Nghề chinh phục nhà cao tầng

17/10/2011 06:30 GMT+7

“Mới mẻ, hấp dẫn và đầy thử thách!” là nhận xét của những người đang làm nghề quản lý nhà cao tầng.

Cái gì cũng phải biết!

Tối 11.10, tại tòa nhà Botanic, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, ba chàng trai Nguyễn Quốc Tuấn (26 tuổi), Đoàn Ngọc Thiên Sơn (28 tuổi), Lại Văn Thuấn (29 tuổi) cùng cộng sự đang khảo sát, chuẩn bị công tác bỏ thầu quản lý dự án. Sơn, Tuấn và Thuấn là những học viên khóa đầu tiên (từ năm 2003-2005, bậc trung cấp chuyên nghiệp) chuyên ngành quản lý nhà cao tầng tại trường ĐH Dân lập Văn Lang TP.HCM.

Chia sẻ về công việc của mình, anh Tuấn - hiện là Trưởng ban Quản lý chung cư cao cấp The Splendor tại Q.Gò Vấp, không khỏi rùng mình khi nhớ lại thời gian thực sự bắt tay làm quản lý: “Hồi đó, tôi bị một số người dân tái định cư túm cổ áo dọa đánh khi họ bức xúc việc đóng phí dịch vụ. Tháng đầu tiên, ngày nào tôi cũng bị stress”.

Chỉ tay lên những chậu hoa treo lơ lửng trên ban công tòa nhà Botanic, anh Thuấn - hiện làm quản lý tài chính trong cao ốc văn phòng Scetpa ở Q.Tân Bình nói: “Mối nguy hiểm có thể bắt nguồn từ những việc tưởng như nhỏ nhặt ấy. Quản lý chung cư với hàng trăm, hàng ngàn người chung sống không phải dễ. Nhiều người bảo họ có toàn quyền sử dụng căn hộ họ mua, nên muốn làm gì cũng được”.

Từng làm việc cho 5 tập đoàn lớn và lần lượt nắm giữ những vị trí quan trọng: Quản lý khu phố ở Phú Mỹ Hưng; Trưởng ban Quản lý tòa nhà Conic (H.Bình Chánh); Giám đốc tòa nhà ở một cao ốc Q.4…, anh Sơn khẳng định: Làm nghề này hầu như cái gì cũng phải biết. Phải am hiểu về kết cấu tòa nhà, quản lý hệ thống kỹ thuật lẫn nhân sự; nắm vững những quy định để giải quyết yêu cầu, khiếu nại của khách hàng; tạo mối quan hệ với các cơ quan chức năng… Thế nên, có những người gọi đây là nghề “làm dâu trăm họ”.

Từ tháng 10 năm nay, trường CĐ Bách Việt TP.HCM bắt đầu mở ngành học này dành cho những người đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Ông Trần Mạnh Thành - Phó hiệu trưởng nhà trường giải thích: “Lĩnh vực này vẫn còn mới mẻ ở VN. Thực tế, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều nhưng nhân sự vận hành thường chắp vá, ít được đào tạo chuyên nghiệp”. Ông Thành cũng nhìn nhận: “Đây là ngành học khó. Điều này thể hiện phần nào ở đội ngũ giảng viên được chọn từ 3 khoa chủ lực: Y Dược, Công nghệ xây dựng và Quản trị kinh doanh”. Chương trình đào tạo kéo dài 2 năm với 97 đơn vị học trình, trong đó có những học phần về Kỹ năng giao tiếp, Y học thảm họa...
Gần đây, anh Sơn và một số người bạn đứng ra lập Công ty Thien Cuong Prem chuyên về bất động sản. “Những công ty VN hoàn toàn có thể quản lý những tòa nhà lớn, dự án lớn. Đó là chưa kể những lợi thế so với các công ty nước ngoài về ngôn ngữ, am hiểu phong tục tập quán của người Việt” - anh Sơn nhận định. Được biết, thu nhập từ nghề quản lý nhà cao tầng cũng thuộc loại… cao tầng: khoảng 5-8 triệu đồng/tháng (đối với người mới vào nghề), 20-40 triệu đồng (đối với quản lý cấp cao).

Khởi đầu từ đâu?

Anh Thuấn cho hay, những học viên mới ra trường đến những tòa nhà thực hành thường… không biết làm gì. Một số người tuyển dụng cũng không hình dung được công việc quản lý nhà cao tầng là như thế nào để giao việc. Còn theo anh Tuấn, một trong những thử thách lớn ở nghề này chính là việc tiếp nhận công nghệ của tòa nhà để đưa vào vận hành, nhất là những công nghệ thông minh. “Những bạn mới vào nghề thường không đủ kiến thức, kỹ năng lẫn sự tin tưởng để được giao quản lý tòa nhà. Do vậy, nên tập tiếp quản từ những nhóm nhỏ như tổ vệ sinh, đội bảo vệ… Nghề dạy nghề, sau khi có kinh nghiệm mới dần dần tiến đến vị trí giám sát tổng thể”. Trong khi đó, anh Sơn thì tư vấn: “Những người mới vào nghề nên bắt đầu từ bộ phận chăm sóc khách hàng. Đó là nơi thích hợp nhất”.

Đề cập đến đặc điểm của người quản lý nhà cao tầng, anh Tuấn nói: “Sự điềm đạm là cần thiết, nhưng đôi lúc cũng phải… lì lợm. Luôn luôn giữ tinh thần tỉnh táo, điện thoại mở suốt, 12 giờ đêm còn liên lạc với nhân viên để cùng xử lý rủi ro cho khách hàng không phải là chuyện hiếm”. Anh Sơn cho biết, anh từng xử lý rất nhiều trường hợp bất ngờ, như: một xác chết trên sông bỗng dưng cập vào khu vực anh phụ trách; mùi thức ăn lạ, khó chịu từ căn phòng nào đó bay ra khiến những người khác phàn nàn; tình trạng chiếm dụng diện tích chung… Bên cạnh đó, anh Sơn còn gặp những ca phức tạp và nguy hiểm. Ví dụ, có một cặp vợ chồng người nước ngoài thuê căn hộ nơi anh Sơn quản lý rồi lén lút sử dụng ma túy, sau đó cự cãi, ẩu đả nhau. Một trong hai người kêu băng nhóm “xã hội đen” đến chung cư “xử” người kia. Hay một nhóm bảo vệ cũ bị cho thôi việc đã huy động 80 người mang theo mã tấu, tuýp sắt, bom xăng kéo đến hỗn chiến với nhóm bảo vệ mới...

Theo những người trong nghề, có vô số tình huống không được giả định, diễn tập ở trường nhưng lại phải ứng phó trong thực tiễn. Đó là lý do khiến anh Sơn và nhóm bạn ấp ủ dự định góp nhặt kinh nghiệm, chia sẻ cho những ai muốn theo cái nghề thú vị này.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.