Hiểm họa chìm phà

21/11/2011 23:59 GMT+7

Vụ chìm phà nghiêm trọng xảy ra khoảng 6 giờ 10 phút sáng qua trên sông Trường Giang (H.Núi Thành, Quảng Nam), một lần nữa dấy lên nỗi lo mất an toàn tại nhiều bến đò, phà trên địa bàn.

Vụ chìm phà nghiêm trọng xảy ra khoảng 6 giờ 10 phút sáng qua trên sông Trường Giang (H.Núi Thành, Quảng Nam), một lần nữa dấy lên nỗi lo mất an toàn tại nhiều bến đò, phà trên địa bàn.

>> Vụ chìm phà ở Quảng Nam: Thai phụ nhường phao cứu người
>> Vụ chìm phà ở Quảng Nam: Phà vô nước nhưng tài công vẫn chạy

 

Các lực lượng cứu hộ cứu nạn đưa thi thể chị Võ Thị Thiện Thẩm về gia đình để lo an táng - ảnh: Hồ Trọng

Vụ tai nạn xảy ra ở bến phà xã Tam Hải qua xã Tam Quang, H.Núi Thành, làm hơn 40 người rơi xuống sông, trong đó có 1 người tử vong.

Ngay sau tai nạn xảy ra, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có mặt tại hiện trường để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn, đồng thời đến thăm, động viên, chia buồn với gia đình nạn nhân Võ Thị Thiện Thẩm. Chiều qua, ông Nguyễn Đức Hải, Bí thư Tỉnh ủy và ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã rời kỳ họp QH, về Quảng Nam chỉ đạo xử lý vụ việc.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã đến thăm, hỗ trợ gia đình nạn nhân Võ Thị Thiện Thẩm 4 triệu đồng; UBND H.Núi Thành, Vùng 2 Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng Quảng Nam, Công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai hỗ trợ gia đình chị Thẩm tổng cộng 12,5 triệu đồng.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen cho tập thể đội thợ lặn xã Tam Hải và 5 cá nhân của Công ty CP xây dựng đường thủy Thuận Lưu vì đã tích cực cứu người bị nạn.

Vào thời điểm trên, Bùi Văn Thu (39 tuổi, trú xã Tam Hải) điều khiển phà gỗ số hiệu 0379 do UBND xã Tam Hải quản lý, xuất bến lúc 6 giờ 10 phút. Trên phà có khoảng 20 xe gắn máy, 40 người mua vé và một số học sinh, giáo viên được miễn vé.

Mặc dù theo quy định, phà chỉ chở người và xe gắn máy, nhưng lái phà Thu vẫn cho xe tải chở củi tải trọng 1,25 tấn của cha con ông Phạm Văn Tám ở thôn 7, xã đảo Tam Hải lên phà. Anh Hoàng Thanh Hiếu (23 tuổi, trú thôn 4, xã Tam Hải) kể lại, ngay sau khi xuất bến, phà đã bị vô nước nên lái phà lập tức cho phà trở lại bến, yêu cầu mọi người sắp xếp lại phương tiện cho cân bằng rồi vẫn tiếp tục qua sông. “Đoạn sông từ bờ xã Tam Hải sang xã Tam Quang rộng gần 300m, khi đến giữa đường, phà bắt đầu vô nước nhiều và có dấu hiệu chìm, lái phà tiếp tục tăng tốc cố qua sông. Tuy nhiên, phà chỉ đi được 2/3 đoạn đường rồi chìm hẳn”, anh Hiếu nói.

Vụ tai nạn xảy ra cũng vừa lúc tàu của Công ty CP xây dựng đường thủy Thuận Lưu đi ngang, 5 thợ lặn chuẩn bị phục vụ cầu cảng Trường Hải lập tức lao xuống dòng nước cứu người. Thợ lặn Nguyễn Thái Phi kể vào thời điểm sáng sớm, sóng ở khúc sông khá lớn nên cảnh tượng người dân vùng vẫy giữa dòng nước rất hoảng loạn, 5 anh em trong đội lặn cùng nhảy xuống cứu người. Cùng lúc, rất nhiều thuyền, ghe của ngư dân quanh đó cũng đến cứu người bị nạn… Tổng cộng có 39 người được cứu sống và 1 người tử vong là chị Võ Thị Thiện Thẩm (26 tuổi, trú thôn 1, xã Tam Hải).

Tính đến cuối giờ chiều ngày 21.11, lực lượng trục vớt đã đưa được xe tải, 16 xe gắn máy, 4 xe đạp lên bờ, UBND xã Tam Hải xác nhận ngoài chị Thẩm, không có thêm nạn nhân nào thiệt mạng. Đại tá Nguyễn Đức Tiệp, Trưởng công an H.Núi Thành, cho hay Công an H.Núi Thành đã tạm giữ lái phà Bùi Văn Thu ngay sau khi xảy ra tai nạn để phục vụ điều tra.

Thiếu kiên quyết

Điều đáng nói là nguy cơ tai nạn đã được cảnh báo cả tháng nay, nhưng nó vẫn xảy ra.

Ông Phan Như Tường, Chủ tịch UBND xã Tam Hải, nói chiếc phà gỗ vừa chìm có công suất 33 CV, hoạt động nhiều năm, hiện đã xuống cấp. Trưởng công an xã Tam Quang (H.Núi Thành, Quảng Nam) cho biết đơn vị đã ít nhất 3 lần lập biên bản xử lý và yêu cầu lái phà Thu không được đưa chiếc phà này vào chuyên chở ô tô, nhưng Thu vẫn bất chấp quy định pháp luật, chở quá tải gây tai nạn nghiêm trọng.

