"Việt Nam: Tôi đã từng ở đó"

22/10/2011 23:57 GMT+7

Chin Kah Chong “đã từng ở đó” cách đây ngót nửa thế kỷ. Cuốn sách tiếng Hoa với tựa đề Việt Nam: Tôi đã từng ở đó - câu chuyện của một phóng viên chiến tranh vừa hoàn thành cũng là lúc ông tròn 80 tuổi.

Ông chia sẻ: “Những chuyện tôi kể hoàn toàn khách quan, khi mọi cảm xúc đã lắng xuống bấy nhiêu năm”. Cuối năm 1979, chính ông đã viết cuốn sách về Việt Nam, trở thành best-seller khi ấy ở Singapore. “Cuốn đó tôi viết khi vẫn còn nhiều cảm xúc”, ông thừa nhận.

 
Tác giả Chin Kah Chong

Cuốn sách mới nhất dài gần 400 trang, có nhiều hình ảnh và gồm 3 phần. Phần đầu gồm 13 chương về VN, bắt đầu từ cuộc chiến Đông Dương, Hiệp định Genève, sự thăng trầm của chính quyền Ngô Đình Diệm và miền Nam VN thời hậu Ngô Đình. Sự can thiệp thô bạo của Mỹ với tư duy Chiến tranh lạnh đã đẩy VN vào một giai đoạn đau thương, đó là điều ông muốn nói trong suốt gần 200 trang đầu quyển sách. 

Phần 2 cuốn sách với 45 trang là câu chuyện giữa ông với “Đệ nhất phu nhân” Trần Lệ Xuân. Và phần cuối là tác nghiệp và sinh hoạt của phóng viên quốc tế ở chiến trường miền Nam khi ấy. Trong số trên dưới 6.000 phóng viên đến và đi trong vòng 20 năm tính đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, theo số liệu của JUSPAO, tức Văn phòng truyền thông hỗn hợp Hoa Kỳ, không ít người đã gửi xác ở Đông Dương. Ông kể về họ với những lời đẹp đẽ nhất.

 
Quyển sách sẽ chính thức ra mắt vào ngày 5.11 tại Thư viện quốc gia Singapore

Nhưng, khác với cái nhìn và những bản tin của hầu hết phóng viên quốc tế khi ấy, ông Chin là người hiếm hoi có những bài báo bảo vệ bà “Đệ nhất phu nhân” nhiều điều tiếng. Đơn giản vì ông có may mắn nói chuyện trực tiếp với bà nhiều lần, kể cả khi bà rơi vào thân phận lưu vong và góa bụa.  

Nhân duyên với bà cố vấn

Năm 1956, chàng phóng viên trẻ măng 25 tuổi người Singapore Chin Kah Chong được cử sang Sài Gòn. Hãng tin Pan-Asia Newspaper Alliance (PANA News) có trụ sở chính ở Tokyo, và văn phòng ở Singapore là nơi ông làm việc. Khi ấy PANA News cũng có văn phòng ở Sài Gòn, nằm ngay dưới văn phòng của hãng tin Reuters, nơi nhà tình báo lỗi lạc Phạm Xuân Ẩn ẩn danh trong vai một phóng viên. Ông Chin được cử sang hỗ trợ đồng nghiệp của mình ở Sài Gòn, mỗi đợt kéo dài vài tháng.

Lần đầu tiên ông gặp Madame Nhu, ông gọi bà Trần Lệ Xuân như thế, là tại một cuộc họp quốc hội vào tháng 3.1956. Bà Nhu khi ấy là dân biểu xinh đẹp, sắc sảo và quyền thế, không mấy phóng viên có may mắn tiếp cận được bà. Nhưng chàng phóng viên Singapore 25 tuổi đã không ngần ngại lại gần, làm quen và xin được phỏng vấn. Bà Nhu vui vẻ gật đầu.

