Khơi dậy lòng yêu nước trong thanh niên

15/10/2011 01:32 GMT+7

* Báo Thanh Niên nhận giải thưởng Khi Tổ quốc cần Sáng 14.10, tại Hà Nội, lễ kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam và tuyên dương các cá nhân, tập thể vinh dự nhận giải thưởng Khi Tổ quốc cần, giải thưởng 15 tháng 10 đã được diễn ra.

Bí thư T.Ư Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim; Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn anh Nguyễn Đắc Vinh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đoàn, Hội qua các thời kỳ; đại diện các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang… đã tới dự.


Bí thư T.Ư Đảng, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân trao giải thưởng Khi Tổ quốc cần - Ảnh: Ngọc Thắng

''Hội phải là người bạn gần gũi, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng xã hội, đồng hành và khơi dậy tiềm năng, phát huy khả năng sáng tạo trong TN'' - Anh Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam

Đọc diễn văn ôn lại truyền thống trên suốt chặng đường 55 năm qua, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam anh Nguyễn Phước Lộc cho biết, trải qua các thời kỳ cách mạng, mang nhiều tên gọi khác nhau nhưng tính chất, mục tiêu của Hội chỉ là một. Đó là đoàn kết mọi tầng lớp thanh niên (TN), khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào tự tôn dân tộc. Để mỗi TN dù xuất thân từ bất cứ giai tầng nào đều có thể phát huy cao nhất khả năng cống hiến cho Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, các phong trào, cuộc vận động của Hội phát động đã tiếp tục cổ vũ mạnh mẽ, có sức thu hút đông đảo các tầng lớp TN tham gia. Điều đó tạo nên sự phát triển không ngừng lớn mạnh cho Hội ở các cấp. Cho đến nay, ngoài 4 cấp từ trung ương đến cơ sở với trên 8 triệu hội viên, các thành viên tập thể của Hội không ngừng được củng cố, xây dựng và mở rộng tạo nên sự đa dạng trong hoạt động của Hội.

Anh Nguyễn Phước Lộc cho rằng, sự mở hướng về tổ chức và hoạt động trong điều kiện mới tạo sức thuyết phục với TN, cổ vũ và dẫn dắt TN phát huy giá trị bản thân trong học tập, công tác và lao động, tìm thấy chỗ đứng của mình trong tiếng nói chung của Hội. Theo đó, Hội sẽ đổi mới cả nội dung và phương thức hoạt động để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo tầng lớp TN. “Hội phải là người bạn gần gũi, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng xã hội, đồng hành và khơi dậy tiềm năng, phát huy khả năng sáng tạo trong TN”, anh Lộc nhấn mạnh.


Anh Nguyễn Đắc Vinh trao giải thưởng Khi Tổ quốc cần cho các tập thể - Ảnh: Ngọc Thắng

Chia sẻ tại lễ mít tinh, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn anh Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, Đoàn luôn tự hào trước mỗi bước trưởng thành của Hội. Trong thời gian tới, Hội cần tiếp tục mở rộng hơn nữa mặt trận đoàn kết, tập hợp TN; xây dựng và củng cố Đoàn, Hội theo phương châm: Đoàn mạnh, Hội rộng; đặc biệt quan tâm tới TN Việt Nam đang sinh sống, học tập ở ngoài nước, TN trên mạng internet, quan tâm TN yếu thế và chậm tiến. “Các cuộc vận động, chương trình do Hội tổ chức phải xuất phát từ thực tiễn đời sống, đặt TN ở vị trí trung tâm, là người thụ hưởng nhưng cũng là chủ thể tích cực trong thiết kế và tổ chức, thực hiện phong trào”, anh Vinh nói.

''Các cuộc vận động, chương trình do Hội tổ chức phải xuất phát từ thực tiễn đời sống, đặt TN ở vị trí trung tâm, là người thụ hưởng nhưng cũng là chủ thể tích cực trong thiết kế và tổ chức, thực hiện phong trào'' -  Anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn

Chúc mừng thành tích của Hội LHTN Việt Nam, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Đảng luôn đặt TN ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người; coi việc chăm lo phát triển TN vừa là mục tiêu, vừa là động lực đảm bảo cho sự ổn định và phát triển bền vững đất nước…

Cũng tại lễ kỷ niệm, Hội LHTN Việt Nam tổ chức tuyên dương và trao giải thưởng Khi Tổ quốc cần cho 10 cá nhân, tập thể. Trong đó, chương trình Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi của Báo Thanh Niên nằm trong số tập thể vinh dự nhận giải thưởng này. Ngoài ra, Hội đã trao giải thưởng 15 tháng 10 cho 55 cá nhân tiêu biểu là cán bộ, hội viên đạt thành tích xuất sắc trong công tác; học tập và nghiên cứu khoa học; lao động, sản xuất, đóng góp tích cực cho công tác Hội.

