra ngoài. Cũng luôn có những người cầm sẵn nước để xịt vào mắt và khăn lau cho người dính hơi cay. Hết lần này đến lần khác, mọi người tháo chạy rồi quay trở lại, thậm chí cầm lựu đạn hơi cay ném về phía cảnh sát.

“Giày tôi đã rách vì phải chạy quá nhiều. Hai ngày qua tôi chẳng ăn gì mấy. Nhiệm vụ của tôi ư? Là một phần của cuộc cách mạng này”, anh chàng tên Ahmed nói khi giúp tôi chạy khỏi một đám đông ngập ngụa trong hơi cay.


Người biểu tình đọc báo ngay bên cạnh khu vực xung đột với cảnh sát - Ảnh: Đinh Hằng
 

Biểu tình tại thư viện

Một buổi sáng, tôi đi bộ đến lối vào thư viện nổi tiếng Bibliocatheca Alexandrina ở thành phố Alexandria thì nghe tiếng hô vang dội từ trong sân lớn. Gần 500 người là nhân viên thư viện đang tụ tập tại đây, hô các khẩu hiệu “Chúng tôi không muốn ông, Serageldin”, “Chúng tôi sẽ không rời khỏi đây cho đến khi ông ra đi”.

Đây không phải là lần đầu tiên những cuộc phản đối Giám đốc thư viện Ismail Serageldin diễn ra. Khoảng 1.500 người từng chặn lối vào văn phòng của ông Serageldin hồi đầu tháng khiến ông phải nhờ đến sự trợ giúp của quân đội. Lý do vị giám đốc này bị căm ghét đến thế, theo các nhân viên thư viện, là do dưới quyền lãnh đạo của ông, Bibliocatheca Alexandrina dường như ủng hộ hoàn toàn chính quyền Mubarak.

Đám đông biểu tình chặn lối vào chính khiến Bibliocatheca Alexandrina phải đóng cửa và nhiều du khách như tôi mất cơ hội tham quan nơi này. Hồi tháng 2, sau cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài, hơn 1 triệu khách du lịch đã chạy khỏi Ai Cập. Trong lúc ngành du lịch đang chậm chạp hồi phục, bất ổn mới có thể sẽ lại khiến khách nước ngoài tránh xa nước này. “Không gì có thể thay đổi trong một sớm một chiều. Nếu khách du lịch không tới, chúng tôi lấy đâu ra bánh mì để ăn?”. Giữa tiếng hô vang tại Biblicatheca Alexandrina, tôi chợt nhớ lại lời Mohamed, quản lý khách sạn Venus tại Luxor nói vài ngày trước.

Đinh Hằng
(từ Ai Cập)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.