Thợ sửa xe đạp đang mất dần đất sống

15/11/2011 16:12 GMT+7

Cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của xe máy và những hàng sửa chữa hiện đại, số lượng xe đạp được sử dụng trong nội đô những năm qua đã giảm đi đáng kể. Vì thế, bóng dáng của những thợ sửa xe đạp trên vỉa hè Hà Nội đang dần biến mất.

Cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của xe máy và những hàng sửa chữa hiện đại, số lượng xe đạp được sử dụng trong nội đô những năm qua đã giảm đi đáng kể. Vì thế, bóng dáng của những thợ sửa xe đạp trên vỉa hè Hà Nội đang dần biến mất.

Mỏi mắt tìm một chỗ vá xe trên phố

Hà - Một sinh viên trường Đại học sư phạm Hà Nội đi gia sư ở phố cổ, để cơ động hơn, Hà chọn xe đạp. Một lần đã 9 rưỡi tối, đi đến đầu đường Thụy Khuê, xe bị thủng xăm. Và thế là hành trình của Hà là dắt bộ từ đầu đường Thụy Khuê tới đầu chợ Bưởi mới cầu cứu được bạn đến kéo cái xe đạp về.

Một điều dễ thấy hiện nay, các con phố của Hà Nội, có khi cả một con đường lớn không tìm được một hàng sửa xe đạp. Hình ảnh chậu nước con, cái bơm tay, một cái hộp gỗ đồ nghề đang xa lạ dần. Người ta khó lòng tìm được giữa ban ngày trên đường Hàng Bài, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Bà Triệu… một hàng bơm vá xe đạp. Còn từ 7h tối trở đi, may mắn ở khu vực các trường Đại học, mới còn một vài người bơm xe cho học trò đi học tối.

Anh Nguyễn Văn Công, một người bơm xe gần cổng trường Đại học Sư phạm cho biết, bây giờ người ta đi lại bằng xe máy chủ yếu, nhiều học sinh đi xe đạp điện. Xe đạp các em học sinh đi bây giờ cũng rất tốt, ít khi hỏng hóc nên nghề này cũng không “sống” được.

Anh Công cho biết, có cái bơm, tranh thủ vừa bán hàng nước vừa bơm xe cho ai có nhu cầu. Chứ trông đợi vào mỗi nghề này, chịu không đủ sống. Giá cả có tăng cũng chỉ được 2.000 đồng một lốp xe. Một ngày may ra có chục người đến bơm xe.

Đành chuyển nghề

Chú Đặng Văn Vinh - thợ sửa xe đạp 6 năm trước khu vực trường THPT Chu Văn An cho biết cứ túc tắc làm thôi chứ dạo này ít việc. Trước đây, học sinh tất cả đi xe đạp đi học. Bây giờ, đa phần các em cấp 2 có bố mẹ đưa đón. Học sinh cấp 3 chuyển sang xe đạp điện, có em đi xe máy nên thu nhập từ bơm vá xe đạp bấp bênh lắm. Anh Vinh nói bạn bè anh trước đây làm nghề này đông, ở cổng chợ, cổng trường. Giờ thì để bắt kịp thị trường, họ có vốn, nên đi học và mở cửa hiệu sửa chữa hay rửa xe máy rồi. Mình không có vốn nên cứ làm chơi chơi vậy thôi.

 
Một hình ảnh quen thuộc của Hà Nội những năm bao cấp, nhưng đến giờ, có lẽ đã xa lạ trên nhiều con phố của Hà Nội - Ảnh: Thúy Hằng.

Một thực tế hiện nay của nhiều người thợ chữa xe đạp trên Hà Nội là những người trung trung tuổi. Sức khỏe yếu, muốn làm thêm cho vui tuổi già nên đi bơm xe kiếm thêm. Hoặc nếu muốn giữ nghề đã gắn bó từ lâu, không ít người đã phải kiếm thêm nghề khác làm thu nhập chính.

Chú Nguyễn Văn Anh đã hơn chục năm nay bơm vá sửa chữa xe đạp ở đầu đường Thanh Niên. Từ ngày ít việc, chú đành kiêm thêm nghề bán chong chóng, bóng bay, con giống bằng lá cho trẻ con. Đồ nghề, dụng cụ sửa xe bao năm qua vẫn để đó, tiện khi khách hỏi là sẵn sàng. Còn người thợ sửa xe lâu năm trên phố Phan Đình Phùng, gần trường THPT Phan Đình Phùng kiêm thêm nghề trà đá. Bán nước trà mới là thu nhập chính, người đàn ông treo thêm ít dây cao su ở ngoài gốc cây sấu vỉa hè, đánh dấu cho khách qua đường biết ở đây có bơm vá xe đạp. “Treo vậy thôi chứ có hôm chẳng ai sửa chữa xe cộ gì, có mấy cháu học sinh ra bơm xe thôi - ông cho biết”.

Sửa xe đạp - một nghề từng rất đắt hàng ở Hà Nội thời bao cấp đến bây giờ lại hẩm hiu trong sự phát triển như vũ bão của xã hội. Người ta chọn xe máy cho một lý do nhanh chóng - tiện lợi - đẳng cấp. Xe đạp chỉ còn trong những mái trường cấp 2, cấp 3. Trên dọc ngang phố phường của Hà Nội chỉ còn vài chiếc xe Thống Nhất cũ kỹ của người hàng rong. Và lẽ đó, thảng hoặc lắm, người ta mới có thể trông thấy ở cổng trường kia bóng dáng một ông già cặm cụi với cờ lê, mỏ lết hay tờ giấy ráp, miếng vá xe cho khách.

“Cũng buồn thật đấy! Nhưng biết làm thế nào được. Nghề của mình là mưu sinh trên hè phố. Và khi thời thế đã thay đổi, thì cũng phải tìm cách mà thích nghi thôi…” - Đó là tâm sự của người đàn ông đã gần 10 năm làm thợ sửa xe trước đền Quán Thánh.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.