Trao Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi

Tối qua 14.10, Thành Đoàn TP.HCM tổ chức kỷ niệm 29 năm ngày truyền thống Thanh niên công nhân TP.HCM (15.10) và tuyên dương, trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm 2011 cho 21 công nhân, kỹ sư trẻ, giỏi. Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà; bà Phan Thị Quyên (vợ của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) và gần 500 đoàn viên thanh niên đã đến dự. Giải thưởng nhằm tuyên dương những gương mặt trẻ có sáng kiến mới được áp dụng thành công trong thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực trong xã hội.


Bà Nguyễn Thị Thu Hà trao Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi cho các cá nhân xuất sắc - Ảnh: Lê Thanh

* Ngày 13.10, Hội LHTN Việt Nam Q.Tân Bình, TP.HCM tổ chức đón nhận Huân chương Lao động hạng ba do Chủ tịch nước trao tặng, đồng thời tuyên dương 55 gương cán bộ Hội xuất sắc qua các thời kỳ.

Lê Thanh - Tuyết Vân

Giải thưởng 15 tháng 10: Khát khao làm giàu

Không cam chịu trước đói nghèo, luôn khát khao làm giàu trên quê hương, trong số các nhân vật nhận Giải thưởng 15 tháng 10 năm nay, Lường Văn Bảo xứng đáng là tấm gương tiêu biểu để bạn trẻ rèn luyện, phấn đấu.


Lường Văn Bảo - Ảnh: P.H

Chủ tịch Hội LHTN xã Phổng Lập, anh Lường Văn Bảo chính là người đã tạo ra động lực mới cho phong trào thanh niên làm kinh tế ở Phổng Lập, vùng sâu vùng xa nhất huyện Thuận Châu, Sơn La.

Nằm trong số ít người theo học hết THPT, Bảo luôn trăn trở mỗi khi nhìn những nương đất màu mỡ mà thanh niên không có việc làm. Từ bao đời nay, người Thái ở Phổng Lập đã quen canh tác theo kiểu “chọc lỗ tra hạt”, năng suất thấp nên nghèo đói vẫn bám riết sau lưng. “Muốn thay đổi tập quán canh tác sản xuất người dân trước hết phải có gia đình khá giả”, Bảo nghĩ vậy. Bằng vốn kiến thức đã học, Bảo viết ra kế hoạch phát triển sản xuất cho gia đình. Bản kế hoạch được thông qua, thành viên trong gia đình hăng hái xắn tay dọn dẹp, quy hoạch lại toàn bộ đất vườn hiện có, nhân giống trồng cây ăn quả; chia đất làm chuồng trại trâu bò và đào hơn 800m2 ao thả cá, trữ nước tưới trong mùa khô. Ngoài tạo nguồn việc làm ổn định, trừ các loại chi phí, mỗi năm gia đình Bảo thu lãi từ 30 - 40 triệu đồng.

Nhiều bạn trẻ tìm gặp Bảo học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi sản xuất. Không chỉ hướng dẫn thanh niên tiếp cận với các nguồn vốn, Bảo còn trực tiếp xuống hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật giúp đỡ từng hộ trong quá trình chăn nuôi. Có được niềm tin, sự hậu thuẫn của thanh niên, Bảo đứng ra thành lập đội hình tình nguyện, đi khắp các bản, hỗ trợ làm chuồng trại, vận động người dân không thả rông vật nuôi, giữ vệ sinh môi trường sống. Nhận thấy thanh niên trong xã còn lạc hậu, bởi tỷ lệ kết hôn sớm khá nhiều, qua các hoạt động, Bảo kiên trì thuyết phục, vận động nam nữ thanh niên kết hôn đúng luật, lược bỏ thủ tục rườm rà trong lễ cưới, tiết kiệm chi phí.

P.H

Phan Hậu - Ngọc Thắng - Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.