Mỹ can thiệp trấn áp tội phạm Mexico

26/10/2011 00:19 GMT+7

Washington ngày càng can thiệp sâu hơn vào việc trấn áp tội phạm ở Mexico, nhiều băng nhóm nước này đã bị Mỹ cài cắm người vào bên trong.

Theo hãng tin UPI, từ năm 2008 đến tháng 5.2011 các chương trình của Mỹ hỗ trợ đào tạo và cung cấp máy bay, thiết bị giám sát cho Mexico có tổng giá trị lên đến 423 triệu USD. Washington còn cam kết sẽ bổ sung thêm các chương trình huấn luyện và cung cấp thiết bị trị giá 500 triệu USD vào cuối năm nay. Ngoài ra, Mỹ còn thực hiện nhiều kế hoạch khác và phần nào gặt hái được kết quả khi đập tan một số băng nhóm của Mexico.

 
Cảnh sát liên bang Mexico bắt giữ tội phạm ma túy - Ảnh: Borderlandbeat.com

Can thiệp sâu

Theo tờ The New York Times ngày 24.10, thái độ của Mexico đối với việc Mỹ tham gia vào các vấn đề an ninh quốc gia không còn quá gay gắt như lúc trước. Giờ đây, máy bay không người lái của Mỹ có thể lượn lờ trên bầu trời Mexico để theo dõi các băng nhóm tội phạm. Cách đây 5 năm, hành động vừa nêu là điều không tưởng vì Mexico rất hạn chế sự can thiệp của Mỹ. Do vậy, trước nay Mỹ thường giữ kín các hoạt động tham gia trấn áp tội phạm tại Mexico. Một trong số các hoạt động kín kẽ nói trên là việc Mỹ thiết lập mạng lưới gồm nhiều đầu mối đặc tình cung cấp thông tin bên trong các băng nhóm trên khắp đất nước Mexico. Washington đã cố gắng giữ kín hoạt động này không chỉ vì lo ngại những quan chức bị giới tội phạm mua chuộc, mà còn do nhiều quy định cấm lực lượng an ninh Mỹ hoạt động tại Mexico.

Nhóm Zetas liên tục bị trấn áp

AFP dẫn lời giới chức Mexico ngày 24.10 nói 4 thành viên nhóm Zetas bị bắt vì tình nghi liên quan đến vụ tấn công sòng bạc Casino Royale ở Nuevo Leon, làm 52 người chết hồi tháng 8. Antonio Camacho Jaco, 1 trong 4 người bị bắt, thú nhận nhóm của y chịu trách nhiệm mang xăng đến đốt sòng bạc Casino Royale. Cho đến nay, chính quyền Mexico bắt giữ tổng cộng 15 người vì liên quan đến vụ việc trên. Theo đó, nhóm Zetas, vốn là tổ chức tội phạm lớn thứ 2 của Mexico, bị cáo buộc đã thực hiện vụ tấn công vì chủ sòng bạc không chịu đóng tiền bảo kê.

Từ ngày 14 - 16.10, quân đội và cảnh sát liên bang Mexico đã tiến hành chiến dịch tấn công nhằm vào khoảng 200 thành viên của Zetas ở xung quanh thị trấn San Carlos, gần biên giới với Mỹ. Trong chiến dịch này, lực lượng chức năng đã bắn hạ 22 người bị nghi ngờ là thành viên của nhóm Zetas sau những trận đấu súng quyết liệt.

Theo giới chức an ninh hai nước, mạng lưới đặc tình đã phát triển tốt, giúp chính quyền Mexico bắt giữ hoặc giết chết khoảng 20 thành viên trung và cao cấp thuộc các tổ chức tội phạm nước này. Vừa qua, các nguồn tin của đặc tình cũng giúp cho Cơ quan Quản lý di trú và hải quan Mỹ bắt giữ Jaime J.Zapata, người bị cáo buộc đã bắn chết một số thành viên của nhóm Zetas hồi tháng 2. Ngoài ra, các đầu mối đặc tình còn giúp các cơ quan chức năng Mỹ tiếp cận được những ông trùm đầu sỏ của nhiều băng nhóm Mexico. Nhờ đó, Washington có thể kiểm soát hàng ngũ của các băng nhóm và khám phá nhiều âm mưu phạm tội. Mới đây, phía Mỹ cho biết mạng lưới đặc tình đã góp phần đập tan âm mưu thuê băng nhóm tội phạm Zetas ở Mexico ám sát đại sứ của Ả Rập Xê Út tại Washington.

Dao 2 lưỡi

Tuy nhiên, mạng lưới đặc tình cũng ẩn chứa rủi ro lớn khi nhiều cá nhân “nằm vùng” đã hoạt động như một “gián điệp 2 mang”, theo tờ The New York Times. Hồi tháng trước, thẩm phán liên bang ở hạt El Paso thuộc bang Texas, Mỹ, đã kết án tù giam đối với một thành viên cấp trung của nhóm Sinaloa ở Mexico vì buôn lậu ma túy. Bị cáo trên còn bị cáo buộc làm “gián điệp 2 mang” khi cung cấp thông tin để Mỹ phá tan một số tổ chức tội phạm ma túy nhằm giúp cho băng nhóm của mình hưởng lợi.

Nhiều đặc tình chấp nhận làm việc cho Mỹ nhằm nhận được khoan hồng để giảm án trong các hành vi phạm tội trước đó. Vì vậy, việc “chiêu hồi” của những tay tội phạm này chủ yếu để nhằm trốn tránh các rắc rối pháp lý trong nhất thời. Trong khi đó, Mỹ không cung cấp toàn bộ đầu mối thông tin cho nước chủ nhà để kết hợp theo dõi, do lo ngại bất đồng giữa hai nước vì sự can thiệp quá đà của Washington. Cho nên, Washington không thể kiểm soát được việc làm của những tay “tội phạm chiêu hồi” trên đất Mexico, điều đó có thể giúp chúng lợi dụng ngược các cơ quan chức năng của Mỹ. Một số nhân viên công quyền được đặc phái nằm vùng trong các băng nhóm cũng có thể biến chất và trở thành tội phạm thực sự. Chính vì thế, chương trình này của Mỹ đã gặp phải không ít chỉ trích. Vanda Felbab-Brown, chuyên gia về tội phạm có tổ chức tại Viện Brookings, cho rằng đó là những “giao dịch với quỷ”.

Hoàng Đình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.