Ngân hàng Nhà nước: Không cho mua bán vàng miếng tràn lan

28/10/2011 18:29 GMT+7

(TNO) Đó là nội dung chính trong Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (gồm 7 chương 24 điều) vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo đã trình Chính phủ. Theo NHNN, dự thảo Nghị định này đã được tổ chức lấy ý kiến góp ý của ban, ngành, hiệp hội kinh doanh vàng, các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp (DN)...

Trong mục các biện pháp cụ thể tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh của dự thảo Nghị định quy định rõ: NHNN quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng.

Khác với trước đây, NHNN cho phép 8 TCTD và DN kinh doanh vàng sản xuất vàng miếng, dự thảo lần này quy định các điều kiện chặt chẽ đối với DN được phép sản xuất vàng miếng.

Theo đó, để được NHNN xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng, các DN phải đáp ứng các điều kiện: là DN được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký hoạt động sản xuất vàng miếng trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng trở lên; chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất...

Dự kiến với các điều kiện nêu trên, số lượng DN được phép sản xuất vàng miếng sẽ giảm xuống đáng kể. Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng quy định rõ việc sản xuất vàng miếng được thực hiện theo hạn mức do NHNN cấp từng lần.

Dự thảo Nghị định cũng thu hẹp đối tượng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng, không khuyến khích hoạt động mua bán vàng miếng.

So với hiện nay, hoạt động mua bán vàng miếng được thực hiện khá tự do tại hầu hết 12.000 DN kinh doanh vàng. Dự thảo Nghị định bổ sung quy định coi hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Đồng thời dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng.

Để được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mua bán vàng miếng, các DN phải đáp ứng đủ các điều kiện: là DN thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong hai năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ ba tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Với các điều kiện chặt chẽ như trên, dự kiến số lượng DN được phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ thu hẹp đáng kể.

Tuy nhiên, để bảo đảm quyền tích trữ, mua bán vàng của người dân, dự thảo Nghị định quy định các điều kiện kinh doanh mua bán vàng miếng của TCTD tương đối thuận lợi để dựa vào mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của TCTD thực hiện mua bán vàng với người dân.

Việc này giúp NHNN quản lý tốt hơn thị trường vàng miếng của các TCTD do NHNN trực tiếp quản lý.

Đồng thời, để tăng cường hiệu quả quản lý, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định "Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các TCTD và DN được NHNN cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng”.

Như vậy, việc kinh doanh vàng miếng không có giấy phép của NHNN và hoạt động mua bán vàng miếng trên thị trường tự do là hoạt động bất hợp pháp và sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của Nghị định 95/2011/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành.

Ngoài ra, để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động can thiệp của NHNN nhằm bình ổn thị trường vàng khi có diễn biến bất thường, dự thảo Nghị định quy định cho phép NHNN thực hiện can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các hoạt động: cấp phép sản xuất vàng miếng; tổ chức mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước; tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu; tổ chức huy động vàng.

Thành Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.