Cà Mau trong thế liên kết vùng

20/10/2011 09:38 GMT+7

Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ chọn Cà Mau là một trong 4 địa phương trọng điểm ở ĐBSCL cần tập trung đầu tư xây dựng để trở thành đô thị động lực của vùng.

Thế mạnh từ biển

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau xác định phát triển kinh tế thủy sản là ưu tiên số một. Năm 2010, thủy sản - mà chủ công là con tôm sú - được chế biến xuất khẩu mang về kim ngạch trên 800 triệu USD, tiếp tục giữ vững là tỉnh đứng đầu cả nước về chế biến và xuất khẩu tôm. Từ đây, nền công nghiệp chế biến thủy sản ở Cà Mau ngày càng khẳng định được vị thế với trên 30 nhà máy, quy mô được mở rộng; chất lượng mặt hàng, công nghệ chế biến được nâng cao… Tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân vừa qua, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Dương Tiến Dũng, tự hào: Cà Mau không phải là một địa phương thuận lợi về thu hút đầu tư nước ngoài và thực tế là các dự án đầu tư nước ngoài vào Cà Mau chưa nhiều, nhưng Cà Mau có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn có tầm cỡ quốc gia, quốc tế, tập trung nhiều trên lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản. Con tôm Cà Mau hiện có mặt trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và đang tiếp tục tấn công mạnh vào các thị trường năng động bằng những sản phẩm mang thương hiệu sạch, hàng giá trị gia tăng…

 
Với kim ngạch 800 triệu USD (năm 2010), Cà Mau nhiều năm liền dẫn đầu cả nước trong xuất khẩu tôm. Hiện mặt hàng tôm chất lượng cao của Cà Mau đã có mặt trên 40 nước, chinh phục cả các thị trường khó tính nhất - Ảnh: Trần Nguyên

Là tỉnh sở hữu bờ biển dài nối liền một dãy từ Đông sang Tây, ngoài tiềm năng khai thác thủy sản trên biển với hơn 5.000 chiếc tàu, Cà Mau còn có tiềm năng về khai thác dầu khí trên thềm lục địa biển với những dự báo rất khả quan. Từ vùng biển chồng lấn với Malaysia, đường ống dẫn khí PM3 được dẫn về vùng U Minh Hạ để vận hành Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, đóng góp cho lưới điện quốc gia trên 9 tỉ KWh/năm, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện cả nước. Ngoài ra, dòng khí từ vùng biển Cà Mau còn được dẫn về cung cấp cho nhà máy nhiệt điện Ô Môn tại TP Cần Thơ với công suất 660 MW, sản xuất trên 3 tỉ KWh điện/năm. Ngoài ra, nhà máy Đạm Cà Mau với công suất thiết kế 800.000 tấn ure/năm đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến đến cuối năm nay, nhà máy sẽ cho ra mẻ sản phẩm đạm dạng viên đầu tiên, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL, vựa lúa của cả nước và thế giới. 

Kết nối tiềm năng

Dự kiến tới đây, Cà Mau sẽ di dời và xây dựng mới sân bay Cà Mau - một trong 4 sân bay ở ĐBSCL, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại  thời hội nhập. Ngoài tuyến Quốc lộ 1A, các tuyến đường “xương sống” của địa phương, như Quốc lộ 63, Quản lộ Phụng Hiệp, đường hành lang ven biển Đông Tây đang được cải tạo mở rộng, xây mới và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Cảng Năm Căn nằm trong Khu kinh tế Năm Căn đang được khẩn trương xây dựng theo tiêu chuẩn cảng biển nước sâu thuộc cụm cảng hàng hải Việt Nam, đảm đương sứ mệnh phục vụ các tỉnh Nam sông Hậu và các nước Đông Dương xuất hàng trực tiếp bằng đường biển sang các nước Đông Bắc Á.

Với những tiềm năng và vị thế mang tầm khu vực  cùng  những định hướng phát triển và chính sách thu hút đầu tư ngày một thông thoáng, Cà Mau sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đồng thời sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong tỉnh mau chóng lớn mạnh. Gần đây, nhiều đoàn công tác của các lãnh sự quán các nước: Mỹ, Ấn Độ, Singapore… đã đến Cà Mau tham quan, tìm hiểu và đánh giá  rất cao những tiềm năng của Cà Mau.  Và MDEC Ca Mau 2011 sẽ là điểm nhấn quan trọng khẳng định vai trò và vị thế của Cà Mau trong khu vực; là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận với những tiềm năng dồi dào của địa phương, từ đó đưa ra những quyết định đầu tư, khai thác kịp thời...

Trần Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.