Hành khách nào được ngồi gần cửa thoát hiểm máy bay?

09/11/2011 00:20 GMT+7

Trên chuyến bay VN1162 của Hãng hàng không Vietnam Airlines từ TP.HCM đi Hà Nội tối 5.11, hành khách Nguyễn Đức Duy (quê ở Củ Chi, TP.HCM, là sinh viên năm thứ 3 ĐH Tài nguyên - Môi trường) ngồi gần cửa thoát hiểm.

Trên chuyến bay VN1162 của Hãng hàng không Vietnam Airlines từ TP.HCM đi Hà Nội tối 5.11, hành khách Nguyễn Đức Duy (quê ở Củ Chi, TP.HCM, là sinh viên năm thứ 3 ĐH Tài nguyên - Môi trường) ngồi gần cửa thoát hiểm. Duy muốn mở rộng cửa sổ để ngắm cảnh nhưng đã mở nhầm cửa thoát hiểm máy bay. Hậu quả là hãng hàng không phải đổi máy bay và chuyến bay bị hoãn hơn 2 giờ.

Một cán bộ của Trung tâm huấn luyện bay, thuộc Tổng công ty hàng không VN cho biết ở những chiếc máy bay lớn, mỗi cửa thoát hiểm đều có ghế ngồi dành cho tiếp viên và tiếp viên sẽ chịu trách nhiệm tại cửa thoát hiểm đó. Còn với máy bay như A320, A321, tiếp viên sẽ có trách nhiệm hướng dẫn hành khách ngồi cạnh cửa thoát hiểm chỉ được mở cửa trong tình huống khẩn cấp, còn bình thường thì tuyệt đối không đụng đến nó.

Theo vị cán bộ này,  hành khách được ngồi ở hàng ghế cạnh cửa thoát hiểm phải là người lớn, khỏe mạnh để có thể nhanh chóng mở cửa khi xảy ra tình huống khẩn cấp. Thực tế, cửa thoát hiểm được thiết kế để ai cũng có thể mở được, khi xảy ra tình huống khẩn cấp thì cửa được mở ra nhanh chóng. Khi cửa được mở, phao trượt sẽ tự động bung ra, phồng lên để cho hành khách trượt ra khỏi máy bay nhanh chóng.

Theo Nghị định số 60/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, hành vi mở cửa thoát hiểm máy bay đang khai thác trái quy định, có mức phạt từ 10-20 triệu đồng.

Một cán bộ của Jetstar Pacific Airlines cho biết thêm, khi hành khách lên máy bay, tiếp viên sẽ hướng dẫn, nhắc nhở người ngồi ở hàng ghế gần cửa thoát hiểm, đồng thời có cả bản hướng dẫn đặt ở túi ghế phía trước. Khách ngồi hàng ghế thoát hiểm cũng có quy định cụ thể về độ tuổi và khả năng hiểu ngôn ngữ tiếp viên, thường thì quy định tiếng Anh và tiếng bản địa. Để có thể ngồi tại các hàng ghế gần cửa thoát hiểm, hành khách cần thỏa mãn các điều kiện như: ít nhất 15 tuổi; có khả năng hiểu và thực hiện theo các chỉ dẫn; không có người đi cùng luôn cần sự trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp; không ngồi cùng với trẻ nhỏ, người già, người bị khuyết tật bẩm sinh hoặc tạm thời.

Người ngồi ở hàng ghế cửa thoát hiểm phải tuân thủ các điều kiện và phản xạ theo mệnh lệnh của phi hành đoàn; có thể tiếp cận, mở, nâng và đẩy được cánh cửa thoát hiểm nặng khoảng 15 kg trong trường hợp khẩn cấp. Hành khách này phải nhận thức được các quy định về khu vực thoát hiểm do tiếp viên hàng không thông báo ở trên máy bay, đồng thời sẵn sàng giúp đỡ trong các trường hợp khẩn cấp.

Nhiều người cũng lo lắng cửa thoát hiểm có thể mở ra khi máy bay đang bay trên cao? Theo vị cán bộ của Trung tâm huấn luyện bay, cửa thoát hiểm chỉ mở ra được khi áp suất bên trong và bên ngoài máy bay cân bằng. Như vậy, khi máy bay đang bay trên cao, do có độ chênh áp suất nên chúng ta không thể nào mở được cửa thoát hiểm, trừ trường hợp máy bay bị thủng. Vị cán bộ này cũng cho biết thêm, nếu như cửa thoát hiểm bị mở mà vẫn còn có thể đóng lại được, thì phải cắt bớt khách, tương ứng với một lượng khách có thể thoát hiểm ra cửa đó, như đối với máy bay A320 là 50 hành khách cho mỗi cửa. Trường hợp cửa mở ra, bị hỏng không đóng lại được, máy bay không thể tiếp tục khai thác được nữa, và chi phí sửa chữa khá đắt.  Được biết, để cuộn lại phao trượt cửa thoát hiểm, tốn chi phí khoảng 10.000 USD. 

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.