Thủy điện xả lũ: Báo trước 2 giờ sao dân chạy kịp?

07/11/2011 01:56 GMT+7

Các địa phương đều biết rõ “quy trình xả lũ” của thủy điện, từ lúc phát đi thông báo chính thức đến khi người dân nhận được tin dữ và chính quyền tổ chức di dân, huy động lực lượng cứu hộ… mất rất nhiều thời gian. Song vẫn cứ “rập khuôn” báo trước chỉ 2 giờ. Hậu quả là người dân phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.

Trong khi tình hình mưa lũ khu vực miền Trung đang diễn biến phức tạp thì hôm qua, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên cho biết, lúc 13 giờ chiều cùng ngày, hồ thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ và vận hành với lưu lượng 400m3/giây; hồ thủy điện Sông Hinh đang xả 200m3/giây và sẽ tăng lên 400m3/giây. Cả 2 hồ thủy điện cùng xả lũ nên lưu lượng nước về sông Ba là 800 - 1.000m3/ giây, mực nước sông Ba sẽ ở mức dưới báo động cấp 1.

''Việc thực hiện thông báo trước khi xả lũ 2 giờ là quá ít, nhiều địa phương ở vùng hạ du không kịp trở tay'' - Ông Trần Trọng Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Hòa (Phú Yên)

2 giờ: quá ngắn!

Hồ thủy điện Sông Ba Hạ có diện tích lưu vực khoảng 11.115 km2, dung tích hồ chứa khoảng 350 triệu m3. Ông Đặng Văn Tuần - Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ, cho biết: “Thời gian thông báo xả lũ trước 2 giờ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy trình vận hành liên hồ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nếu thấy thời gian này không hợp lý thì địa phương báo cáo lên Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên - Môi trường để trình Thủ tướng điều chỉnh. Về phía công ty, trong trường hợp lũ về đột ngột trong ngày nghỉ thì ngoài thực hiện các chế độ báo cáo bằng fax, chúng tôi sẽ điện thoại cho từng thành viên Ban Chỉ huy PCLB-TKCN từ tỉnh đến xã. Thậm chí, chúng tôi thông báo trước từ 4-6 giờ, chứ không phải chờ đến đúng thời gian quy định thì mới xả lũ”.

Cũng theo ông Tuần, công ty đã lắp đặt và đưa vào sử dụng 5 bộ cảnh báo lũ từ xa tại các xã, thị trấn gồm Sơn Hà, Củng Sơn (H.Sơn Hòa), Đức Bình Tây, Đức Bình Đông, Sơn Giang (H.Sông Hinh). Trước và trong quá trình xả lũ, công ty sẽ kích hoạt các bộ cảnh báo này để thông báo cho nhân dân biết và chủ động phòng tránh. Ngoài ra, công ty đã hợp đồng với các trưởng thôn, cấp loa cầm tay để thông báo cho bà con với nội dung như thông báo từ bộ cảnh báo lũ từ xa.


Nhiều vùng hạ du Phú Yên đã chìm trong nước khi thủy điện xả lũ trên 10.000m3/giây -  Ảnh: Đức Huy

“Không kịp làm gì hết”!

Lý thuyết là vậy nhưng trong thực tế đợt lũ ngày 31.7.2011, dù thủy điện Sông Ba Hạ đã thông báo cho Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên, nhưng thông tin này không đến được người dân, vì đợt xả lũ trúng vào ngày… chủ nhật.

Hậu quả, nhiều người dân sản xuất ở các doi cát trên sông Ba đã không kịp trở tay, bị cuốn trôi tài sản, thậm chí một nông dân còn suýt chết trong đợt xả lũ ngày 31.7 là ông Nguyễn Kim Hùng (65 tuổi) ở thôn Mỹ Lệ Tây, xã Hòa Bình 2, H.Tây Hòa (Phú Yên). “Nước sông Ba vào buổi sáng 31.7 còn khô rốc, nhưng đến chiều thì lũ về rất mạnh. Lũ về ồ ạt, trở tay không kịp nên khi tui bơi ra cứu đàn bò thì bị nước xoáy nhấn chìm, may mà tui kịp bám vào đuôi bò, chứ không thì…”, ông Hùng kể lại.

