2011: Khoảng 145.000 viên chức, công chức vào biên chế

22/10/2011 17:44 GMT+7

(TNO) Báo cáo thẩm tra việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011 vừa gửi tới các ĐBQH, Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH cho hay số biên chế công chức trong năm 2011 đã tăng thêm 5,9% so với năm ngoái.

Một trong những tồn tại trong việc thực thi Luật này theo đánh giá của cơ quan thẩm tra là “biên chế trong khu vực nhà nước tiếp tục tăng nhanh, bộ máy hiện nay còn cồng kềnh, chất lượng phục vụ chưa tương xứng, lãng phí về sử dụng lao động và thời gian lao động”.
 
Ủy ban TCNS dẫn chứng: Theo báo cáo của Bộ Nội vụ ngày 23.9 vừa qua, tỷ lệ biên chế công chức trong giai đoạn 2005 – 2010 tăng 14,67%, số lượng người tăng bình quân hàng năm 15.362 người và tỷ lệ tăng bình quân hàng năm là 2,93%/năm. Tuy nhiên, đến năm 2011, số biên chế công chức tăng so với năm 2010 tới 5,9% (năm 2010 là 600.414 người và 2011 là 635.840 - không tính viên chức cả nước và công chức, viên chức thuộc Bộ Quốc phòng); biên chế sự nghiệp năm 2011 cũng tăng 49.898 người so với năm trước.
 
Đáng chú ý, thời điểm QH thông qua Luật viên chức tại kỳ họp thứ 8, QH khóa 12 (15.11.2010) đến nay, số viên chức cả nước là 1.655.000 người nhưng năm 2011 đã lên tới 1.800.000 người, tăng tới 145.000 người.
 
Tồn tại khác, theo cơ quan thẩm tra, là “cơ chế chính sách chưa nhất quán và đồng bộ; chính sách tiền lương và thu nhập có sự bất bình đẳng giữa các khu vực và ngay trong cùng một ngành nghề. Việc sử dụng nguồn nhân lực chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao hoặc người lao động chưa làm hết trách nhiệm của mình dẫn đến việc sử dụng lao động và thời gian lao động còn lãng phí không nhỏ”.
 
Tại phiên thảo luận tổ về tình hình thực hiện nhiệm vụ KTXH chiều qua, 21.10, khi bàn về cơ chế điều chỉnh lương cơ bản hiện nay, ĐB Đỗ Văn Đương đoàn TP.HCM cũng đã đề cập tới gánh nặng của ngân sách trước tình trạng biên chế nhà nước ngày một “phình” thêm.
 
“Rất nhiều cử tri nói rằng hiện trong công chức Nhà nước chỉ có 1/3 làm thật, 1/3 vừa làm vừa chơi và 1/3 không làm gì cả. Không làm gì cả, chân trong chân ngoài thì làm sao bắt Nhà nước phải trả lương cao được?”, ĐB Đương nêu quan điểm, đồng thời đề nghị “phải đặt ra lộ trình giảm biên chế, nếu không ngân sách không thể nào chịu nổi”.

2007 – 2011: Tỷ lệ doanh nghiệp CPH mới đạt 35% mục tiêu
 
Theo Ủy ban TCNS, công tác đổi mới, sắp xếp CPH các DNNN nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, góp phần chống lãng phí, tiêu cực là một trong các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhưng đến nay tiến độ CPH còn chậm. Báo cáo của Chính phủ ngày 29.7 vừa qua cho thấy, năm 2010, cả nước mới sắp xếp được 5.854 DN và bộ phận DN, đạt dưới 50%. Trong đó CPH được 3.949 DN (đạt khoảng 35% so với phương án Thủ tướng phê duyệt cho giai đoạn 2007 – 2010).

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.