Thừa, thiếu đều bất lợi

23/10/2011 15:34 GMT+7

Các loại acid béo omega-3 (có nhiều trong mỡ của động vật thích ăn tảo, sinh vật phù du; dầu cải, rau lá xanh, tảo biển, rau sam, các loại thực phẩm dạng hạt...) là những chất béo có ích cho cơ thể. Cụ thể là giúp cơ thể phòng chống các bệnh tim mạch, giảm áp lực lên thành động mạch ở những người bị huyết áp cao, giảm nhồi máu cơ tim, giảm bệnh động mạch vành và giảm mỡ máu. Vì vậy mà chúng ta cần bảo đảm cho cơ thể có đủ omega-3.

Acid béo omega-6 (có trong dầu bắp, dầu hạt bông vải, dầu hạt nho, dầu mè, dầu đậu nành, dầu hoa hướng dương, trứng gà…) và cũng là chất béo rất có ích trong ngăn ngừa các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, do cơ thể không thể tự sản xuất được nên phải hấp thu acid này từ thức ăn.

Omega-3 nếu sử dụng liều trên 3 g thì sẽ có thể gây giảm huyết áp, tiêu chảy, chảy máu, trướng bụng. Ăn quá nhiều omega-6 thì có thể làm gia tăng sự giữ nước trong cơ thể, kéo theo việc tăng áp suất máu và tăng nguy cơ máu bị đóng cục trong mạch. Lượng omega-6 quá nhiều trong cơ thể sẽ chiếm  hết các enzym và vitamin cần thiết khiến omega-3 không thể hoạt động một cách hoàn hảo được, nhất là trong việc bảo vệ tim mạch và còn có thể gây đau nhức, viêm sưng… Chưa kể người ta đã chứng minh được rằng việc tiêu thụ mất cân bằng 2 acid này sẽ gia tăng các yếu tố thúc đẩy béo phì và nhiều hậu quả nghiêm trọng khác cho sức khỏe.

Nhân nói về omega-3 và omega-6 cũng xin nhắc đến omega-9. Đây không phải là acid béo thiết yếu nhưng nó lại có tác dụng giảm cholesterol máu, tham gia việc giúp cơ thể chống lại nhiều bệnh lý ác tính và cũng được khẳng định là có vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ em, của hệ miễn dịch. Khi thiếu hụt omega-3 và omega-6, hoặc có sự mất cân đối giữa hai loại này thì cơ thể sản xuất ra một lượng nhỏ omega-9. Cơ thể cũng sẽ được bổ sung omega-9 thông qua một số loại động vật và thực vật (đậu phộng, dầu hướng dương…). Dù vậy, nhiều  chuyên gia về dinh dưỡng cũng đã thấy những người có rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông thì phải lưu ý khi dùng omega-9 cùng với omega-3 và omega-6, vì nguy cơ chảy máu.

Cho nên, thứ gì cũng vậy, dù là rất tốt cho sức khỏe nhưng không hẳn cứ nạp vào cơ thể càng nhiều càng tốt. Hơn nữa, nếu tập trung sử dụng quá nhiều hoặc quá thường xuyên một vài thứ thực phẩm nào đó thì chắc chắn sẽ dẫn đến thừa acid này nhưng lại thiếu acid kia. Thừa hay thiếu đều bất lợi. Đó là lý do vì sao chúng ta vẫn thường được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo phải đa dạng hóa thực phẩm trong thực đơn.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.