Ông Võ Quang Lâm, Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, có mặt tại hiện trường cũng cho hay đã ít nhất 3 lần kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện, đồng thời thông báo cho chính quyền 2 xã Tam Quang và Tam Hải nhưng vẫn "đâu vào đấy". Cũng theo ông Lâm, tai nạn xảy ra trước hết thuộc về chủ phương tiện, tiếp đến là chính quyền 2 xã thiếu kiên quyết.

Trong khi đó, chiếc phà mới đóng công suất 74 CV do UBND tỉnh Quảng Nam và H.Núi Thành đầu tư 2,5 tỉ đồng, giao cho địa phương quản lý sau một tháng hoạt động đã hỏng. Ông Tường giải thích, sau khi nhận bàn giao từ đơn vị đóng phà ở TP.Đà Nẵng, chiếc phà mới gặp sự cố máy yếu, sự cố chân vịt nên không thể hoạt động. Khi được hỏi "tại sao chiếc phà gỗ cũ đã xuống cấp nhưng địa phương vẫn cho phép hoạt động?", ông Tường nói do phà mới hỏng nhưng nhu cầu đi lại của người dân cao nên vẫn cho phà cũ hoạt động, dẫn đến hậu quả đáng tiếc!

 

Nỗ lực trục vớt xe máy, xe đạp từ chiếc phà chìm - ảnh: Hồ Trọng

Sẽ không phải cá biệt, nếu...

Vụ chìm phà ở bến đò Tam Quang một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng nguy hiểm ngay tại những bến đò, kể cả có phép và phương tiện đã được kiểm định về độ an toàn.

Bến phà xảy ra tai nạn là một ví dụ. Nằm trong nhóm 3 địa bàn trọng điểm mà ngành giao thông, Ban An toàn giao thông, đoàn kiểm tra liên ngành Quảng Nam liên tục kiểm tra giám sát, gồm tuyến Tam Hải - Tam Quang (Núi Thành), Hội An - Cù Lao Chàm, Nông Sơn (H.Nông Sơn). Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, ông Trương Văn Cận, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam, nói: “Vụ chìm phà Tam Hải cho thấy chỉ đạo của địa phương (H.Núi Thành) chưa tốt. Chỉ 1 tháng trước, đoàn kiểm tra liên ngành và Ban An toàn giao thông tỉnh đã làm việc với H.Núi Thành, cảnh báo nhiều lần về nguy cơ không được chở quá khổ, quá tải”. Chiếc phà bị chìm sáng 21.11 vẫn còn hạn hoạt động đến tháng 12.2011, người lái phà cũng có bằng lái, nhưng sự cố vẫn xảy ra.

Hiện tại, các cơ quan chức năng của Quảng Nam đã vào cuộc điều tra, xử lý. Ban An toàn giao thông Quảng Nam cũng vừa mạnh tay đình chỉ hoạt động 9 bến đò không đảm bảo an toàn trong đợt soát xét 23 bến đò ngang, lập biên bản xử phạt 11 tàu thuyền không đăng ký, đăng kiểm và thiếu an toàn. Nhưng với thực tế diễn ra tại Tam Quang, không ai có thể chắc chắn các bến đò đã an toàn, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Thai phụ nhường áo phao cứu người

Bà Nguyễn Thị Quyết, thôn 3, người thoát chết trên chuyến phà chìm kể, khi phà chìm mọi người hoảng loạn bởi số lượng áo phao đã ít mà còn bị khóa chặt vào thành phà.

Lúc này, chị Võ Thị Thiện Thẩm sau khi nhận được 2 chiếc áo phao từ một người bạn đã đưa ngay cho bà Quyết và một người dân khác. Khi phà chuẩn bị chìm, mọi người nhảy xuống nước, bà Quyết được chị Lê Thị Nhung, lái đò ở thôn 2 vớt được. Còn chị Thẩm và bà Lê Thị Thái (48 tuổi, trú thôn 2, xã Tam Hải) bị nước cuốn trôi ra xa nên ôm nhau nổi giữa dòng nước. Thương thay, khi đò chèo đến nơi thì chỉ vớt được bà Thái, chị Thẩm bị đuối sức đã buông tay nên chìm xuống sông. Thi thể chị được vớt sau đó khoảng 15 phút, ngay trên chiếc phà chìm và được đưa về nhà chồng ở thôn 4, xã Tam Hải.

Anh Nguyễn Bá Võ, 29 tuổi, chồng của chị Thẩm quỵ ngã, nằm bất động khi hay tin người vợ vừa kết hôn được 3 tháng đã gặp nạn. Gia đình nạn nhân cho biết chị Thẩm vừa có kết quả siêu âm, báo tin vui mang thai được hơn 2 tháng với gia đình. Khoảng 6 giờ ngày 21.11, anh Võ chở chị Thẩm ra ngã ba thôn 3, xã Tam Hải để chị đi làm cùng với chị Khánh, người cùng làm ở Công ty TNHH liên doanh Như Thành (Cụm công nghiệp khối 7, thị trấn Núi Thành, H.Núi Thành), để rồi nhận được hung tin ít phút sau đó.

Ông Lê Túc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH liên doanh Như Thành cho hay trước sự việc chị Thẩm tử nạn, Công đoàn đã đến thăm hỏi, động viên người nhà và hỗ trợ 2 triệu đồng để lo liệu hậu sự cho chị.

Nguyễn Tú - Hồ Trọng - Vũ Khôi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.