Họp & chơi mùa bão lũ

18/10/2011 14:20 GMT+7

(TNTS) Họp và chơi là hai khái niệm khác nhau xa lắc xa lơ. Họp là việc làm mà chơi là việc không làm. Họp là công việc làm, phải ngồi (hoặc đứng, nếu hết chỗ ngồi) còn chơi thì là phải đi. Họp thì nói chuyện nghiêm túc, còn chơi thì nói chuyện không cần nghiêm túc lắm, thậm chí có thể chửi bới lai rai. Họp có thể diễn ra trong phòng còn chơi thì có thể diễn ra trên đường sá hoặc trong phòng khách sạn. Họp thì cần đông người nhưng chơi thì chỉ cần hai người, khác phái càng tốt. Không ai gọi người cùng họp với mình là “đồ họp” nhưng có thể gọi người đi chơi với mình là “đồ chơi”. Người này có thể là đồ chơi của người kia và ngược lại.

Trong hai món này, họp có vẻ quan trọng hơn chơi. Thế nhưng, chơi được khá nhiều người ưa chuộng hơn họp. Người ta thường bỏ họp đi chơi chứ ít ai muốn bỏ chơi đi họp. Đi chơi xong, người ta nói dối cơ quan là đi… họp ở xa chứ không ai họp xong mà dám nói dối cơ quan là mình đi chơi. Có những người họp thì không ra cái nước màu gì nhưng chơi thì đặc biệt say đắm, quyết liệt. Họ thuộc típ người có năng khiếu chơi. Không ai mặc đồ đi họp để đi chơi nhưng lại rất sẵn lòng mặc đồ đi chơi để đi họp.

Bần đạo phải vòng vo tam quốc như vậy để đi vào chính đề họp và chơi mùa bão lũ. Cuối thu đầu đông là mùa bão lũ trên đất nước chúng ta. Những cơn bão lớn hình thành từ biển Đông đổ vào vịnh Bắc Bộ và tuyến duyên hải miền Trung. Bão có thể suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi đi sâu vào trong đất liền. Thế nhưng, cả hai đều có thể gây ra những cơn mưa to đến mưa rất to. Mưa to khiến lượng nước đổ xuống các địa phương miền Tây Trung Bộ, đồng bằng Bắc Bộ nhiều, gây ra lũ (lụt) lớn bởi dòng chảy không kịp đưa nước ra biển. Mưa lớn trên miền Thượng Lào khiến nước sông Mê Kông lên nhanh, đổ vào hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang của hệ thống sông Cửu Long nước ta gây nên lũ (nước nổi) lớn.

 

“Binh đến tướng ngăn, nước tràn đất lấp” - người xưa đúc kết chuyện phòng chống địch họa và thiên tai như vậy. “Tướng” ở đây có nghĩa là những người lãnh đạo các ngành, các địa phương. Nhiệm vụ của họ là huy động sức dân để phòng chống bão lũ, giữ gìn sinh mạng và tài sản của nhân dân. Chính quyền và nhân dân ta rất giàu kinh nghiệm phòng chống bão lũ. Năm nay, chính quyền và nhân dân các tỉnh chống bão lũ rất giỏi, rất đầy đủ tinh thần trách nhiệm. Từ ngàn xưa, dân ta đã là những vị thần Sơn tinh chống lại gã Thủy tinh ghen tuông dai nhách. Huyền thoại đó há phải là một chuyện cà rỡn, nghe qua rồi bỏ?

Thế nhưng có một năm, một tỉnh Bắc Trung Bộ nằm trong vùng ảnh hưởng nghiêm trọng của một cơn bão lớn. Bão sắp đổ bộ vào bờ biển. Chiến sĩ quân đội, biên phòng, công an, thanh niên xung kích cùng nhân dân ra sức chống bão, neo đậu tàu thuyền, di dời dân đến những nơi trú ẩn an toàn, cứu bà con thoát khỏi thiên tai. Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng ấy, các vị lãnh đạo của địa phương và sở ban ngành lại… hăng hái họp. Mục đích họp của họ không phải là để chống bão lũ mà là để phân công công tác, tục gọi là chia ghế. Nói cách khác, họ không ra ngoài chơi với bão lũ mà ngồi trong phòng họp cho… vui.

Nước lũ năm nay đổ về các tỉnh thượng nguồn sông Cửu Long quá hớp. Cuối tháng 9, nước đã trên báo động cấp 3. Chính quyền, công an, bộ đội biên phòng, thanh niên và nhân dân ra sức đắp đê, giữ đê để bảo vệ hàng trăm ngàn hecta lúa. Việc ấy diễn ra sôi nổi, hừng hực khí thế ở ba tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang.

