Già làng Chu Ru mê văn hóa truyền thống

13/10/2011 09:06 GMT+7

(TNO) Không chỉ biết đánh chiêng, đan gùi, già làng Ya Hiêng (dân tộc Chu Ru) ở thôn Préh RiYong, xã Phú Hội, H.Đức Trọng (Lâm Đồng) còn "máu" với kiến trúc nhà sàn và mới đây đã đoạt giải nhì toàn quốc về thiết kế nhà cổ truyền thống.

Đã gần 60 mùa rẫy đi qua, già làng Ya Hiêng vẫn canh cánh ngày đêm, liệu mai này những nét văn hóa truyền thống của người Chu Ru có còn được lưu giữ.

Ya Hiêng lo cũng phải, bởi hiện nay, cuộc sống hiện đại, kéo theo văn hóa hiện đại tràn vào khiến giới trẻ rất dễ quên văn hóa truyền thống của ông cha mình. Vì lẽ đó, già làng Ya Hiêng rất nâng niu, yêu quý những gì thuộc về văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Vốn được cha truyền dạy, biết nghề đan lát từ nhỏ nên mấy chục năm qua, ngoài việc đi làm rẫy, Ya Hiêng cặm cụi với nghề đan lát này. Hàng trăm, hàng ngàn chiếc gùi, rổ, nong, nia, gàu… được Ya Hiêng đan xong, ngoài sử dụng còn bán cho nhiều tổ chức, cá nhân trong huyện, tỉnh.

Không chỉ biết đan lát, già làng Ya Hiêng còn biết đánh cồng chiêng, biết làm cây nêu, nấu rượu cần. “Phải nghiên cứu rồi tập lại cho con cháu biết chứ không thì mai này mất hết, con cháu không biết văn hóa truyền thống của cha ông” - Ya Hiêng tâm sự.

Vì thế mà già làng này đã tập cho 8 người con của mình biết đánh chiêng, đan gùi. Đội chiêng của Ya Hiêng (thành viên trong gia đình là chính) cũng đã đại diện cho huyện đi tham dự các cuộc thi của tỉnh. Ngoài ra Ya Hiêng còn tham gia dạy lớp cồng chiêng, đan gùi do Sở VH-TT-DL Lâm Đồng tổ chức cho hàng trăm người dân ở địa phương.

 
Theo Ya Hiêng, cột nhà sàn Chu Ru phải làm bằng gỗ tròn

Bất ngờ hơn, già làng mới học đến lớp 9 này còn đoạt giải nhì toàn quốc cuộc thi “Tìm hiểu kiến trúc cổ truyền thống VN” lần đầu tiên do Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (VIAP) tổ chức.

Cuộc thi này được VIAP phát động từ năm 2008 (trao giải tháng 12.2010), già làng Ya Hiêng tham gia với đề tài Vẽ thiết kế nhà sàn của người Chu Ru. Dụng cụ để kiến trúc sư “chân đất” này hoàn thành đề tài dự thi chỉ là cây thước kẻ và chiếc bút chì của học sinh. Mất 2 tháng trời cặm cụi vẽ thủ công qua 2 lần nháp, già làng Ya Hiêng đã có tác phẩm hoàn chỉnh của mình trên 4 tờ giấy khổ A3.

Tác phẩm của Ya Hiêng thể hiện đầy đủ những gì vốn có của nhà sàn người Chu Ru: phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp, cửa chính, cửa phụ, sàn chính, sàn phụ, cột bằng gỗ tròn, vách phên, mái tranh… Đề tài và cách thể hiện của già làng Ya Hiêng đã thuyết phục được Ban giám khảo cuộc thi.

ThS.KTS Vũ Đình Thành - Phó viện trưởng VIAP nhận xét: “Bài thi thể hiện sự hiểu biết của tác giả về kỹ thuật dựng nhà truyền thống của người Chu Ru. Nội dung bài thi đơn giản nhưng có ý nghĩa".

Còn TS.KTS Nguyễn Trung Dũng (VIAP) nhận định: "Bài thi có nội dung mang tính thực tiễn cao, trình bày tương đối khoa học và tổng quát về đời sống văn hóa dân tộc Chu Ru. Cần khuyến khích và tuyên truyền phổ biến như một thí dụ đáng quý về tinh thần bảo tồn nền văn hóa kiến trúc của dân tộc".

Già làng Ya Hiêng tâm sự: “Mình được ở trong ngôi nhà sàn từ nhỏ, nên có hiểu biết về nhà sàn, nhưng bây giờ thấy nhà sàn bị mất đi (trong thôn không còn nữa hoặc còn nhưng không nguyên vẹn) mình thấy tiếc lắm. Vì sợ mất nên mình phác thảo lại nhà sàn Chu Ru để tham gia dự thi đó”.

Già làng Ya Hiêng muốn làm một nhà sàn nhưng khả năng vật chất không đủ, nên mong ước Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ để ông làm lại một nhà sàn nguyên vẹn, rồi trưng bày những sản phẩm của đồng bào và giới thiệu bản sắc văn hóa Chu Ru đến với mọi người.

“Phải làm cho được cái nhà sàn hoặc mô hình, chứ sợ mai này “nhắm mắt” thì không ai làm, con cháu sẽ không biết được nhà sàn của người Chu Ru” - Ya Hiêng lo nghĩ.

Bài, ảnh: Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.