Chiều hôm sau, khi trở về khách sạn Majestic, nơi ông Chin thường lưu trú mỗi khi đến Sài Gòn, một bức thư hỏa tốc do bà Nhu ký đang đợi ông. Bà Nhu cho gọi ông đến Dinh Độc Lập để thực hiện cuộc phỏng vấn. “Khi tôi đến nơi là 5 giờ chiều. Đệ nhất phu nhân đang ngồi chờ bên một chiếc bàn đá màu trắng. Lời đầu tiên bà ấy nói với tôi là: ‘Tôi dành cho anh 30 phút phỏng vấn. Chồng tôi nói rằng nhà báo là những người rất nguy hiểm”, ông Chin kể. Tuy nhiên, họ đã nói chuyện với nhau đến 7 giờ rưỡi tối, khi Lệ Thủy, con gái đầu của ông bà Nhu, mời bà vào ăn cơm.

Khác với hình ảnh một đệ nhất phu nhân bạo quyền, bạo miệng mà báo chí phương Tây đưa tin rần rần, bà Nhu trước mặt người phóng viên trẻ hơn mình 7 tuổi rất nhu mì. Ông Chin đề nghị bà và ông cố vấn ngồi cạnh nhau cho ông chụp hình, hai ông bà cùng ngồi. Bảo bà cầm điện thoại lên nghe, bà cầm; bảo bà chơi đàn piano, bà cũng chơi. Chắc chắn không một phóng viên nào khác có những bức ảnh “đời thường” của bà Nhu như thế. Hôm ấy, bà Nhu cũng ký tặng ông Chin một bức ảnh chân dung của bà. Đó là ngày 17.3.1956. Và họ tiếp tục giữ liên lạc bằng thư tín. Một số phúc đáp của bà Nhu do thư ký của bà ở “Văn phòng bà cố vấn Ngô Đình Nhu” soạn, ký và gửi đi.

Cuộc phỏng vấn thứ hai và cũng là lần gặp gỡ cuối cùng giữa ông Chin với bà đệ nhất phu nhân diễn ra tại biệt điện của bà ở Đà Lạt vào ngày 22.1.1963. Rồi biến cố ngày 1.11.1963 xảy ra khiến chồng bà và anh chồng - ông Ngô Đình Diệm, mất mạng trong lúc bà đang ở New York (Mỹ). Bất thình lình trở nên góa bụa, thất thế, bà Nhu chạy từ Mỹ sang Ý lưu vong, và gặp lại các con ở đó. Ông Chin đã phải nhờ đến hãng tin UPI (Mỹ) mới lần được địa chỉ của bà ở Rome.

Những biến cố tiếp theo trong cuộc đời bà Nhu, ông Chin đều được biết thông qua thư từ. Ông Chin cũng gửi cho bà Nhu nhiều tư liệu và hình ảnh khi bà có ý định viết hồi ký.

Tuy nhiên, liên hệ giữa họ bất ngờ bị gián đoạn từ năm 1981. Đã bao lần ông Chin gửi thư đến những địa chỉ cũ của bà Nhu ở Paris và Rome, nhưng đều không có hồi âm…

Ngày 24.4.2011, bà Nhu qua đời tại Rome sau một thời gian lâm bệnh. Báo chí Mỹ đưa tin khá nhiều. Trong số đó, ông Chin gửi cho tôi một bản copy bài báo trên tờ Washington Post mà bạn ông bên Mỹ thu thập giùm. Bài báo khá dài với bức ảnh bà Nhu trông rất đanh đá được đăng ở mục Cáo phó ngày 28.4.2011 với tựa đề Madame Ngô Đình Nhu, 87: Đệ nhất phu nhân Nam Việt Nam thao túng quyền lực. Không một lời bình luận, ông Chin chỉ đề lên tờ báo mấy chữ: “Gửi cháu đọc cho vui và cùng chiêm nghiệm”.

Quyển Vietnam: Tôi đã từng ở đó viết gần xong cũng phải được chỉnh lại. “Bà ấy đã mất, tôi phải thận trọng hơn với những gì mình viết về bà”, ông Chin nói. 

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.