Sang năm giá điện tăng 4,6%

25/11/2011 00:12 GMT+7

Trong hơn một giờ trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã rất tự tin giải trình các vấn đề ĐBQH đặt ra xoay quanh giá điện, thực hư chuyện lỗ lãi của ngành xăng dầu...

Trong hơn một giờ trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã rất tự tin giải trình các vấn đề ĐBQH đặt ra xoay quanh giá điện, thực hư chuyện lỗ lãi của ngành xăng dầu...

>> Giải mã" lãi lỗ của ngành điện và xăng dầu
>> Những khoản lỗ “tay trái” ngàn tỉ của EVN
>> Điện lỗ, dân chịu

Người tiêu dùng có “gánh hộ” lỗ cho EVN?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga sau khi nhận xét ngành điện luôn kêu thiếu vốn, lỗ và đòi tăng giá trong khi dành hàng nghìn tỉ đồng đầu tư ngoài ngành; lương thưởng nhân viên trung bình tới 7,3 triệu đồng... đã chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Công thương: “Phải chăng từ độc quyền nhà nước biến thành độc quyền doanh nghiệp, EVN đã buộc người tiêu dùng không những phải chịu những khoản lỗ do yếu kém của tập đoàn, mà còn phải chịu cả những khoản lỗ do thất thoát điện năng, do đầu tư ngoài ngành và do việc trả lương, thưởng rất cao. Pháp lý và đạo lý nào cho vấn đề này? Việc đề nghị tăng giá điện như vậy có minh bạch không?”.

Nhiều ĐB chất vấn sau bà Nga cũng đặt câu hỏi tương tự với Bộ trưởng Tài chính.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, năm 2010 theo số liệu đã được kiểm toán, thực trạng sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ 8.040 tỉ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá là 15.463 tỉ đồng, tổng số lỗ là 23.500 tỉ đồng.  “Trong báo cáo kiểm toán cũng khẳng định rằng tất cả đầu tư ngoài ngành của EVN có những loại thì có lãi, có loại thì lỗ nhưng cả lỗ và lãi của đầu tư ngoài ngành là tuyệt nhiên không được tính vào 8.040 tỉ này”, ông Huệ quả quyết.

 
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ - Ảnh: Ngọc Thắng

Nói thêm về khoản lỗ của EVN, ông Huệ cho biết năm 2011 có “đỡ hơn rất nhiều”. Cụ thể, kế hoạch lỗ của EVN trong năm 2011 riêng về điện là trên 11.000 tỉ đồng nhưng đến hết 9 tháng đầu năm nay, lỗ thực đối với sản xuất điện của EVN chỉ có 680 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9 và tháng 10 vừa qua, EVN phải dùng 2.655 tỉ mua dầu để phát điện, cộng với 680 tỉ trước đây, dự kiến đến cuối năm 2011 thì lỗ khoảng 3.540 tỉ đồng, chưa kể chênh lệch tỷ giá.

EVN thoái tất cả các vốn đầu tư ngoài ngành

Trước lo ngại của các ĐB về kịch bản giá điện năm 2012, ông Huệ cho biết, hai bộ Tài chính - Công thương bước đầu đã thống nhất xác định giá thành cơ bản giá điện năm tới lấy theo giá thành sản xuất của năm 2011 và các chi phí về đầu vào và chênh lệch tỷ giá lấy theo ngày 15.9.2011, không tính tất cả phần lãi của EVN từ khâu sản xuất, truyền tải, phân phối cho đến bán lẻ...

Tất cả đầu tư ngoài ngành của EVN có những loại thì có lãi, có loại thì lỗ nhưng cả lỗ và lãi của đầu tư ngoài ngành là tuyệt nhiên không được tính vào 8.040 tỉ này
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ

“Nếu theo phương án này thì giá thành của điện là 1.242 đồng và tăng 4,6% so với giá bán điện hiện nay. Trong giá thành điện này, chúng tôi đã tính tất cả các khoản tập đoàn điện lực phải giảm trừ theo kết quả kiểm toán”, Bộ trưởng Huệ cho biết, đồng thời nhấn mạnh giá điện năm 2012 vẫn tăng nhưng “ở mức kiềm chế, rất kiềm chế”.

Ông cũng cho biết thêm, trong trường hợp tăng giá điện năm tới, toàn bộ tiền điện bán cho hộ nghèo và hộ thu nhập thấp thì vẫn giữ nguyên như hiện nay, kể cả việc hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình 30.000 đồng từ ngân sách. Còn đối với những hộ tiêu thụ điện ở mức trung bình, mức tăng sẽ thấp hơn mức bình quân chung của giá thành về điện.

Liên quan đến việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của EVN, ông Huệ cho biết hiện nay EVN đã có kế hoạch thoái tất cả các vốn đầu tư ngoài ngành. “Tôi tin chắc rằng việc thoái vốn của EVN này sẽ nhanh hơn so với các tập đoàn, tổng công ty khác trong quá trình tái cấu trúc. Vì hiện nay đã có kế hoạch rồi, chúng tôi cũng khuyến cáo EVN nên làm việc này”, bộ trưởng khẳng định.

Xăng dầu lãi liên tục 3 năm

Trước hàng loạt chất vấn của ĐB về chuyện kinh doanh xăng dầu của Petrolimex hiện nay lãi hay lỗ? Vì sao kêu lỗ nhưng khi chào bán cổ phần thì lại nói lãi? Vì sao giá xăng dầu tăng theo giá thế giới thì nhanh mà giảm thì luôn chậm khiến cho cử tri “đau đầu, hoa mắt”...?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ trả lời, kết quả kiểm toán cho thấy, năm 2008 Petrolimex lãi 913,7 tỉ, trong đó xăng dầu lãi 642 tỉ và khác là 376 tỉ; năm 2009 tổng lãi là 3.217 tỉ, trong đó kinh doanh xăng dầu lãi 2.660 tỉ và lãi khác là 557 tỉ; năm 2010 tổng thì vẫn có lãi là 314 tỉ, nhưng kinh doanh xăng dầu lỗ là 172 tỉ, lãi khác là 486 tỉ đồng.

“Qua kết quả báo cáo của các đầu mối xăng dầu vừa rồi cũng như kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy, nếu năm 2011 không có biến động đột biến về chênh lệch tỷ giá mà chúng ta điều chỉnh vào tháng 2, 3. Nếu các đầu mối nhập khẩu xăng dầu thực hiện đúng các định mức về bán hàng là 600 đồng tất cả các khâu kinh doanh cho một lít xăng dầu thì vẫn có thể lãi, với điều kiện là chúng ta điều hành giá không áp đặt theo cách để bình ổn giá”, ông Huệ nhấn mạnh, đồng thời cho biết tình hình lãi - lỗ của Petrolimex sẽ có báo cáo sau khi có kết quả kiểm tra tổng thể.

Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Petrolimex kinh doanh 5 ngành nghề khác nhau, được hạch toán độc lập, lãi, lỗ chứ không được tính vào bù cho lãi, lỗ của hoạt động kinh doanh xăng dầu. Theo ông, về kinh doanh chung của Petrolimex 3 năm trở lại đây nói chung là lãi, nhưng nếu nói riêng về kinh doanh xăng dầu là lỗ.

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.