Bài toán bản quyền trong ngành xuất bản

10/11/2011 15:04 GMT+7

Sau khi Việt Nam tham gia công ước Berne, việc xuất bản các tác phẩm nước ngoài trở thành một bài toán lớn bởi chi phí mua bản quyền.

Sau khi Việt Nam tham gia công ước Berne, việc xuất bản các tác phẩm nước ngoài trở thành một bài toán lớn bởi chi phí mua bản quyền.

Lúng túng

VN gia nhập công ước Berne, cam kết bảo hộ quyền tác giả giữa các quốc gia có chủ quyền đã gần 7 năm, thế nhưng không ít đơn vị xuất bản nhà nước vẫn rất lúng túng khi phải đối mặt với thực tế: chấm dứt “xài chùa”. Một số NXB VN khi được đối tác nước ngoài đề nghị cung cấp danh sách các ấn phẩm đã mua bản quyền nước ngoài thì đành chịu, không thể cung cấp nổi và cũng chính vì vậy bị mất lòng tin ở đối tác và không thể mua được bản quyền sách.

Nếu thống kê một cách thực sự nghiêm túc về số sách nước ngoài đã mua bản quyền ở các NXB nước ta, may ra chỉ được thực hiện nghiêm túc ở một vài NXB như Trẻ, Kim Đồng, Thế Giới… Còn lại một bộ phận không nhỏ vẫn đang loay hoay, trông chờ sách kế hoạch B (tức sách của đơn vị liên kết tới xin giấy phép, để đơn vị liên kết chịu trách nhiệm về bản quyền sách nước ngoài), hoặc nhờ vả các cộng tác viên, người quen trong ngành… hỏi xin (phần lớn) và hỏi mua bản quyền từ các nước khác.

 
Việc tham gia hội chợ sách quốc tế giúp các NXB tiếp cận nhiều cơ hội hợp tác và mua bản quyền - Ảnh: CTV

Số lượng NXB có bộ phận bản quyền nước ngoài cùng ban bệ đầy đủ, có năng lực ngoại ngữ giỏi, quan hệ tốt với các NXB nước ngoài để giao dịch mua bán bản quyền, đặc biệt có đầu óc nhạy bén để kịp thời thẩm định khả năng tiêu thụ và tương lai cho một cuốn sách trước khi quyết định hỏi mua thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên do rất đơn giản: lương nhà nước và đặc biệt là thu nhập của ngành xuất bản còn quá thấp để níu giữ những người vừa có ngoại ngữ giỏi, vừa có chuyên môn cao.

Thiếu bộ phận bản quyền riêng sẽ khiến các NXB mất sự chủ động trong việc tìm kiếm những sách nước ngoài hay và có độ tiêu thụ mạnh trên thị trường quốc tế. Việc không chuẩn bị sẵn một bản giới thiệu đầy đủ và thuyết phục về lịch sử cùng quá trình hoạt động của NXB, cũng như danh sách ấn phẩm đã mua bản quyền cũng khiến NXB khó gây dựng lòng tin từ đối tác ngoại quốc. Việc thụ động trông chờ vào mạng lưới cộng tác viên giới thiệu và mua bản quyền nước ngoài sẽ khiến NXB khó xử lý kịp thời thông tin, chậm trễ trong việc quyết định ra mức giá mua hoặc quyết định mua hay không, thậm chí có thể mua hớ do người mua hộ không thực sự hiểu rõ về thị trường xuất bản.

Tháo gỡ

Việc xây dựng một bộ phận bản quyền chuyên nghiệp là điều cần kíp và nên làm ngay đối với cả các NXB lẫn các đơn vị xuất bản tư nhân. Nhân viên mua bản quyền sách phải được tham gia các khóa học của các giáo viên nước ngoài để có được kỹ năng tốt. Họ phải biết rành rẽ việc soạn thảo hợp đồng mua bản quyền, thông thạo Luật Xuất bản, được trang bị kiến thức căn bản về luật, kinh tế và tình hình thị trường xuất bản, đồng thời phải có kỹ năng bán hàng để có thể giao dịch giá mua theo hướng có lợi cho mình.

Việc xây dựng trang mạng bằng tiếng Anh cho đơn vị cũng như công khai danh sách sách đã mua bản quyền nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp VN chiếm được lòng tin của đối tác.

Nguyễn Lệ Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.