Người tố cáo tham nhũng phải được bảo vệ

04/11/2011 02:15 GMT+7

Đây là đề xuất được nhiều đại biểu đồng tình tại cuộc hội thảo quốc tế “Bảo vệ người tố cáo tham nhũng” do Văn phòng Ban chỉ đạo (BCĐ) T.Ư về phòng chống tham nhũng (PCTN) tổ chức vào hôm qua 3.11.

Báo cáo của BCĐ PCTN tại hội thảo đã dẫn ra hàng loạt trường hợp người tố cáo tham nhũng bị trù dập phải điêu đứng như: ông Phạm Thanh Bình (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND P.Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội), vì tích cực đấu tranh chống tham nhũng mà bị Quận ủy Cầu Giấy cho thôi chức; bà Nguyễn Thị Hòa (Tây Hồ, Hà Nội) tố cáo sai phạm của một số cán bộ trên địa bàn, bị nhiều kẻ xấu đe dọa, khủng bố tinh thần, dọa giết, nhà bà thường xuyên bị đổ phân, ném chuột, mìn; ông Nguyễn Kim Hợp ở xã Phú Phong, H.Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh tố cáo cán bộ xã, huyện bán trái phép 300.000m2 đất thì bị chính quyền địa phương cưỡng chế thu hồi hơn 4.000m2 đất của gia đình ông.

''Chúng ta cũng thấy rằng đa số người bị tố cáo đều là người có chức quyền và các điều kiện khác. Cho nên phải giải quyết làm sao để trong trường hợp này người bị tố cáo không còn có những ưu thế, điều kiện để trả thù, trù dập người tố cáo'' - Ông Lê Văn Lân, Phó chánh văn phòng BCĐ PCTN

“Chính những trường hợp đáng tiếc như thế đã khiến nhiều người không muốn tố cáo hoặc không dám tố cáo các hành vi tham nhũng”, ông Lê Văn Lân, Phó chánh Văn phòng BCĐ PCTN, nói. Các nghiên cứu đưa ra tại hội thảo cho thấy, năm 2005 có tới trên 85% cán bộ công chức và 78% người làm trong doanh nghiệp khi được hỏi đã trả lời không quan tâm tới PCTN vì sợ trù úm. Ông Jairro Acuna Alfaro, cố vấn chính sách của Liên Hiệp Quốc tại VN, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, người tố cáo tham nhũng đang phải đối mặt với một môi trường nhiều thách thức. Chỉ khi nào người tố cáo tham nhũng cảm thấy an toàn thì các mục tiêu, chiến lược PCTN ở VN mới có thể thành công.

Bảo vệ người tố cáo bằng cách nào?

Tham luận của các đại biểu quốc tế đã đưa ra những ví dụ cụ thể về các cơ chế pháp lý, biện pháp và thực tiễn của công tác bảo vệ người tố cáo nói chung, tố cáo tham nhũng nói riêng tại các quốc gia trên thế giới.

Theo đó, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần quan tâm và thực hiện tốt việc bảo mật thông tin người tố cáo và xử lý, giải quyết nhanh, dứt điểm các thông tin của người tố cáo. Theo ông Jairro Acuna Alfaro, trong trường hợp thông tin cá nhân người tố cáo bị lộ thì cơ quan chức năng phải lập tức thực hiện các biện pháp bảo vệ cho họ. Tại nhiều nước đang áp dụng các chương trình bảo vệ nhân chứng, trong đó có người tố cáo. Không chỉ bản thân họ mà gia đình họ cũng được nhà nước bảo vệ từ giai đoạn điều tra, xét xử.

Ông Lê Văn Lân cũng xác định, muốn bảo vệ người tố cáo tốt thì trước hết phải xem xét xử lý thông tin người tố cáo nhanh chóng, kịp thời và triệt để. “Trong thực tế cho thấy, có những trường hợp tố cáo chưa được cơ quan chức năng giải quyết ngay thì người bị tố cáo có điều kiện để trả thù, trù dập người tố cáo. Chúng ta cũng thấy rằng đa số người bị tố cáo đều là người có chức quyền và các điều kiện khác. Cho nên phải giải quyết làm sao để trong trường hợp này người bị tố cáo không còn có những ưu thế, điều kiện để trả thù, trù dập người tố cáo”, ông Lân nói. Kinh nghiệm tại một số nước, khi người bị tố cáo tham nhũng với những bằng chứng cụ thể thì ngoài việc bị đình chỉ công việc, họ còn có  thể bị cách ly ra khỏi xã hội để không liên hệ được với các cá nhân khác nhằm thực hiện hành vi trả thù.

Còn theo ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, trong trường hợp người tố cáo không cố ý mà chỉ do nhận thức không đầy đủ hoặc thiếu thông tin dẫn đến tố cáo sai thì cơ quan chức năng cũng cần có kết luận rõ để tránh việc người bị tố cáo lợi dụng việc tố cáo sai quay lại trù dập.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.