Phát lộ trung tâm tôn giáo Chăm niên đại 800 năm

27/11/2011 00:41 GMT+7

Sau nửa năm khai quật, đoàn khảo cổ di tích Chăm Phong Lệ khẳng định tại thôn 3, P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng, từng là một trung tâm tôn giáo lớn của người Chăm từ cuối thế kỷ 12.

Sau nửa năm khai quật, đoàn khảo cổ di tích Chăm Phong Lệ khẳng định tại thôn 3, P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng, từng là một trung tâm tôn giáo lớn của người Chăm từ cuối thế kỷ 12.

Giảng viên Nguyễn Chiều, bộ môn khảo cổ học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (Hà Nội), cho biết hơn 100 năm trước, ông Camille Paris khi mở đồn điền Phong Lệ (nay cách QL1A và sông Cầu Đỏ vài trăm mét) đã phát hiện một số tác phẩm điêu khắc đá, ông đưa về trưng bày trong Bảo tàng H.Parmentier (nay là Bảo tàng điêu khắc Chăm TP.Đà Nẵng), còn khu di tích thì bị bỏ quên, hoang phế. Sau 1975, hợp tác xã nông nghiệp địa phương đã san ủi một phần khu di tích làm trại chăn nuôi, quá trình cư trú đã khiến di tích Chăm Phong Lệ bị xâm hại nặng nề. Cho đến khi người dân đào móng làm nhà vào tháng 3.2011, di tích phát lộ 3 tác phẩm điêu khắc đá và một mảng tường gạch Chăm, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã khai quật khẩn cấp trong vòng 2 tháng, mở ra 5 hố với diện tích 206m2, xuất lộ 2 phế tích kiến trúc Chăm quy mô rất lớn, mỗi trục dài không dưới 15m.

 
Một số hiện vật được tìm thấy tại di tích Chăm Phong Lệ - Ảnh: Nguyễn Tú

Tại hố 1 khai quật 90m2 đáng chú ý xuất lộ chân móng của bậc tam cấp và một phần chân móng tiền sảnh công trình kiến trúc bằng gạch cùng nhiều hiện vật bằng đá còn nguyên vẹn, một số mảnh gốm gia dụng Champa và một số ít mảnh gốm tráng men có nguồn gốc Trung Quốc từ thời Tống. Hố 5 rộng 28 m2 phát hiện nhiều vật trang trí ở góc tháp, một số viên có hoa văn rất tinh tế.

Phát huy giá trị di tích

Ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm cho hay việc khai quật di tích Chăm Phong Lệ sẽ không dừng ở việc thu thập hiện vật rồi hoàn thổ, đoàn khảo cổ sẽ xin kinh phí bảo vệ di tích cấp thành phố hoặc đăng ký xếp hạng cấp quốc gia, khai quật mở rộng để phát huy giá trị lịch sử, phục vụ tham quan, nghiên cứu khoa học...

TS Lê Đình Phụng, Viện Khảo cổ học Việt Nam, nhận định di tích Phong Lệ là công trình tôn giáo trong văn hóa Champa, thuộc loại hình kiến trúc tháp được xây dựng trên nền đồi gò cao, ven biển như tháp Linh Thái (Thừa Thiên - Huế), Khánh Vân (Quảng Ngãi), Cánh Tiên, Thủ Thiện, Bánh Ít (Bình Định), Tháp Nhạn (Phú Yên), Ponaga (Khánh Hòa), Poklong Giarai (Ninh Thuận)... “Di tích Phong Lệ theo truyền thống xây dựng đền tháp trên đồi gò cao từ sau thế kỷ 11 của bắc Champa (từ Quảng Bình đến Ninh Thuận), hệ móng có lớp cát sỏi đầm lèn chặt bên dưới cho thấy phế tích tháp Phong Lệ là một quần thể kiến trúc gồm nhiều công trình, vết tích lộ ra tháp cổng và tháp thờ chính (Kalan) có mặt bằng kiến trúc vuông, lợp ngói, có thể là kiến trúc nhà dài, nơi chờ chuẩn bị hành lễ”, TS Phụng nói.

Nếu được khai quật mở rộng, nhóm khảo cổ có khả năng phát hiện các kiến trúc khác như tháp thờ thần Hỏa (Agni - tháp kho), tháp bia… Trước mắt, đoàn khảo cổ xác định di tích Phong Lệ là một trung tâm tôn giáo lớn được người Chăm xây dựng vào cuối thế kỷ 12 và sử dụng lâu dài trong lịch sử, trang trí mỹ thuật đẹp, nhiều tác phẩm điêu khắc đá có nghệ thuật cao, đường nét mềm mại như trang trí vòm cửa, tượng bò Nandin, khối đá khắc tạc rắn nhiều đầu Naga, các tượng voi, tấm kê bậc đá… TS Phụng kết luận: “Tháp Phong Lệ được xây dựng trong bối cảnh người Chăm đã dời đô từ Quảng Nam (Indrapurra) về Bình Định (Vijaya). Sự xuất hiện của tháp Phong Lệ với kỹ thuật xây cất và nội dung tôn giáo truyền thống, nhưng manh nha dấu hiệu đột phá của phong cách nghệ thuật mới là những tư liệu quý cho nghiên cứu bản sắc văn hóa Champa, một bộ phận quan trọng của nền văn hóa dân tộc”. 

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.