Phạm Lực - họa sĩ có số phận kỳ lạ

27/10/2011 00:44 GMT+7

Trong lĩnh vực mỹ thuật VN, cho đến bây giờ hầu như chỉ họa sĩ Phạm Lực có một CLB các nhà sưu tập tranh Phạm Lực. Càng độc đáo hơn nữa bởi ông là một họa sĩ đương đại...

Tiến tới ngày sinh nhật thứ 70 của họa sĩ Phạm Lực (tháng 12.2011), CLB Những nhà sưu tập tranh Phạm Lực (gọi tắt là CLB tranh Phạm Lực) đã tổ chức cuộc triển lãm Một thời và mãi mãi tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (diễn ra từ 29.10 - 13.11.2011). Đến dự cuộc họp báo giới thiệu triển lãm, chúng tôi thật sự bất ngờ trước sự yêu mến, trân trọng và nhiệt tình của các thành viên trong CLB dành cho họa sĩ và tranh của ông...

Kỹ sư Ngô Quang Tuấn - Chủ tịch CLB cho biết: “Tranh Phạm Lực có sức hấp dẫn rất đặc biệt bởi đường nét phóng khoáng và màu sắc rất lạ. Đặc biệt nó rất thuần Việt, đầy hồn Việt nên được nhiều người ưa thích, sưu tầm... Tháng 12.2002, nhân mừng sinh nhật 60 của họa sĩ Phạm Lực, TS Nguyễn Sĩ Dũng - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (khi đó) đã nói: “Cố gắng giữ lại các tác phẩm của họa sĩ Phạm Lực để sau này con cháu chúng ta khỏi phải ra nước ngoài mới xem được tranh Phạm Lực”. Xuất phát từ ý tưởng đó, CLB Những nhà sưu tập tranh Phạm Lực được chính thức thành lập ngày 20.10.2004 - ngày Phụ nữ VN, vì hình ảnh các phụ nữ, bà mẹ tràn ngập trong tranh Phạm Lực.

Ban đầu CLB tập trung rất đông anh em, sau này do nhiều lý do nên chỉ còn hơn 100 nhà sưu tập (trong và ngoài nước). Chúng tôi thật tự hào được là thành viên của một CLB sưu tập tranh duy nhất trong cả nước về một họa sĩ. Tranh Phạm Lực hiện còn lưu giữ khoảng 6.000 bức. Riêng tôi có khoảng 1.000 bức treo kín tường nhà của cả 3 tầng lầu. Nói về giá thì tranh Phạm Lực có lúc là cho không cũng có lúc... cao ngất trời. Trong bộ sưu tập của tôi có bức Cô gái bán hoa, nhiều người ngỏ ý muốn mua lại, có người trả tôi 30.000 USD nhưng tôi không muốn rời xa nó...”.

Có lẽ đời họa sĩ không ai “sướng” như Phạm Lực bởi phía sau ông có cả một lực lượng “fan... đại gia”. Họ “chăm” ông như báu vật, từ cây cọ, tuýp màu cho đến thuốc nhức đầu sổ mũi...

 
Bức tranh Cô gái bán hoa - Ảnh: H.Đ.N

Họa sĩ có số phận kỳ lạ

Phạm Lực sinh năm 1943 tại Huế. 2 tuổi thì Cách mạng tháng Tám xảy ra. Cha ông vốn là quan của triều đình Huế đã khuyên vợ đem 3 đứa con về quê ngoại ở Hà Tĩnh, còn mình ở lại nghe ngóng tình hình. Ai ngờ lần chia ly đó là mãi mãi, kẻ Bắc người Nam. Trong khi người chồng ở trong này “xênh xang áo mão” thì vợ con ở ngoài kia lại sống trong tủi nhục, bị những người xung quanh dè bỉu, xa lánh vì có chồng, cha là “Việt gian”. Phạm Lực lớn lên trong oan nghiệt, đói lạnh. Vậy mà, bằng những nỗ lực không mệt mỏi, cuối cùng Phạm Lực cũng đã vào được trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (niên khóa 1960-1965). Ra trường là nhập ngũ liền, anh chiến đấu ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), tuyến lửa Vĩnh Linh rồi Tây Nguyên, Nam Lào, Tây Nam Bộ... 35 năm trong quân ngũ, tay súng tay cọ, Phạm Lực trở thành đảng viên, thiếu tá QĐNDVN. Những bức tranh anh vẽ trong thời kỳ này (vẽ trên bao tải, rất kiệm màu) bây giờ lại là mục tiêu cho các nhà sưu tập săn đuổi.

Năm 1993, Phạm Lực mở một “xưởng” vẽ ở Hà Nội. Đó chỉ là một căn phòng xập xệ nhưng lại là điểm lui tới của giới yêu thích hội họa (kể cả người nước ngoài), bởi tranh của Phạm Lực có một sức hấp dẫn lạ kỳ. Bà Francois Flane (người Pháp) lúc đó là Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Hà Nội cũng thường hay đến xem Phạm Lực vẽ và rồi từ “người mẫu” trở thành... người vợ của họa sĩ. Nhờ người vợ Pháp này mà ở Paris có hẳn một gallery tranh Phạm Lực. Rồi tranh Phạm Lực lan tỏa sang các nước châu u. Còn ở VN, lần đầu tiên có một CLB các nhà sưu tập tranh Phạm Lực như đã nói ở trên.

Triển lãm tranh Phạm Lực Một thời và mãi mãi trưng bày 56 bức tranh chọn lọc (sáng tác từ 1966 đến nay), của 8 nhà sưu tập: Ngô Quang Tuấn, Nguyễn Sỹ Dũng, Phạm Yên Hương, Trần Sỹ, Vũ Thị Đài (Hà Nội), Đặng Hùng Long, Nguyễn Thiều Quang, Quách Hoàn Kiếm (TP.HCM).

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.