NTC tuyên bố ông Gaddafi đã chết

21/10/2011 00:30 GMT+7

Hội đồng dân tộc chuyển tiếp (NTC) chính thức tuyên bố nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đã thiệt mạng trong trận chiến tại Sirte.

Chiều 20.10, những dòng tin đầu tiên về cái chết của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi được truyền thông thế giới đồng loạt đăng tải. AP dẫn nguồn từ giới chức cho biết ông Gaddafi đã thiệt mạng khi binh sĩ NTC tràn vào thành phố Sirte, một trong những điểm kháng cự cuối cùng của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo này. Chủ tịch Ủy ban điều hành NTC Mahmoud Jibril chính thức xác nhận thông tin trên trong một cuộc họp báo được tổ chức tại Tripoli vào tối qua.

Theo báo cáo ban đầu của NTC, ông Gaddafi cùng cánh quân trung thành bị lực lượng NTC bao vây tại các tòa nhà ở Sirte. Hai bên giao tranh quyết liệt nhưng cuối cùng nhóm của ông Gaddafi thất thế và phải tìm cách tháo chạy. Sau đó, đoàn xe ông Gaddafi bị máy bay NATO không kích. Thế nhưng, giới chức NATO khi đó chưa thể xác nhận ông Gaddafi có mặt trong đoàn xe hay không.


Nhiều nguồn tin cho hay nhà lãnh đạo Gaddafi đã chết và đăng tải tấm ảnh được cho là chụp thi thể ông (ảnh nhỏ) - Ảnh: Reuters
 

Khi các thông tin vẫn còn rất mâu thuẫn, AFP phát đi một tấm ảnh, được chụp bằng điện thoại di động, cho thấy thi thể của một người đàn ông khá giống với nhà lãnh đạo Gaddafi. Sau đó, Đài truyền hình Al-Jazeera phát một đoạn phim quay cảnh một thi thể được cho là của ông Gaddafi. Tiếp đến, giới chức NTC cho biết thi thể của nhà lãnh đạo này đã được chuyển đến thành phố Misrata.

Đến nay, thông tin chi tiết về cái chết của ông Gaddafi vẫn chưa được làm sáng tỏ. Cũng có kênh truyền hình Ả Rập phát đi đoạn phim cho thấy ông Gaddafi bị bắt sống và có thương tích. NATO và Mỹ đều chưa thể khẳng định hoàn toàn về chuyện này mà chỉ nói các hình ảnh thi thể “trông có vẻ giống ông Gaddafi”. Thân nhân của nhà lãnh đạo Libya đang tị nạn tại Nigeria vẫn chưa lên tiếng về thông tin xung quanh cái chết của ông.

Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã có phản ứng khác nhau về sự kiện này. AFP dẫn lời Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bày tỏ hy vọng việc kết thúc chiến dịch truy đuổi ông Gaddafi sẽ mang lại hòa bình, ổn định cùng một chính phủ dân chủ cho Libya. 

Những mốc thời gian quan trọng

15.2.2011: Biểu tình khởi đầu tại thành phố miền đông Benghazi và nhanh chóng lan sang nhiều nơi khác. Chính phủ cho lực lượng an ninh trấn áp làm nhiều người thiệt mạng.

21.2: Thủ tướng Anh David Cameron chỉ trích hành động dùng bạo lực trấn áp người biểu tình. Ba ngày sau, Tổng thống Mỹ Barack Obama ra tuyên bố tương tự.

25.2: Phe chống đối kiểm soát nhiều thành phố chính.

26.2: HĐBA LHQ tuyên bố lệnh cấm vận đối với ông Gaddafi và gia đình còn hành động trấn áp biểu tình bị đệ trình lên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC).

17.3: HĐBA LHQ triển khai vùng cấm bay trên lãnh thổ Libya, NATO bắt đầu chiến dịch không kích gây tranh cãi.

28.3: Qatar trở thành quốc gia Ả Rập đầu tiên công nhận phe chống đối là đại diện chính thức của Libya.

10.4: Ông Gaddafi đồng ý một lộ trình chấm dứt xung đột nhưng bị phe chống đối bác bỏ.

30.5: Ông Gaddafi kêu gọi ngừng bắn.

27.6: ICC phát lệnh bắt giữ ông Gaddafi và con trai Saif al-Islam.

15.7: Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) của phe chống đối được Mỹ công nhận là đại diện hợp pháp của Libya.

28.7: Abdel Fattah Younes, tư lệnh lực lượng vũ trang của phe chống đối bị ám sát, làm nảy sinh đồn đoán về chia rẽ trong nội bộ phe này.

19.8: Phe chống đối tiến vào Tripoli.

Cuối tháng 8: NTC kiểm soát hoàn toàn Tripoli. Từ đó đến nay, NTC đã liên tục tấn công hai ổ kháng cự còn lại của lực lượng trung thành với ông Gaddafi là thành phố Bani Walid và Sirte.

20.10: NTC tuyên bố chiếm giữ toàn bộ thành phố Sirte và loan báo cái chết ông Gaddafi.

Bích Huệ
(tổng hợp)

Ông Muammar Abu Minyar al-Gaddafi, sinh ngày 7.6.1942 trong một gia tộc du mục ở thành phố Sirte. Năm 1961, ông vào Học viện quân sự Libya và tốt nghiệp trong khoảng 1965 - 1966.

Ngày 1.9.1969, Muammar Gaddafi dẫn đầu một nhóm binh sĩ hạ bệ vua Idris và chính thức nắm quyền lãnh đạo Libya. Khi đó, ông Gaddafi tự thăng quân hàm của mình lên đại tá và đứng đầu cơ quan lãnh đạo cao nhất của Libya. Năm 1972, ông đảm nhiệm chức thủ tướng nhưng từ chức trong cùng năm và trên danh nghĩa không nắm giữ vị trí chính thức nào trong chính phủ. Nhà lãnh đạo này có 8 người con gồm 7 trai và 1 gái, đều nắm các vị trí quan trọng tại Libya.

Lê Loan

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.