Giang hồ khu công nghiệp - Kỳ 4: Chém để giải quyết mâu thuẫn

13/10/2011 01:36 GMT+7

Tại KCN Mỹ Phước (Bến Cát, Bình Dương) hiện nay xuất hiện khá nhiều băng nhóm giang hồ, phân chia địa bàn, lĩnh vực hoạt động. Mỗi băng có một “đại ca” đứng đầu, dưới trướng có hàng chục đàn em sẵn sàng “tham chiến” khi đụng chuyện.

>> Kỳ 3: Trộm cướp lộng hành

Kế hoạch xin một cánh tay

Tại một quán nhậu nằm trong KCN Mỹ Phước, tôi vô tình nghe câu chuyện đến rợn người của nhóm công nhân (CN) đang ngồi nhậu kế bên. Theo đó, cách đây gần hai tháng, L., một thành viên trong nhóm CN Thanh Hóa bị một thanh niên dùng dao chém trọng thương phải nhập viện. Suốt một tháng, các thành viên trong nhóm chia nhau chăm sóc thuốc men cho L., đồng thời cử người truy lùng thanh niên “ăn gan trời” kia để trả thù. Như ngửi thấy mùi nguy hiểm, thanh niên kia đã bỏ trốn biệt tích.


4 đối tượng  mang hung khí chuẩn bị thanh toán nhau tại KCN Mỹ Phước II bị bắt giữ - Ảnh: Tuy Phong

Một chiều cuối tháng 9, L. bỗng nhận được tin tên chém mình hôm trước đang làm cách KCN Mỹ Phước 20 km. Ngay lập tức, cả nhóm tụ tập tại đây để bàn kế hoạch “xin một cánh tay” của kẻ gây hấn. Hơn 10 CN trong nhóm được tập trung đầy đủ với 3 cây mã tấu sáng lóa. Một CN lạnh lùng nói: “Hôm nay anh em mình lấy nó một cánh tay hay một bả vai, phải gấp mấy lần so với nó chém thằng L.”. Một thanh niên ngồi bên cạnh tay chộp ngay cây mã tấu vừa đứng dậy vừa hối: “Vậy đứng dậy đi, tới chém chết nó luôn chứ chờ chi nữa”. Nhưng một người trong nhóm có vẻ bình tĩnh hơn, mặt trầm ngâm, bảo: “Chuyện gì cũng từ từ, bây giờ người đi làm về đông, bọn bay chém nó rồi chạy đường nào? Chỉ một thằng bị rớt lại bị đưa về công an là cả đám ngồi tù”. Nghe nói có lý, mọi người ngồi xuống tiếp tục lên kế hoạch. Một người tham mưu: “Bây giờ hai thằng xuống dưới chợ, bí mật theo dõi nó làm chỗ nào, mấy giờ về, đi đường nào, nhà trọ ở đâu, lúc đó muốn chém cũng đâu có muộn”. Ý kiến đó được mọi người tán đồng. Hai thanh niên nhanh chóng lên xe, đeo khẩu trang xuất phát để thực hiện kế hoạch, cả bọn ở lại nhậu chờ kết quả. Sau hơn một giờ đồng hồ, không tìm thấy thanh niên kia nên cả hai về lại quán nhậu báo cáo tình hình. Sau khi nghe, một người nâng ly rượu lên mời: “Quân tử 10 năm trả thù chưa muộn, thôi nhậu đi”. Kế hoạch “xin một cánh tay” của nhóm vẫn tiếp tục được bàn bạc.

Tình trạng sử dụng hung khí để "chém" nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa các nhóm đang là vấn nạn kinh hoàng tại các KCN trên địa bàn Bình Dương.

Thu giữ gần 100 cây mã tấu

Cuối tháng 9.2011, Công an xã Thới Hòa đã bàn giao cho Công an H.Bến Cát 99 cây mã tấu các loại thu giữ của các băng nhóm, đối tượng ẩu đả, thanh toán nhau trên địa bàn các KCN Mỹ Phước I, II và III trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Công an xã Thới Hòa cũng thường xuyên kiểm tra đột xuất các phòng trọ của các đối tượng là CN trong diện nghi vấn, cũng đã phát hiện và tịch thu số lượng lớn mã tấu được cất giấu tại phòng.

