Xây dựng đề án hạn chế xe cá nhân

22/11/2011 00:20 GMT+7

Chết do TNGT tương đương vụ sóng thần ở Nhật Bản Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo Chính phủ gửi tới các ĐBQH về tình hình và các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tai nạn giao thông (TNGT) trong cả nước và ùn tắc giao thông (UTGT) ở các thành phố (TP) lớn.

Chết do TNGT tương đương vụ sóng thần ở Nhật Bản 

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo Chính phủ gửi tới các ĐBQH về tình hình và các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tai nạn giao thông (TNGT) trong cả nước và ùn tắc giao thông (UTGT) ở các thành phố (TP) lớn.

 

Cảnh ùn tắc giao thông thường thấy ở Hà Nội - ảnh: Ngọc Thắng

Trong báo cáo này, Chính phủ nhận định “thiệt hại về người và tài sản do TNGT gây ra đang là một thảm họa và có thể coi là quốc nạn mà chúng ta cần kiên quyết giảm thiểu”, và cho hay "nếu so sánh với đại thảm họa động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản ngày 11.3.2011 thì số người chết vì TNGT một năm bằng 75,55% (số người chết do thảm họa sóng thần là 15.790 người), số người bị thương vì TNGT bằng 156,58% (số người bị thương do thảm họa sóng thần là 5.933 người)".

Một trong những mục tiêu để ngăn chặn, đẩy lùi TNGT trong cả nước và UTGT tại các TP lớn thời gian tới, theo Chính phủ, là giảm từ 5% - 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do TNGT hằng năm. Đồng thời, từng bước cải thiện tình trạng UTGT tại Hà Nội và TP.HCM trong năm 2012, giảm thiểu tối đa các vụ UTGT kéo dài trên 30 phút.

Ngoài các giải pháp lâu dài, Chính phủ cũng cho biết một số giải pháp cấp bách sẽ thực hiện để đẩy lùi tình trạng TNGT và UTGT, như quy định trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức đối với nhiệm vụ giảm thiểu TNGT và chống UTGT. Tăng cường hiệu quả trong công tác phối hợp thực hiện giữa các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; đẩy mạnh phong trào chống tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông…; tịch thu phương tiện tham gia đua xe trái phép.

Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và thu phí ô tô

Về các giải pháp chống UTGT ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Chính phủ cho biết sẽ bố trí quỹ đất dành cho giao thông theo luật Giao thông đường bộ (16 - 26%); thực hiện di dời trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, dừng ngay việc đầu tư mở rộng các bệnh viện trong khu vực trung tâm TP. Đồng thời, xây dựng và thực hiện đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; thu phí ô tô đi vào trung tâm TP giờ cao điểm.

Đặc biệt, sẽ lập lại trật tự, kỷ cương đường phố: giải phóng vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện tham gia giao thông…; bố trí lệch giờ làm việc, học tập trong ngày giữa các đối tượng: học tập, làm việc, kinh doanh.

Trình báo cáo tác động môi trường dự án bauxite trong tháng 11

Bộ Công thương cho biết thông tin trên trong báo cáo vừa gửi tới các ĐBQH về việc thực hiện lời hứa qua hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, QH khóa 12.

Sau khi báo cáo các giải pháp bảo đảm an toàn cho các dự án khai thác và chế biến bauxite ở Tây nguyên, Bộ Công thương cho hay đến nay Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương liên quan hoàn thành công tác thẩm định dự án quy hoạch, Bộ Tài nguyên - Môi trường đang thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định, dự kiến Bộ Công thương sẽ trình Thủ tướng trong tháng 11.2011.

Liên quan đến sự cố rò rỉ xút ở dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng xảy ra trong thời gian gần đây, Bộ Công thương đánh giá đó là “điều đáng tiếc” và cho biết “sau sự cố này, chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu đã khắc phục kịp thời. Theo đánh giá ban đầu, mức độ ảnh hưởng đến môi trường là không đáng kể”.  

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.