Ân oán Iran - Ả Rập Xê Út

15/10/2011 22:59 GMT+7

Cáo buộc Iran đứng sau vụ mưu sát Đại sứ Ả Rập Xê Út tại Mỹ là ngòi nổ mới nhất trong mối hiềm khích lâu năm giữa hai nước.

Khi đợt chính biến tại Trung Đông và Bắc Phi vừa bùng nổ, vài đợt biểu tình cũng đã xảy ra ở Ả Rập Xê Út nhưng nhanh chóng bị dập tắt. Tại Iran, một trong những giáo sĩ đạo Hồi giàu ảnh hưởng nhất là Ahmad Jannati liên tục kêu gọi tín đồ lên án chính quyền Ả Rập Xê Út đàn áp người biểu tình. Đáp lại, CNN dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Ả Rập Xê Út Nayef bin Abdul-Aziz buộc tội Iran kích động bất ổn. Đấu khẩu lâu nay là “chuyện thường ngày” giữa hai nước nhưng mâu thuẫn càng trầm trọng hơn trong bối cảnh khu vực đang có nhiều biến động. Đến giữa tuần này thì quan hệ Tehran-Riyadh bị đẩy đến bờ vực khủng hoảng sau cáo buộc Iran đứng sau âm mưu ám sát Đại sứ Ả Rập Xê Út tại Washington Adel al-Jubeir.

Ả Rập Xê Út và Iran là hai quốc gia mạnh nhất Trung Đông và cả thế giới Hồi giáo. “Một rừng không thể có hai cọp” nên chuyện kèn cựa là điều đương nhiên khi cả hai đều có tham vọng áp đặt ảnh hưởng lên khắp khu vực. Đó là chưa kể, tuy đều là quốc gia Hồi giáo nhưng hai nước có khác biệt lớn về ý thức hệ. Iran là nước CH Hồi giáo có dân số chủ yếu là tín đồ dòng Shiite trong khi Ả Rập Xê Út là một vương quốc với sự thống trị của Hồi giáo dòng Sunni.

 
Quốc vương Ả Rập Xê Út Abdullah (trái) và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (phải) luôn ở thế đối đầu - Ảnh: Reuters

Từ dầu mỏ…

Theo The World Fact Book, Ả Rập Xê Út có 456 tỉ USD dự trữ ngoại tệ (tính đến tháng 12.2010), trong khi Iran có 75 tỉ USD. GDP danh nghĩa của Ả Rập Xê Út là 443 tỉ USD (năm 2010), so với 357 tỉ USD của Iran. Dân số Ả Rập Xê Út hơn 27 triệu người, chỉ bằng khoảng 1/3 dân số Iran, ước hơn 75 triệu người. Ả Rập Xê Út có diện tích lớn nhất Trung Đông với 2,1 triệu km2, trong khi Iran có 1,6 triệu km2, nhưng Iran kiểm soát Hormuz, một trong những eo biển có tầm quan trọng chiến lược về kinh tế lẫn địa chính trị.

Cạnh tranh thể hiện rõ ràng nhất ở lĩnh vực năng lượng, trong đó cả Iran lẫn Ả Rập Xê Út là các “đại gia” dầu mỏ. Theo giáo sư Mohsen Milani của ĐH South Florida (Mỹ), thoạt nhìn có vẻ Iran ngang bằng với Ả Rập Xê Út. Dự trữ dầu khí của hai nước gần như nhau, và Iran có lợi thế chiến lược là tọa lạc giữa biển Caspian và vịnh Persia, cũng như kiểm soát được eo biển Hormuz. Eo biển dài 54 km này là điểm lưu thông của khoảng 40% lượng dầu được giao dịch toàn cầu. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã hạn chế sản lượng dầu và cản trở đầu tư nước ngoài vào Iran, và Ả Rập Xê Út đương nhiên là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất. Hiện Riyadh là thành viên hàng đầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), vị trí trước đây thuộc về Iran.

Nhiều chuyên gia nhận xét trong nhiều năm qua, Ả Rập Xê Út đã cố gắng dùng ảnh hưởng của mình trong lĩnh vực năng lượng để điều khiển giá dầu theo hướng bất lợi cho Iran và cố gắng hạn chế đầu tư nước ngoài vào ngành dầu khí của nước CH Hồi giáo. Theo các chuyên gia, Ả Rập Xê Út ít phụ thuộc vào dầu mỏ hơn Iran nên có thể tăng sản lượng để hạ giá dầu và khiến nền kinh tế địch thủ khốn đốn.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, “chiêu này” của Riyadh không phát huy tác dụng cao vì nhu cầu dầu mỏ lớn của các nền kinh tế mới nổi khiến giá dầu không giảm nhiều. Hơn nữa, Ả Rập Xê Út không mấy thành công trong việc thuyết phục Trung Quốc và Ấn Độ không hợp tác về năng lượng với Iran.

…đến địa chính trị

Một số “món nợ”

Theo AP, năm 2009, một nhà khoa học Iran tên Sharam Amiri mất tích trong thời gian dài trước khi xuất hiện trở lại ở Tehran. Ông này tuyên bố bị CIA và tình báo Ả Rập Xê Út bắt cóc để thẩm vấn về chương trình hạt nhân của Iran.

Trước đó, vào năm 1989, một số nhân viên ngoại giao Ả Rập Xê Út thiệt mạng hoặc bị thương nặng trong một loạt vụ tấn công nhằm vào các sứ quán nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Li-băng. Các nhóm thân Iran đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Năm 1990, 3 nhà ngoại giao Ả Rập Xê Út bị hạ sát ở Bangkok (Thái Lan). Tác giả vụ này là nhóm Jund al-Haqq thân Iran, theo tờ The Washington Post.