Một trường hợp khác là anh Lê Can (46 tuổi, cũng ở thôn Mỹ Lệ Tây) chăn nuôi vịt ở trên sông Ba. Khi lũ về, anh chỉ đưa kịp đàn vịt vào bờ, lúc quay trở lại cứu tài sản thì trại vịt đã bị lũ cuốn trôi. Anh Can bức xúc: “Lũ về nhanh lắm, không kịp làm gì hết. Nếu thông báo trước 2 giờ xả lũ, người dân khó mà trở tay, vì còn phải chuẩn bị phương tiện và huy động người mới ứng cứu được tài sản”.

Chính quyền địa phương cũng bất lực

Cuối tháng 5.2011, thủy điện An Khê - Kanat (một thủy điện trong hệ thống thủy điện trên sông Ba) xả lũ đột ngột đã gây thiệt hại nặng cho nông dân ở huyện K’bang và thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai). Chủ tịch UBND thị xã An Khê Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Dù chúng tôi đã đề nghị nhiều lần nhưng Ban Quản lý thủy điện 7, cơ quan quản lý thủy điện An Khê - Kanat, vẫn chưa ban hành quy trình vận hành hồ chứa. Chúng tôi cũng khuyến cáo cần cắm những mốc có thể nguy hiểm đến tính mạng, tài sản người dân khi xả lũ nhưng đến nay vẫn chưa có. Nếu thủy điện xả lũ, nhiều người dân đi làm rẫy ở vùng bán ngập sẽ rất nguy hiểm vì trở tay không kịp”.

Trần Hiếu

Từ thực tế trên, chính quyền địa phương ở khu vực hạ lưu sông Ba đã kiến nghị nên tăng thời gian thông báo trước khi xả lũ lên từ 4-6 giờ. Ông Trần Trọng Kỳ - Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN H.Tây Hòa, khẳng định: “Việc thực hiện thông báo trước khi xả lũ 2 giờ là quá ít, nhiều địa phương ở vùng hạ du không kịp trở tay. Do đó chúng tôi đề nghị thông báo trước khi xả lũ từ 4-6 giờ”.

Ông Đào Tấn Cam - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Yên, cũng cho rằng: “Thông báo trước khi xả lũ của các thủy điện được quy định ít nhất 2 giờ thì việc di dời dân phòng tránh lũ tại các địa phương vùng hạ du bị ngập là quá ngắn. Đúc kết từ thực tiễn trong những năm qua, chúng tôi đã kiến nghị lên Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tăng thời gian lên 4 giờ để các địa phương chủ động trong việc di dời dân khỏi vùng ngập lụt”.

Xin điều chỉnh vẫn chưa được

Giải thích lý do vì sao các địa phương và ngành chức năng cho rằng thông báo xả lũ trước 2 giờ là quá ngắn, không kịp trở tay, và thực tế cũng đã chứng minh; nhưng UBND tỉnh vẫn áp dụng “quy định 2 giờ” trong phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du, ông Lê Văn Trúc - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCBL-TKCN Phú Yên, nói: “Thời gian quy định thông báo trước 2 giờ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy chế vận hành liên hồ. Thủy điện Sông Ba Hạ là thủy điện nằm dưới cùng nên phải vận hành đúng theo quy định này, nếu vận hành khác quy chế thì sẽ tạo lên áp lực lớn cho thủy điện Sông Ba Hạ, vì các thủy điện nằm trên đã làm theo quy trình đã được phê duyệt”.

Ông Trúc nhìn nhận, trong đợt xả lũ cuối năm 2010, thủy điện Sông Ba Hạ thông báo đúng quy định, nhưng các địa phương đã trở tay không kịp vì thời gian quá ngắn, đặc biệt là những vùng trũng. Để ứng cứu, chính quyền phải huy động phương tiện và nhân lực cứu hộ nên cũng phải mất thời gian nhất định.

“Phát hiện sự bất cập này, UBND tỉnh Phú Yên đã báo cáo và đề nghị các bộ liên quan trình Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh giờ xả lũ thông báo trước từ 4-6 giờ trong quy chế vận hành liên hồ trên sông Ba nhưng đến nay vẫn chưa điều chỉnh”, ông Trúc nói.

Đức Huy - Ngọc Chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.