Doanh nghiệp và trường học

29/10/2011 00:55 GMT+7

Ngày nay doanh nhân và nhà giáo có những mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Thậm chí có không ít doanh nhân là nhà giáo và ngược lại. Thế nhưng sự hợp tác này vẫn còn nhiều chông chênh.

Nhiều doanh nghiệp từ chối làm việc với các trường ĐH-CĐ khiến cho việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong vấn đề đào tạo theo nhu cầu của xã hội không hề dễ dàng.

Ông Trần Khắc Danh - Phó giám đốc nhân sự Tổng công ty thương mại Sài Gòn, chia sẻ: “Hiện nay chủ yếu chúng tôi mới chỉ hỗ trợ về học bổng cho sinh viên khá giỏi, tham dự các buổi hội thảo do một số trường tổ chức và hỗ trợ thực tập cho vài chục sinh viên mỗi năm”.

Ông Trương Minh Kiệt, Giám đốc Trung tâm quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng nhận định: “Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực đa số là ở các đơn vị liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài, sự tham gia của các công ty trong nước còn nhiều hạn chế”.

Khảo sát của Ngân hàng Thế giới mới đây cho thấy ở VN hiện chỉ có 3% doanh nghiệp muốn hợp tác đào tạo với trường ĐH. Trong khi đó, theo tiến sĩ Lê Anh Duy - Trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Sài Gòn: “Tại các nước phát triển, doanh nghiệp và nhà trường có mối quan hệ tương tác và hỗ trợ nhau rất hiệu quả trong quá trình đào tạo cũng như phát triển kinh doanh. Doanh nghiệp rất cần nhà trường. Ở nước ta thì nhà trường cần doanh nghiệp nhiều hơn”. Có một thực tế là nhiều trường khi liên hệ với doanh nghiệp để đặt vấn đề hợp tác, nhờ hỗ trợ về xây dựng chương trình đào tạo, nhận sinh viên thực tập, tham gia tuyển dụng… thì bị doanh nghiệp từ chối với lý do bận việc hoặc không có nhu cầu. Ông Duy cho rằng: “Thường trong quan hệ hợp tác thì 2 bên phải cùng có lợi. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp chưa nhìn thấy lợi ích của mình khi bắt tay với nhà trường”.

Giáo dục hiện nay cũng là một lĩnh vực thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Kể từ khi cơ chế cho phép các trường ĐH tư thục được thành lập, số lượng các nhà đầu tư đổ tiền vào lĩnh vực giáo dục ngày càng đông. Các trường ĐH, CĐ tư thục được thành lập mới, người đứng ra xin phép thường là một nhà giáo dục, nhưng đứng đằng sau là rất nhiều nhà đầu tư.

Xét về bản chất, việc có nhiều nhà đầu tư đứng ra chăm lo cho giáo dục là rất tốt nhưng thực tế cho thấy rất nhiều nhà đầu tư chỉ nghĩ đến lợi nhuận thu được. Thời gian vừa qua cũng không hiếm ban giám hiệu nhiều trường ĐH-CĐ khi chuyển sang loại hình tư thục đã mời doanh nghiệp đầu tư vào trường. Ban đầu, doanh nghiệp tỏ ra là những người rất quan tâm đến giáo dục. Nhưng càng về sau, nhiều người trong trường mới vỡ lẽ ra rằng, người làm kinh doanh thì chỉ nghĩ đến kinh doanh.

Tinh thần doanh nhân là làm để phụng sự xã hội. Doanh nhân đầu tư vào giáo dục càng nên ghi nhớ rõ điều này. Bởi, giáo dục là một lĩnh vực đặc thù. Sản phẩm của giáo dục tạo ra chính là tương lai của đất nước.

Quyên Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.