Không tuyển công chức là sinh viên trường ngoài công lập: Bộ Tư pháp cần kiểm tra và dừng thi hành

21/10/2011 23:52 GMT+7

Sự việc tỉnh Nam Định không tuyển dụng sinh viên (SV) tốt nghiệp trường ngoài công lập (NCL) vào làm công chức nhà nước đã vấp phải sự phản đối gay gắt của các chuyên gia giáo dục và nhà chức trách.

 

Giờ thực hành của sinh viên trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, một trường ngoài công lập có thế mạnh về đào tạo ngành kỹ thuật  - ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ngày 21.10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã trao đổi với Thanh Niên về ý kiến chính thức của Bộ GD-ĐT xung quanh vấn đề này. Thứ trưởng cho biết:

Phải ngăn chặn ngay

“Mặc dù tôi được đào tạo từ hệ công lập nhưng thực sự ngạc nhiên, sốc trước suy nghĩ và cách làm của các vị quan chức của tỉnh Nam Định. Đây là sự phân biệt đối xử, đâu cứ phải SV dân lập nào cũng có chất lượng kém. Xin hỏi các vị, các vị cần người tài thì sao không tổ chức thi tuyển với các tiêu chí về chất lượng để mọi SV công lập, dân lập đều được tham gia một cách công bằng, bình đẳng. Tôi cho rằng đằng sau những quyết định kiểu này là động cơ không lành mạnh”.

Minh Nghĩa (nghiaqlb@gmail.com)

Tất cả các quy định hiện hành của pháp luật đều không phân biệt đối xử đối với hệ thống trường công lập (CL) và NCL, vì vậy bằng cấp của SV tốt nghiệp hai loại hình trường này đều có giá trị pháp lý như nhau. Khi ban hành các văn bản quản lý, Bộ GD-ĐT cũng không phân biệt trường CL hay NCL. Ví dụ trong tuyển sinh, các trường đều phải chung một mức điểm sàn nhằm đảm bảo điều kiện tối thiểu để SV được học ĐH; về chương trình đào tạo, về các điều kiện đảm bảo chất lượng, các trường đều phải tuân thủ quy định chung để đảm bảo cùng một mặt bằng chất lượng. Vì vậy, không có lý do gì để phân biệt đối xử với SV tốt nghiệp hệ thống trường NCL.

Thưa ông, việc làm của tỉnh Nam Định được các chuyên gia giáo dục đánh giá là đã đi ngược lại với chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng, Nhà nước. Vậy ngành giáo dục đã làm gì trước tình trạng này?

Phát triển các trường NCL là chủ trương của Nhà nước nhằm xã hội hóa giáo dục và là việc cấp thiết. Nghị quyết 14 của Chính phủ đã yêu cầu năm 2020 phải đạt 40% SV học hệ thống các trường NCL. Vì vậy, Nhà nước đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trường NCL. Về phía quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT sẽ phải làm sao để xã hội nhìn nhận hình ảnh các trường NCL tốt hơn. Vì thế, Bộ luôn có chủ trương nâng cao chất lượng của các trường NCL để các trường này có một mức chất lượng như nhau so với trường CL. Ví dụ trong tuyển sinh, Bộ luôn khẳng định giữ một mức điểm sàn chung cho các trường để đảm bảo SV trường công hay tư cũng phải đạt mức kiến thức tối thiểu mới được học ĐH. Điều kiện về giảng viên, cơ sở vật chất, các trường NCL cũng phải đáp ứng như trường CL…

Vậy tại sao khi các địa phương từ chối tuyển dụng SV tốt nghiệp các trường NCL, Bộ không kiến nghị với các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý?

Việc chấp hành luật là nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị của cả nước. Bộ GD-ĐT không có thẩm quyền khuyến cáo các địa phương hay Bộ Nội vụ chấn chỉnh lại việc đó. Nhiệm vụ này là của Bộ Tư pháp. Nếu các địa phương ra các văn bản không đúng quy định thì Bộ Tư pháp phải có trách nhiệm kiểm tra và dừng thi hành.

Về phía Bộ GD-ĐT, chúng tôi sẽ tiếp tục có những biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo của trường NCL. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tổ chức thanh tra, kiểm tra, các điều kiện đảm bảo chất lượng của hệ thống trường ĐH và sẽ có biện pháp xử lý những cơ sở không đảm bảo chất lượng. Bộ GD-ĐT sẽ cố gắng kiểm soát để các trường NCL đều đảm bảo các điều kiện chất lượng tối thiểu. Như vậy, xã hội sẽ yên tâm khi tuyển dụng SV của các trường này.

Gốc của vấn đề là tuyển dụng minh bạch, công khai

Dù là công lập, dân lập hay tư thục thì đều có giấy phép của Nhà nước, dạy và học theo chương trình quy định, giáo viên và sinh viên đều có tiêu chuẩn cụ thể và được cấp bằng theo mẫu của Bộ GD-ĐT. Vậy hà cớ gì có sự phân biệt đối xử trong việc đánh giá và nhìn nhận của xã hội?

Trường nào cũng có thế mạnh riêng và những hạn chế nhất định. Cũng giống như từng con người vậy. Quan trọng là tuyển chọn và sử dụng như thế nào cho hợp lý. Đầu vào công lập có thể cao điểm hơn dân lập nhưng không ai dám đảm bảo đầu ra sẽ tốt hơn? Bé sơ sinh nặng bao nhiêu không quan trọng bằng việc chăm sóc nuôi dưỡng bé sau đó.

Quan điểm và lập luận của Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định Trần Tất Tiệp là phiến diện, cảm tính. Nếu là quan điểm cá nhân thì không sao, đằng này là quan điểm của người đứng đầu Sở Nội vụ - cơ quan tuyển chọn nhân sự cho cả tỉnh thì không thể chấp nhận được. Ông Tiệp còn phán: “Học ngoài công lập thì làm công chức xã” vì  “công chức xã nhàn hơn” lại được  “ăn cơm nhà, ngủ với bu, lĩnh lương nhà nước”. Nói như vậy là xúc phạm tới anh em viên chức cơ sở. Chẳng hiểu Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nam Định có đồng thuận hoặc chỉ đạo việc làm của Sở Nội vụ tỉnh?

Tôi đi dạy ở các trường ĐH cả công lập và ngoài công lập chủ yếu là để “tìm người giỏi về cho công ty”. Thú thật là tôi chọn được nhiều em ở trường ngoài công lập hơn vì thực tế ở ngành du lịch thì một số trường ngoài công lập đào tạo ăn đứt trường công lập. Khi tuyển chọn người vào công ty, với tôi và cả bộ phận nhân sự, vấn đề không phải là “bằng công lập” hay không mà ở cách tuyển chọn và sau đó là tiếp tục đào tạo, sàng lọc để đưa vào các chức vụ chủ chốt.

Gốc của mọi vấn đề là tuyển dụng minh bạch, công khai, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng.

Nguyễn Văn Mỹ

Vũ Thơ (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.