Chỉ số giá tiêu dùng phải được kiểm soát ở mức một con số

20/10/2011 12:21 GMT+7

(TNO) Đây là quan điểm của Ủy ban Kinh tế khi thẩm tra báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và phương hướng, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012.

Lạm phát tăng cao còn do tăng giá điện, xăng dầu cùng lúc

Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2011 của Chính phủ, Ủy ban kinh tế nhất trí với Chính phủ về những kết quả đạt được năm 2011, như duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8 - 6% GDP; an sinh xã hội về cơ bản được bảo đảm; Chính trị ổn định, quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; vị thế của nước ta trong quan hệ quốc tế tiếp tục được tăng cường…

Theo Ủy ban Kinh tế, “những kết quả đạt được nêu trên thể hiện sự quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận, cùng chia sẻ khó khăn của các tầng lớp nhân dân”. 

Tuy nhiên, Ủy ban này cho rằng, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, chưa đảm bảo tính ổn định và bền vững.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban này cũng dẫn ra các mặt hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2011, như trong số 6/22 chỉ tiêu dự báo không đạt theo Nghị quyết của QH, có chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. “Lạm phát tăng cao trong năm 2011 một phần là do yếu tố chi phí đẩy của giá hàng hóa quốc tế tăng đột biến; đặc biệt, lạm phát tăng mạnh trong những tháng đầu năm còn do việc tăng giá nhiều mặt hàng trong nước cùng lúc như việc điều chỉnh tỷ giá, tăng giá điện, xăng dầu”.  

Ngoài ra, các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chưa được thực hiện một cách đồng bộ, nhất là cắt giảm đầu tư công chưa nhiều và chưa công khai các công trình kém hiệu quả, chủ yếu là điều chuyển vốn đầu tư giữa các dự án.

Đặc biệt, tình hình tai nạn giao thông còn nghiêm trọng, xảy ra nhiều vụ thảm khốc. Ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM diễn ra ngày càng gay gắt, nhưng chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá

Từ các nhận định trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ trong điều hành chính sách những tháng cuối năm 2011 cần đặc biệt chú ý xử lý tốt mối quan hệ giữa lạm phát, tỷ giá và lãi suất, trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá, tiếp tục kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức thấp và điều chỉnh cơ cấu tín dụng phục vụ sản xuất, xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng hạn chế phát sinh nợ xấu.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát tính an toàn hệ thống tổ chức tín dụng; Kiểm tra và xử lý tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, dừng đầu tư đối với dự án qua kiểm tra xét thấy không hiệu quả và có biện pháp xử lý dứt điểm; Tiếp tục các biện pháp giảm nhập siêu, kiểm soát hiệu quả đối với nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, những mặt hàng trong nước đã sản xuất được. 

Về phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 Chính phủ trình, Ủy ban Kinh tế thống nhất với các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội và môi trường theo báo cáo của Chính phủ, và nhấn mạnh một số chỉ tiêu chủ yếu cần phấn đấu để bảo đảm mục tiêu tổng quát đã đề ra cho năm 2012, trước hết là “tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng phải được kiểm soát ở mức một con số”. 

Để đạt được chỉ số này, Chính phủ phải kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo Ủy ban Kinh tế, năm 2012 được dự báo sẽ ít có khả năng biến động lớn về giá hàng hóa thế giới. Vì vậy, tỷ giá sẽ đóng vai trò chủ yếu trong việc quyết định giá cả hàng hóa dịch vụ xuất, nhập khẩu; chính sách tỷ giá nếu được duy trì ổn định sẽ góp phần kiểm soát chỉ số tăng giá hàng tiêu dùng.  

Về tốc độ tăng trưởng GDP, Chính phủ đề nghị năm 2012 khoảng từ 6 - 6,5%, Ủy ban Kinh tế cho rằng, chỉ tiêu này có thể đạt được và không mâu thuẫn với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nếu phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.  

Cơ quan thẩm tra cũng đồng thời đề xuất 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Chính phủ cần làm để thực hiện thành công mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm tới.

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.