Loạt phim đường Hồ Chí Minh trên biển

15/10/2011 14:40 GMT+7

Tuần phim kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23.10.1961 - 23.10.2011) sẽ diễn ra trên toàn quốc từ ngày 18 - 24.10.

Hơn 30 bộ phim truyện nhựa, phim truyện video và phim tài liệu Việt Nam sẽ được trình chiếu. Đồng thời, Cục Điện ảnh sẽ in một số phim truyện nhựa, phim tài liệu sản xuất trong thời gian gần đây để gửi tới các công ty, trung tâm phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, thành phố.

Trong số này, phim truyện video Đảo chìm, phim tài liệu Sóng nhà giàn, Đường mòn trên biển Đông (do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất), phim tài liệu Đảo Lý Sơn và Lớp học trên biển (của hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) là những tác phẩm đáng chú ý.

 
Cảnh phim Đường Hồ Chí Minh trên biển - Ảnh: HTV

Phát sóng phim Đường Hồ Chí Minh trên biển

40 tập của bộ phim truyền hình Đường Hồ Chí Minh trên biển sẽ phát sóng từ ngày 23.10, lúc 18 giờ trên kênh HTV9. Phim do Đài truyền hình TP.HCM và Công ty TNHH Một thành viên Phim Giải Phóng phối hợp sản xuất (biên kịch: Đình Kính, đạo diễn: Đinh Thái Thụy), ngợi ca tinh thần chiến đấu quật cường, sẵn sàng hy sinh vì dân tộc của những chiến sĩ hải quân trên đoàn tàu không số và sự dũng cảm, mưu trí của những chiến sĩ cách mạng hoạt động tại những vùng bị địch chiếm đóng. Phim với tổng kinh phí lên đến 16 tỉ đồng, với sự tham gia của các diễn viên: Lý Hùng, Đinh Y Nhung, Lâm Minh Thắng, Minh Thảo, Châu Thế Tâm, Hoàng Phi, Lê Vinh… (N.V)

Đảo chìm có thời lượng 86 phút, được sản xuất vào năm 2004, dựa theo một truyện ngắn của Trần Đăng Khoa. Phim ca ngợi các chiến sĩ hải quân dũng cảm bám trụ, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ. Có cùng đề tài nhưng Đường mòn trên biển Đông tập trung nói về đường Hồ Chí Minh trên biển, về các chiến sĩ đoàn tàu không số đã tạo nên một huyền thoại về con đường vận tải biển. Sóng nhà giàn, một trong những phim tài liệu mới nhất của Việt Nam, kể về cuộc sống của những chiến sĩ hải quân tại hòn đảo chìm của quần đảo Trường Sa ngày ngày phải vật lộn cùng sóng gió. Phim tài liệu Chữ trên sóng, sản xuất năm 2011 của đạo diễn Vương Khánh Luông, quay phim Hoàng Dũng, kịch bản Phan Huyền Thư nói về vấn đề giáo dục ở vùng khó khăn, thông qua việc học của những đứa trẻ ở làng chài Vạn Cửa và những cô giáo tình nguyện đến từ đất liền. Phim Con đường huyền thoại sản xuất năm 1994 ca ngợi những con người bình thường đã làm nên kỳ tích trên biển...

Về phim truyện nhựa, Cục Điện ảnh giới thiệu những bộ phim như Cánh đồng hoang, Những bức thư từ Sơn Mỹ, Tây Sơn hào kiệt, Hà Nội - Hà Nội, Đừng đốt, Nhìn ra biển cả, Sinh mệnh, Đường thư… Được biết, trong hai ngày 23 và 24.10, Cục Điện ảnh sẽ tổ chức cho đoàn cán bộ, nghệ sĩ bao gồm các tác giả, diễn viên tham gia làm các bộ phim chiếu trong Tuần phim đến Hải Phòng để giao lưu với khán giả, cán bộ chiến sĩ quân đội tại đây.

Sau Cầu truyền hình chủ đề 50 năm huyền thoại đường Hồ chí Minh trên biển do Báo Quân đội Nhân dân, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Đài truyền hình TP.HCM tổ chức vào ngày 11.10, Đài truyền hình Việt Nam tiếp tục thực hiện Cầu truyền hình Sáng mãi đường Hồ Chí Minh trên biển, sẽ được phát sóng trực tiếp vào 20 giờ ngày 23.10 trên kênh VTV1 và VTV6. Có ba điểm cầu xuất hiện trong chương trình là: Đồ Sơn - Hải Phòng, Cát Lái - TP.HCM và Vàm Lũng - Cà Mau. Đây là chương trình có quy mô sản xuất lớn, với các câu chuyện hay liên quan tới huyền thoại tàu không số, những nhân chứng quan trọng… Chương trình sẽ có bốn phần: Khởi đầu huyền thoại (ý nghĩa và sứ mệnh đường Hồ Chí Minh trên biển), Vượt sóng ra khơi (sự mưu trí, dũng cảm và những hy sinh của những chiến sĩ trên tàu không số), Thuyền và bến (phản ánh tình cảm giữa bến với tàu, giữa nhân dân các bến với thủy thủ tàu không số, tình đồng đội) và Viết tiếp huyền thoại (cuộc hội ngộ sau 50 năm của những chiến sĩ tàu không số, sự tiếp nối truyền thống của thế hệ trẻ). 

Phan Cao Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.