Khoảng 20 giờ ngày 21.4.2011, tại ngã tư D10 - N2 ấp 6 xã Thới Hòa (KCN Mỹ Phước I) xảy vụ chém nhau giữa hai băng nhóm Nguyễn Minh Hùng (tức Hùng Bảo Linh) và Trần Đăng Hùng (tức Hùng Tấn Phát 2). Do có mâu thuẫn trước đó, Hùng Bảo Linh và Hùng Tấn Phát 2 đã kêu thêm đàn em tay mang mã tấu, kiếm, ống tuýp, rựa lao vào chém nhau khiến người dân tại đây hoảng sợ. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an xã Thới Hòa có mặt ổn định tình hình và mời tất cả đối tượng về trụ sở làm việc. Đêm 2.9.2011, hàng chục chiến sĩ Công an P.Hiệp An (TX Thủ Dầu Một) phối hợp với các thành viên phòng chống tội phạm P.Hiệp Thành (TX Thủ Dầu Một) đã ngăn chặn thành công một vụ thanh toán nhau tại KCN Mỹ Phước II giữa hai băng nhóm giang hồ. Tại cơ quan công an, các đối tượng liên quan gồm: Phạm Xuân Luân (SN 1987), Trần Bắc Trung (SN 1987), Phan Đình Thọ (SN 1988) và Lê Ngọc Thế Anh (SN 1992, cùng quê Hà Tĩnh). Vào buổi chiều hôm đó, nhóm của Luân đi nhậu tại Thuận An thì xảy ra mâu thuẫn với một nhóm thanh niên từ Bến Cát xuống. Hai bên thách thức nhau và hẹn sẽ “phân tài cao thấp” tại vòng xoay KCN Mỹ Phước II. Khi các đối tượng mang theo dao và mã tấu, thuê xe taxi đi từ P.An Phú ( TX Thuận An) lên thị trấn Mỹ Phước thì bị chặn bắt.

Theo một bác sĩ từng làm việc tại phòng cấp cứu Bệnh viện (BV) đa khoa Mỹ Phước thì một ngày có khoảng 4-5 ca nhập viện liên quan đâm chém nhau. Các đối tượng đi cùng nạn nhân vào BV đều mặt mũi bặm trợn và có lời lẽ mất văn hóa, có thể tấn công bác sĩ bất lúc nào nếu chậm trễ trong việc cứu chữa bạn của chúng. Theo thống kê mới nhất, chỉ trong tháng 9.2011, BV đã cấp cứu cho 35 trường hợp liên quan đánh nhau.


Tại buổi phỏng vấn tuyển công nhân tại Công ty gỗ Grand (KCN Mỹ Phước I), ai có hình xăm trên người thì bị đuổi về - Ảnh: Công Nguyên

Tự bảo vệ mình

“Không đi vào giới giang hồ, thì không có cách nào tồn tại để làm ăn tại các KCN lắm phức tạp này được”, đó là lời khẳng định của ông B. - Giám đốc công ty bảo vệ H. khi mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Trên ai hết, các nhân viên bảo vệ là lực lượng thường xuyên đụng chạm, cắt đứt đường kiếm cơm của nhiều đối tượng có máu mặt tại các nhà xưởng, công ty. Chính vì thế, nguy cơ nhân viên bảo vệ bị trả thù là rất cao. Không chỉ thế, ban lãnh đạo, quản lý của các công ty bảo vệ thường xuyên nhận tin nhắn, lời đe dọa đến từ những số điện thoại lạ với nội dung sặc mùi xã hội đen. Khi được hỏi vậy ông có sợ không? Ông B. cười: “Làm ăn phải chấp nhận, ban đầu thì cũng hơi ngán, nhưng nay quen rồi. Trước đây, chính tôi cũng đã từng đứng trước kế hoạch bắt cóc, đánh dằn mặt từ một nhóm giang hồ”. Qua nhiều năm làm việc, quan hệ tại KCN Mỹ Phước này, ông B. có thể điểm mặt từng nhóm giang hồ một như: Phong (Cà Mau), Huy Chấn Hùng... Và mới nổi lên có Bé Năm Lan.

Theo ông B., lỗ hổng lớn nhất để tình trạng các băng nhóm hoạt động, đối tượng có lệnh truy nã lẩn trốn tại các KCN đó là việc quản lý về mặt con người từ chính quyền địa phương quá lỏng lẻo. Bên cạnh đó, các giấy tờ giả như: hồ sơ xin việc, CMND, giấy phép lái xe tràn lan, là điều kiện để tội phạm bị truy nã vẫn đi làm bình thường tại các công ty Anh C., một người có hơn 6 năm làm CN tại KCN Mỹ Phước I, đồng thời cũng là thành viên “tích cực” thuộc nhóm Hà Tĩnh tâm sự: “Thật sự chúng tôi đều là những người xa quê vào đây làm ăn, cũng đâu muốn dây vào ai. Nhưng để được yên ổn làm ăn, an toàn cho gia đình bắt buộc chúng tôi phải tập trung chơi với nhau để tự bảo vệ mình, cũng như chia sẻ những lúc khó khăn”.

Công Nguyên - Tuy Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.