Thế nhưng, bốn cán bộ lãnh đạo của một xã thuộc một huyện ở tỉnh Long An lại bỏ địa bàn, đi du lịch ra Huế. Họ quên mất chuyện phòng chống bão lũ khiến một tuyến đê vỡ, nhân dân phải vội vàng thu hoạch lúa non trong khi nước lũ ngập tới ngực. Bốn cán bộ xã đó gồm ông chủ tịch ủy ban xã kiêm trưởng ban phòng chống bão lụt, chủ tịch hội đồng nhân dân, phó chủ tịch mặt trận và cán bộ chuyên trách giao thông thủy lợi. Đây là chuyến du lịch chùa từ ngày 26.9 đến ngày 30.9. “Thí chủ” mời họ đi là giám đốc một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón.

Tôi bào chữa giùm họ rằng: Lỗi lớn nhất ở đây là… nước. Sao nước không đổ về sớm hơn hay muộn hơn mà đổ về đúng ngày các ông ấy đi Huế? Huế bây giờ đang vào thu, trời đẹp như mơ màng. Đi Huế chơi là một chuyện nghiêm túc bởi người ta còn phải nghiên cứu miếu mạo, đền chùa, lăng tẩm, điền thổ… Lỗi tiếp theo là thuộc con đê. Trời ơi, tao đắp thành mày để mày ngăn nước. Sao mày không làm hết chức năng của mày? Lỗi cuối cùng là của dân. Sao bà con không “nắm” tình hình, gieo sạ trước một tháng để lúa chín trước mùa lũ? Bà con lơ đãng lắm nghen!

Những ý kiến nịnh bợ trơ trẽn trên đây có được là do bốn vị này có nhã ý (hay tục ý?) mời tôi làm luật sư bào chữa cho họ. Khi tôi báo cáo chuyện này lại với Báo Thanh Niên, các anh ấy la: “Ai cho phép ông bào? Ông phải đục chuyện ấy đi”. Luật sư Nguyễn Công Thắng còn dạy: “Bào và đục là hai động tác của thợ mộc. Trong trường hợp cụ thể này, ông không được bào mà phải đục”. Ừ, thì đục. Làm gì giận dữ quá vậy? Buồn quá, nói dóc một chút mà cũng bị la rầy.

Sực nhớ có một năm, một vị lãnh đạo của một thành phố miền Trung cũng đi sang một nước Tây tà gì đó để “họp”. Đúng lúc đó, cơn bão lớn đổ vào thành phố, khiến thành phố rách như cái mền Sakymen cũ rích. Ông đi chơi xong trở về, may mắn là trời còn mưa lác đác. Bèn thực hiện một kịch bản phim ngắn luôn. Ông chống dù ra đường phố đi lòng vòng, ghé thăm một vài nơi bà con sập nhà sập cửa cho đài truyền hình địa phương thu hình. Phim đó được chiếu trên truyền hình. Bà con coi phim, cười: “Chào ông! Ông mới đi chơi về!”.

Một năm có mấy mùa chơi đâu? Mùa đông thì giá rét, đi châu u hoặc Bắc Á, Bắc Mỹ không sướng. Mùa hè thì quá nóng, đi miền Trung và miền Bắc nước ta cũng thấy mệt vì khí hậu rồi. Đầu mùa xuân, có nơi còn lạnh. Chỉ có mùa thu mát mẻ, đi chơi là sướng nhất. Nhưng giữa mùa thu sang đầu mùa đông, nước ta hay bị bão lũ. Kệ nó, bão lũ thì cứ bão lũ, mình kiếm nơi không (hoặc chưa) bão lũ mình chơi.

Cho nên, bạn phải thông cảm với một số quan chức ham chơi. Người xưa đi chơi ban ngày chưa đủ, đến nỗi ban đêm còn đốt đuốc đi chơi (Cổ nhân bỉnh chúc dạ du) huống chi người đời nay? Phải chơi chứ. Còn họp hành công việc thì đâu còn có đó, chơi xong tổ chức lại mấy hồi?

Chính vì thế, bốn vị ở Long An đi chơi một tuần trong mùa bão lũ. Còn nếu trở về mà bị cấp trên hỏi thăm, nhân dân la ó thì họ cũng đành chịu. Cái đó kêu là trời kêu ai nấy dạ.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.