Tiếp tục hoàn thiện dự luật Giáo dục đại học

15/11/2011 06:26 GMT+7

Thảo luận về dự luật Giáo dục đại học (GDĐH) chiều qua 14.11, nhiều đại biểu QH nhất trí cần thiết phải ban hành luật này, nhưng cho rằng dự luật còn quá chung chung, né tránh nhiều vấn đề cốt lõi của GDĐH hiện nay.

Thảo luận về dự luật Giáo dục đại học (GDĐH) chiều qua 14.11, nhiều đại biểu QH nhất trí cần thiết phải ban hành luật này, nhưng cho rằng dự luật còn quá chung chung, né tránh nhiều vấn đề cốt lõi của GDĐH hiện nay.

Cần tiếp tục lấy ý kiến đóng góp

Kết thúc phiên thảo luận chiều qua, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị ban soạn thảo dự luật cần thảo luận kỹ và tiếp thu tối đa ý kiến để có thể thông qua ở kỳ họp sau. Ủy ban Thường vụ QH tổ chức hội nghị dành cho các đại biểu chuyên trách, chuyên gia giáo dục vào đầu năm 2012 để tiếp tục lấy ý kiến góp ý cho dự luật này.

Tự chủ phải là “linh hồn” của dự luật

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) nhận xét: dự luật né tránh những điều khoản rất quan trọng để có thể nâng chất GDĐH. Có tới 10 điều hầu như không có quy định cụ thể mà giao cho Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quy định sau. Nội dung quan trọng nhất về sự tự chủ của các trường cũng có nhiều khoản để cho Chính phủ quy định. “Làm luật như vậy thì dễ dãi, an toàn quá”, ĐB Đáng nói.

Theo ĐB Đáng, tự chủ, tự chịu trách nhiệm phải là “linh hồn” của dự luật này. Cần hiểu rõ, tự chủ chứ không phải là tự trị. Do vậy, cần viết lại điều 28 như dự luật hiện nay thành một chương riêng về tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐH.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM)cũng cho rằng giao quyền tự chủ cho các trường phải là điều kiện quan trọng nhất để đổi mới GDĐH. Nói đơn giản là, nếu giảng viên mà không được tự chủ thì không thể có trò chủ động, sáng tạo được. Tuy nhiên, theo những gì dự luật thể hiện thì Bộ GD-ĐT vẫn tham gia quá sâu vào nhiều việc của các trường.

Giao quyền tự chủ cho các trường phải đi liền với thành lập hội đồng trường. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) so sánh: một trường muốn tự chủ mà không có hội đồng trường thì cũng như một quốc gia có chính phủ nhưng không có QH. Còn ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng dù có hội đồng trường nhưng nếu hiệu trưởng hoặc giám đốc làm chủ tịch hội đồng trường như dự luật thì cũng rất khó thực hiện dân chủ hóa trong các cơ sở ĐH.

Tuy nhiên, một số ĐB lại đề nghị việc giao quyền tự chủ cho các trường cần có lộ trình. ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị: nên có bước đi thận trọng, chỉ nên giao quyền tự chủ cho những trường có đủ năng lực và điều kiện cần thiết. Muốn như vậy thì Bộ GD-ĐT phải đưa ra được những tiêu chí rõ ràng về vấn đề này.


Trách nhiệm lớn nhất của cơ sở giáo dục là bảo đảm chất lượng của sinh viên tốt nghiệp - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Phân tầng để đầu tư phù hợp

Nhiều ĐB đề xuất dự luật phải làm rõ về quy định phân tầng trong hệ thống GDĐH để làm căn cứ đổi mới cơ chế đầu tư.

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng việc phân tầng GDĐH là căn cứ quan trọng để có chính sách đầu tư phù hợp, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Ví dụ, các trường đào tạo các ngành khoa học cơ bản thì mức đầu tư phải khác các ngành nghề đào tạo khác.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ rằng muốn có chất lượng thì phải có đầu tư thỏa đáng, phù hợp với đặc thù của từng trường. Hiện nay, học phí của trường ngoài công lập thì giao cho các trường tự quyết trong khi học phí của trường công lập thì lại quy định cào bằng. Mỗi trường có chức năng đào tạo một chuyên ngành riêng thì mức đầu tư phải khác nhau, vì vậy, phải giao cho các trường công lập tự xác định mức học phí của mình. Muốn cho sinh viên có thể đóng học phí và theo học được thì Nhà nước phải phát huy các cơ chế, chính sách hỗ trợ tốt hơn nữa.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.