Đủ kiểu “móc túi” người tiêu dùng

24/11/2011 23:39 GMT+7

Bằng những chiêu thức tinh vi hoặc cố tình lập lờ, nhà sản xuất (NSX) thẳng tay móc túi người tiêu dùng (NTD) mọi nơi, mọi lúc.

Bằng những chiêu thức tinh vi hoặc cố tình lập lờ, nhà sản xuất (NSX) thẳng tay móc túi người tiêu dùng (NTD) mọi nơi, mọi lúc.

"Cân điêu" hợp pháp

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food cho biết, quy định không bắt buộc NSX ghi rõ khối lượng tịnh sau rã đông trên bao bì. Về mặt kỹ thuật, hàng đông lạnh cũng được phép có nước, được mạ băng. Chính vì thế, nhiều NSX cố tình lập lờ để "bịp" NTD.

Ví dụ, sản phẩm cá trứng được NSX ghi khối lượng tịnh 200g/vỉ nhưng thực tế sau khi rã đông chỉ còn 160g/vỉ. Tỷ lệ mạ băng lên đến 20%/tổng khối lượng nhưng không được thể hiện trên bao bì. Cũng có sản phẩm, tỷ lệ mạ băng lên đến 25%, thậm chí hơn. Vấn đề này đang ở tình trạng "ông nào muốn mạ băng bao nhiêu tùy ý. Ông nào "nhân đạo" thì mạ băng ít ít, ông nào muốn ăn nhiều thì làm nhiều. NTD nếu có nghi ngờ cũng chỉ là ngờ ngợ chứ không biết nguyên nhân thật sự là khối lượng ghi trên bao bì đã bao gồm cả nước đá" - bà Lâm bức xúc. Cũng theo bà Lâm, khối lượng tịnh là khối lượng sau rã đông nhưng NTD không biết chuyện này nên NSX lập lờ, ăn gian. Sau khi rã đông thực phẩm đông lạnh, NTD cân lại thấy trọng lượng không đủ thì có quyền khiếu nại.

 
Thực phẩm đông lạnh là một trong những mặt hàng thông tin nhãn mác mập mờ khiến người tiêu dùng bị “móc túi” nhưng không biết - Ảnh: Hoàng Việt

Một hình thức gian lận phổ biến hiện nay là độn hàng thấp cấp vào hàng chất lượng tốt rồi bán giá cao. Ví dụ, một số NSX cố tình độn cá không có trứng, giá chỉ bằng một nửa, khoảng 23.000 đồng/gói 500g rồi bán với giá cá trứng. Một số NSX ghi là xuất xứ cá hồi từ Na Uy, Canada nhưng thật ra là nhập từ Nhật Bản. Lý do là cá hồi Nhật Bản rẻ hơn nhiều so với cá hồi Na Uy, Canada, NTD khó mà phát hiện được.

Các loại hàng hóa như nước ngọt, bia, gas... cũng bị phát hiện “ăn gian” thể tích. Nổi tiếng nhất là thủ đoạn “rút ruột” gas thông qua chiết nạp thiếu trọng lượng. Có trường hợp “ăn” đến 1/2 trọng lượng bình gas, rồi khuyến mãi giảm giá dụ khách hàng ham rẻ.

Mặt hàng đồ gỗ cũng bị tố ăn gian kích cỡ và chất lượng. Bà Nguyễn Thị M.X (Q.Thủ Đức) khiếu nại Công ty T.T (Q.Gò Vấp, TP.HCM) tráo gỗ “dỏm”, ăn gian kích cỡ để đỡ tốn nguyên liệu, thay các phụ kiện kém chất lượng, không đúng thiết kế...

 Ông Nguyễn Tường Minh - Tổng thư ký Hội Chống gian lận thương mại và hỗ trợ NTD TPHCM (AFCA) - cho biết thời gian qua tiếp nhận và xử lý rất nhiều vụ gian lận thương mại, phổ biến nhất là đo lường không đủ thể tích, đóng gói (nước giải khát, gas, xăng...); về chất lượng sản phẩm (bếp điện, bình điện xe máy...); gian lận về giá.

Người tiêu dùng chịu thiệt

Theo ông Đỗ Ngọc Chính - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng, quy định về hàng thực phẩm đóng gói chưa cụ thể nên các DN lợi dụng sơ hở để lách luật, trục lợi. Các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý chất lượng hàng hóa, Sở Công thương, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng... phải có trách nhiệm giám sát, khảo sát phát hiện và xử lý các hiện tượng gian lận nêu trên. Cần thông tin rộng rãi qua phương tiện truyền thông để NTD biết và tẩy chay các đơn vị làm ăn gian dối. Ông Chính nhận xét, các hình thức “treo đầu dê bán thịt chó”, đặc biệt là gian lận trong hàng bao bì đóng gói xảy ra khá phổ biến. Trường hợp này NTD rất yếu thế, bởi bằng mắt thường thì rất khó để nhận ra. Tuy nhiên, đối với cơ quan chức năng, việc phát hiện là không có gì khó khăn. Vấn đề là có làm và quyết tâm làm hay không mà thôi.

Ông Minh cũng cho rằng, việc gian lận thương mại, lừa dối NTD diễn biến ngày càng phức tạp là do cơ quan chức năng xử phạt không nghiêm nên DN tiếp tục vi phạm. Vì vậy, cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát các hành vi gian lận này. Đặc biệt, cần có chế tài thật mạnh khi phát hiện gian lận gây thiệt hại cho NTD. 

Hoàng Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.