Nhiêu khê bảo hiểm y tế

03/11/2011 00:30 GMT+7

Nhiều người bệnh, đặc biệt người nghèo xem bảo hiểm y tế (BHYT) là cái phao. Dù dư luận đã phản ứng rất nhiều, nhưng vẫn còn quá nhiều nhiêu khê xung quanh chiếc thẻ này.

Người dân gặp nhiều phiền toái khi khám chữa bệnh bằng BHYT - ảnh: Diệu Hiền

Khổ như đi khám có BHYT

Có mặt tại Bệnh viện (BV) Mắt Đà Nẵng vào một ngày tháng 10, PV chứng kiến cảnh người bệnh đến khám khá đông. Một cặp vợ chồng than thở: "Tôi sợ đi khám bảo hiểm là phải đợi lâu, nên bảo bà vợ đi từ 6 giờ sáng. Rứa mà sáng tới chừ vẫn chưa được khám, chắc qua 11 giờ mới tới lượt". Nhiều người bệnh như vợ chồng ông bà cũng gặp cảnh tương tự. Hỏi ra thì đều chung một nguyên nhân: khi nộp sổ và thẻ bảo hiểm vào cho bộ phận làm hồ sơ, mọi người quên kẹp CMND. Điều đáng nói là, thay vì thông báo cho bệnh nhân biết để bổ sung thì các cô trong bộ phận này thản nhiên gạt sang một bên, để làm cho người kế tiếp. Đến khi chờ suốt hơn 2 tiếng đồng hồ không thấy kêu tên, mọi người mới đổ dồn đến hỏi thì các cô thản nhiên trả lời: thiếu CMND!

"Đó là chưa kể, trong khi hàng trăm lượt bệnh nhân đứng ngồi không yên, mệt mỏi vì chờ đợi, thì các cô nhân viên này cứ cười nói thản nhiên, nói chuyện phiếm thay vì tập trung vào công việc. Người bệnh hỏi gì cũng chẳng thèm trả lời. Cứ sai chút gì là gạt sang một bên chẳng cần tư vấn gì cả", bệnh nhân Nguyễn Văn Hà (trú quận Hải Châu) bức xúc. Mang câu chuyện này lên trao đổi với BS Phạm Bình - Giám đốc BV Mắt Đà Nẵng, ông Bình phân trần hiện BV dành riêng những ngày trong tuần để khám BHYT, còn lại thứ bảy, chủ nhật mới khám dịch vụ để tránh tình trạng khám dịch vụ và khám BHYT đan xen vào nhau. Việc một người bệnh khám BHYT phải chờ lâu tại BV một phần cũng do hiện BV chỉ có 2 phòng khám BHYT với 2 bác sĩ phụ trách, trong khi lượng bệnh nhân mỗi ngày từ 300-400 người. Riêng về vấn đề bộ phận làm hồ sơ thiếu tư vấn kỹ cho bệnh nhân, BV sẽ kiểm tra và khắc phục.

Khâu chờ lấy thuốc BHYT cũng khổ không kém dù thuốc được kê thường là thuốc rẻ tiền. Một bác sĩ nói thật, do sợ bị "tuýt còi" nên chủ yếu cho thuốc chỉ có tác dụng điều trị cầm chừng. Có bác sĩ sau khi kê đơn thuốc BHYT, khuyên bệnh nhân nên mua thêm nhiều loại thuốc khác bên ngoài nếu muốn việc điều trị hiệu quả. Chị L.T.T đi khám bệnh ở BV C. (Đà Nẵng), chờ suốt buổi mới được khám, khám xong thì đợi cả tiếng đồng hồ mới lấy được thuốc, với đơn thuốc chỉ có 9.000 đồng.

Rắc rối thanh toán tai nạn giao thông

Sao không dán hình vào thẻ?

Theo quy định, bệnh nhân khi vào viện, phải xuất trình thẻ BHYT cùng giấy tờ có hình ảnh (CMND, thẻ học sinh...). Thế nhưng, hầu hết các trường tiểu học, THCS ở Đà Nẵng không hề tổ chức làm thẻ cho học sinh. Để được thanh toán BHYT, phụ huynh phải về trường xin giấy xác nhận của hiệu trưởng, có dán ảnh, đóng dấu. Thấy quá phức tạp, nhiều người quyết định trả tiền để con được chữa bệnh nhanh, dù trong lòng thì vô cùng ấm ức.

Trên thực tế, hiện thẻ BHYT có khung dán ảnh, nhưng hầu hết khi phát hành đến các cá nhân, đơn vị, thì tấm thẻ này không được dán ảnh. Nhiều bệnh nhân sau khi nhận thẻ, tự dán ảnh mình vào nhưng không được các BV chấp nhận, vì tấm hình dán không có dấu đóng thì không hợp lệ.

Ông N.B.T (trú Đại Lộc, Quảng Nam) ra thăm con ở Đà Nẵng, không may bị tai nạn giao thông. Khi đến cấp cứu ở BV Đà Nẵng thì cán bộ BV cho hay người nhà phải thanh toán mọi khoản cho đến khi có giấy xác nhận của phía công an xác định là ông T. đúng luật giao thông và chỉ giải quyết BHYT bắt đầu từ thời điểm có giấy xác nhận đó. Người nhà ông T. đến Công an huyện Hòa Vang xin giấy xác nhận, nhưng phía công an cho biết phải có 2 phía mới có thể tìm hiểu nguyên nhân, sau mới điều tra và xác nhận ai đúng luật, ai sai. Rõ ràng ông T. đang nằm viện thì không thể đến để làm việc và xác định đúng sai, nên không có giấy xác nhận.

Được biết, hiện Bộ Y tế và Bộ Tài chính đang trình dự thảo Thông tư liên bộ Y tế, Tài chính và Công an hướng dẫn thanh toán BHYT đối với trường hợp bị TNGT. Ngày 14.2.2011, Bộ Tài chính có văn bản 1932 gửi Bộ Y tế nêu rõ: thống nhất về việc người có thẻ BHYT bị TNGT khi đi khám chữa bệnh nếu chưa có đủ căn cứ xác định có vi phạm luật giao thông hay không thì vẫn được cơ quan BHXH thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo chế độ quy định. Sau đó, cơ quan BHYT có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an trên địa bàn xác minh nguyên nhân xảy ra TNGT để xử lý theo đúng quy định của luật BHYT.

Thế nhưng, khi dự thảo vẫn chưa trở thành quy định thì người bệnh phải lách luật. Bà Ng.Th.V, trú ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), có con bị TNGT, nhập vào trung tâm y tế địa phương. Sau khi điều trị được vài ngày, trung tâm này cho xuất viện. Về nhà được 1-2 hôm thì cháu bị đau lại, phải nhập vào cấp cứu ở BV Đà Nẵng. Tại đây, bà khai thật trình tự điều trị của con mình, nhưng không được BV chấp nhận, bắt bà phải quay lại trung tâm y tế cũ, xin làm giấy chuyển viện, giấy xác nhận của công an thì mới cho hưởng BHYT. Bà lên trung tâm xin giấy nhưng không được. Một người quen mới chỉ cách cho bà "lách". Vậy là bà đem con về, rồi chở lên cấp cứu BV Đà Nẵng "nhập" lại. Tại đây, bà khai là con bà bị té, chấn thương. BV lập tức điều trị và con bà được hưởng BHYT.

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.