Mới đây nhất, Bộ Tư pháp Mỹ ngày 12.10 tuyên bố bắt một nghi phạm liên quan tới Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran với cáo buộc âm mưu ám sát Đại sứ Ả Rập Xê Út Adel al-Jubeir. Mỹ và Ả Rập Xê Út chỉ trích dữ dội và quyết theo đuổi kế hoạch trừng phạt Iran. Đáp lại nước CH Hồi giáo bác bỏ mọi lời buộc tội và cho rằng đây là âm mưu của Mỹ.

Trên mặt trận địa chính trị, Tehran đang có phần vượt trội so với Riyadh. Thành công này thể hiện rõ nét nhất ở Iraq. Cuộc chiến lật đổ Tổng thống Saddam Hussein của Mỹ và đồng minh đã dẫn tới một hệ quả không ngờ: Iraq từ một nước Hồi giáo Sunni chuyển sang Hồi giáo Shiite. Ông Hussein trước kia là kẻ thù của Mỹ nhưng cũng là đối thủ nhiều duyên nợ với Iran. Giờ đây, tuy vẫn nằm dưới sự bảo trợ của Washington nhưng chính quyền mới ở Baghdad lại dần đi vào quỹ đạo của Tehran do đã có sự tương đồng về ý thức hệ. Không bỏ qua “món quà chiến lược” bất ngờ này, Iran đã đầu tư vào Iraq để mở rộng ảnh hưởng. Hai nước đang cùng khai thác các giếng dầu ở Iraq, và theo Viện Nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ, trao đổi thương mại song phương hiện ở mức 8 tỉ USD/năm.

Khác với Mỹ vẫn đang phải “bấm bụng” ủng hộ chính quyền Iraq, Ả Rập Xê Út thẳng thừng tỏ thái độ. Nước này không cử đại sứ đến Baghdad và từ chối xóa hoặc giảm khoản nợ gần 30 tỉ USD cho chính quyền Saddam Hussein vay để đánh Iran lúc trước. Các tài liệu mật do WikiLeaks công bố dẫn lời Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki buộc tội Ả Rập Xê Út “kích động xung đột giáo phái” và “tài trợ cho lực lượng Sunni gây bất ổn”.

Sự ganh đua Tehran-Riyadh cũng mở rộng ra các nước khác trong khu vực, đặc biệt trong đợt chính biến đang diễn ra. Chính quyền nhiều nước đã và đang đối mặt với làn sóng biểu tình phản đối của dân chúng nhưng thái độ của hai “ông lớn” lại khác nhau ở từng nước.

Iran rất ủng hộ việc lật đổ Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak vì ông lúc trước là đồng minh của Mỹ và đi đầu trong mặt trận chống Tehran. Nước này nhanh chóng nối lại quan hệ ngoại giao với hy vọng sự mạnh lên của nhóm Huynh đệ Hồi giáo thuộc dòng Shiite ở Ai Cập sẽ mang về một đồng minh mới. Ả Rập Xê Út ban đầu phản đối sự ra đi của ông Mubarak nhưng sau đó nhanh chóng cam kết viện trợ 4 tỉ USD cho các lãnh đạo quân sự Ai Cập để tạo ảnh hưởng, theo tờ The Washington Post.

Hồi đầu tháng 3, khi biểu tình lan đến Bahrain, một đồng minh cùng thuộc dòng Sunni, Ả Rập Xê Út đã đưa quân sang hỗ trợ an ninh vì lo ngại phe chống đối Shiite có thể liên minh với Iran. Dĩ nhiên, Tehran chỉ trích dữ dội hành động của Riyadh. Trong khi đó, Iran đang lo ngại về cuộc nổi dậy ở Syria chống Tổng thống Bashar al-Assad, một “người anh em” quan trọng. Ngược lại, Ả Rập Xê Út tuyên bố ủng hộ phong trào dân chủ ở Syria và là quốc gia Ả Rập đầu tiên rút đại sứ khỏi nước này.

Và vũ khí hạt nhân

Ả Rập Xê Út cũng đang rất lo ngại về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Theo báo Guardian, Hoàng thân Turki al-Faisal, cựu lãnh đạo tình báo của Riyadh hồi tháng 7 từng ám chỉ rằng nếu đối thủ có vũ khí hạt nhân thì Ả Rập Xê Út sẽ không ngồi yên với hai bàn tay trắng. Hồi năm 2008, Quốc vương Abdullah cũng cảnh báo với Mỹ nếu Iran phát triển vũ khí hạt nhân, “mọi người trong khu vực sẽ làm theo, kể cả Ả Rập Xê Út”. Ông cũng thúc giục Mỹ “hãy đánh dập đầu con rắn”, theo các tài liệu từ WikiLeaks. Tổ chức nghiên cứu toàn cầu RAND nhận định trong tình huống căng thẳng nhất, Riyadh thậm chí có thể từ chối hợp tác phòng thủ với Washington và phát triển kho vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Chưa có dấu hiệu cho thấy cuộc long tranh hổ đấu giữa hai “ông lớn” Trung Đông sẽ sớm kết thúc. Với tiền tỉ USD từ dầu mỏ trong tay, cả hai đều muốn độc tôn trong khu vực. Tuy nhiên, theo giới quan sát, cả hai sẽ phải sớm dè chừng một thế lực thứ ba đang nổi lên và sẵn sàng thách thức tất cả. Đó là Thổ Nhĩ Kỳ, nước cũng đang gia tăng ảnh hưởng ở Ai Cập và Iraq.   

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.