Thủy điện xả lũ nhưng không điều tiết lũ!

10/11/2011 01:29 GMT+7

Chiều qua 9.11, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó ban Chỉ huy PCLB-TCKN tỉnh Quảng Nam, đã khẳng định với Thanh Niên: “Trong đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 5 đến 9.11 tại Quảng Nam, các hồ chứa thủy điện chỉ xả lũ theo đúng quy trình vận hành mà không tham gia điều tiết lũ”.

Trách nhiệm các hồ thủy điện ở đâu?

Báo cáo nhanh của UBND tỉnh về đợt lũ này cũng nhận định, hồ thủy điện Sông Tranh 2, A Vương, ĐăkMi 4 đã thông báo kịp thời về diễn biến và thực hiện xả lũ theo đúng quy trình, lưu lượng xả các hồ đều thấp hoặc bằng lưu lượng về hồ. Tuy nhiên, cũng theo ông Quang, vấn đề đặt ra là hiệu quả của việc thủy điện tham gia điều tiết lũ: “Chưa bàn đến số liệu thống kê lượng nước đến và xả khỏi hồ có chính xác hay không. Nhưng nếu lượng nước về hồ ngang bằng với lượng nước đã xả đi ngay trong thời điểm phía hạ du đang ngập nặng thì trách nhiệm điều tiết lũ, tham gia cắt lũ của các hồ thủy điện ở đâu?”.

Trong đợt lũ vừa qua, khu vực hạ du Quảng Nam chịu cảnh ngập lụt nặng, ngoài nguyên do mưa lớn nhiều ngày qua còn có yếu tố xả điều tiết lũ từ thủy điện, đặc biệt là khu vực H.Nông Sơn.

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong vòng 5 ngày, người dân của tỉnh này đã phải chịu hai đợt lũ kép gần như liên tiếp. Điều khiến phần lớn người dân thắc mắc là tại sao vùng đồng bằng có mưa nhỏ, thậm chí có lúc nắng ráo nhưng lũ dồn dập đổ về. Đặc biệt, kể từ khoảng 22 giờ ngày 7.11 đến 2 giờ ngày 8.11 vùng đồng bằng tỉnh chịu một đợt lũ với tốc độ nước dâng nhanh hiếm thấy. Riêng nước lũ trên sông Hương đỉnh điểm của đợt lũ này dừng lại ở “mốc” 4,22m vào lúc 2 giờ ngày 8.11. Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 9.11, Phó ban thường trực Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, Trần Kim Thành lý giải, sở dĩ vùng hạ du chịu hai đợt lũ kép liên tiếp là do lượng mưa đầu nguồn quá lớn. “Nước về hồ bao nhiêu thì thủy điện điều tiết về hạ du bấy nhiêu nên không thể gọi là thủy điện xả lũ làm hạ du ngập. Nếu không có thủy điện thì lượng nước đấy cũng đổ về xuôi”.


Phương tiện đi lại tại vùng lũ là thuyền và lội bộ - Ảnh: Vũ Phương Thảo

Thế nhưng, theo tìm hiểu của Thanh Niên, trong hai đợt lũ cả thủy điện Bình Điền và Hương Điền đều có xả lũ về vùng hạ du chứ không “điều tiết” như lâu nay các nhà quản lý cũng như chủ đầu tư hứa hẹn. Cụ thể, theo số liệu tổng hợp theo dõi thủy văn, hồ thủy điện Bình Điền (tại Ban Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh), lúc 0 giờ ngày 8.11, lưu lượng nước đến hồ là 1.511,88 m3/giây nhưng lưu lượng nước xả về hạ du là 1.818,75 m3/giây. Đây là một trong những lý do khiến nguồn nước lũ ồ ạt tuôn về hạ du lúc nửa đêm khiến bao người dân gần như thức trắng chống lũ. Trước đó, lúc 3 giờ sáng ngày 7.11, lưu lượng nước đến hồ này là 1.101,13 m3/giây nhưng lưu lượng xả về xuôi là 1.365,83 m3/giây.

Tương tự, số liệu tổng hợp theo dõi thủy văn tại hồ thủy điện Hương Điền (trong 2 đợt lũ) cũng cho thấy thủy điện này đã xả lũ về hạ du trong các thời điểm lũ. Cụ thể, lúc 0 giờ ngày 8.11 lưu lượng nước về hồ là 1.207,00 m3/giây nhưng lượng nước xả về xuôi của hồ này là 1.577,00 m3/giây; lúc 1 giờ ngày 8.11, lưu lượng nước về hồ là 1.020,50 m3/giây, nhưng lượng nước xả về xuôi đến 1.577,00 m3/giây; lúc 2 giờ lưu lượng về hồ là 1.295,50 m3/giây, còn lưu lượng xả là 1.573,00 m3/giây.

Các thời điểm xả lũ này đều trùng với thời điểm nước dâng bất ngờ khiến người dân vùng hạ du sông Hương và sông Bồ đã bị lũ uy hiếp rất nguy hiểm trong hai đợt lũ kép vừa qua.

H.X.Huỳnh - Hồ Trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.