Dịch heo tai xanh

11/11/2011 09:15 GMT+7

Dịch heo tai xanh đang bùng phát tại các huyện: Điện Bàn, Đại Lộc, TP.Hội An (Quảng Nam) khiến người tiêu dùng lo lắng.

Dịch heo tai xanh đang bùng phát tại các huyện: Điện Bàn, Đại Lộc, TP.Hội An (Quảng Nam) khiến người tiêu dùng lo lắng.

Đến hẹn lại lên

Liên tục trong nhiều năm qua, Quảng Nam phải đối mặt với vài ba đợt dịch bệnh gia súc, gia cầm hoàng hành. Năm nay, mức độ bùng phát và lây lan dịch bệnh heo tai xanh quá nhanh, khiến ngành chức năng không kịp trở tay. Theo thống kê, toàn tỉnh đã có 3 địa phương xuất hiện dịch bệnh tai xanh là huyện Điện Bàn, Đại Lộc và TP.Hội An. Trong đó, Điện Bàn là địa phương có tỷ lệ heo mắc bệnh cao nhất tỉnh Quảng Nam. Trong 1 tháng dịch bệnh đã lan nhanh ra 11 trên tổng số 20 xã, thị trấn của huyện với gần 2.000 con mắc bệnh. Điều đáng nói là, tất cả số heo này đều chưa qua tiêm phòng. Trước tình hình dịch heo tai xanh đang lây lan, Sở NN&PTNT Quảng Nam dùng 1 tỉ đồng ngân sách tiến hành mua gần 30.000 liều vắc xin phòng bệnh tai xanh phân bổ cho các vùng. Mới đây, tỉnh Quảng Nam ưu tiên hỗ trợ cho Điện Bàn hơn 22.000 liều vắc xin tai xanh.


Hàng thịt ở các chợ Quảng Nam đìu hiu vì dịch bệnh - Ảnh: Diệu Hiền 

Tại Đà Nẵng, vào cuối tháng 10, một số xã lân cận giáp ranh với Điện Bàn cũng bị dịch heo tai xanh xâm lấn, một số heo bị mắc bệnh khiến người dân e ngại. Trước thực tế đó, ngành chức năng TP.Đà Nẵng đã cấp 2 tấn hóa chất phun để ngăn chặn dịch. Đến nay, theo ông Cao Xuân Thái- Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.Đà Nẵng, dịch bệnh heo tai xanh trên địa bàn Đà Nẵng là không còn.

Người dân vẫn ngại...

Dù ngành chức năng khẳng định dịch đã được kiểm soát, và một số vùng bị dịch heo tai xanh đã được dập dịch, nhưng tâm lý người mua hàng vẫn rất lo lắng. Các bà nội trợ ở Quảng Nam, Đà Nẵng thấy ngại khi mua loại thực phẩm này, đẩy mặt hàng thịt heo vào cảnh chợ chiều…

 
Xử lý heo tai xanh ở Quảng Nam - Ảnh: H.X.H

Có mặt tại chợ Hội An (Quảng Nam) vào giờ cao điểm, nhưng ở khu vực bán thịt với hơn 30 hộ kinh doanh gần như ngồi chơi không vì không có người mua. "Heo này đã được kiểm dịch, không có dịch bệnh mà người mua vẫn sợ. Mấy chị em hàng thịt heo của chúng tôi ngồi chơi cả tháng nay, không biết làm sao cho người mua hàng tin là thịt của mình không bị dịch!", chị Mỹ, một hộ kinh doanh trong chợ cho hay.

Giá thịt heo vì vậy cũng giảm so với bình thường, giá heo hơi các hộ chăn nuôi giảm từ 39.000 đồng/kg xuống còn 35.000 đồng/kg; thịt heo mông từ 100.000 đồng, có khi 110.000 đồng, giờ hạ xuống 85.000 - 90.000 đồng/kg vẫn không có người mua.

Tại Đà Nẵng, vào thời điểm dịch xuất hiện ở những xã vùng ven, cảnh ế ẩm ở hàng thịt của các khu chợ cũng xuất hiện một thời gian dài. Lượng heo giết mổ hằng ngày theo thống kê cũng giảm xuống gần 150 con. Đến nay, tâm lý e ngại đối với dịch heo tai xanh của người dân Đà Nẵng vẫn còn thường trực. Nhất là trong những ngày qua, mưa lũ hoàng hành, càng khiến cho các bà nội trợ có tâm lý bất an khi mua thịt trong thời điểm hiện tại. “Tôi tìm hiểu và biết được heo ở Đà Nẵng lấy từ Quảng Nam ra cũng nhiều, nên dù Đà Nẵng đã dập dịch, nhưng tôi vẫn thấy ngại khi mua thịt heo. Thôi thì cứ mua cá ăn một thời gian cho chắc chắn đã!”, chị Hoàng Thị Ngọc Châu, trú ở đường Nguyễn Chí Thanh, TP.Đà Nẵng chia sẻ.

Nguy cơ "dịch chồng dịch" ở Quảng Nam

Đến ngày 9.11, dịch heo tai xanh tại “tâm điểm” bùng phát dịch Điện Bàn đã qua 10-15 ngày không phát sinh ổ dịch mới, chỉ riêng xã Điện Tiến đã qua 21 ngày (thời hạn theo quy định có thể công bố hết dịch). Như vậy, nguy cơ lây lan dịch vẫn tiềm ẩn, UBND tỉnh Quảng Nam vẫn chưa đưa ra quyết định công bố hết dịch và lệnh cấm của địa phương vẫn còn hiệu lực. Để hỗ trợ cho các địa phương có dịch, Bộ NN-PTNT vừa tiếp tục đề nghị Chính phủ cấp (không thu tiền) 10 ngàn lít hóa chất và hỗ trợ khẩn cấp 50 ngàn liều vắc xin tiêm phòng dịch tả cho Quảng Nam. Nhiều đàn heo ở  thôn Châu Hiệp (thị trấn Nam Phước, H.Duy Xuyên) phải tiêu hủy khẩn cấp do mắc dịch tả ghép với bệnh tụ huyết trùng đã cảnh báo nguy cơ “dịch chồng dịch”. Bộ NN-PTNT từng đưa ra cảnh báo vi rút Lelystad gây dịch tai xanh có thể tồn tại trên heo nhiễm bệnh khoảng 2-3 tháng.

Trong khi đó, người chăn nuôi ở Quảng Nam lại đang hoang mang trước tình trạng hàng trăm con heo bị chết sau khi được tiêm vắc xin phòng dịch tai xanh. Tại Điện Bàn, Đại Lộc, TP.Hội An, hàng trăm con heo bị chết sau khi tiêm phòng vắc xin tai xanh. Tuy nhiên, Chi cục thú y Quảng Nam bác bỏ nguyên nhân về chất lượng nguồn vắc xin: nghiêng về lý do sức khỏe đàn gia súc suy yếu vì mang mầm bệnh của 3 bệnh đỏ, dễ bị “sốc” khi tiêm vắc xin nhược độc chủng JXA1-R. Trước mắt, địa phương hỗ trợ các trường hợp có heo chết do tiêm vắc xin ở mức như heo bị nhiễm dịch phải tiêu hủy bắt buộc (38.000 đồng/kg).

Hứa Xuyên Huỳnh

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.