Tinh thần doanh nhân Việt - Kỳ 2: Miền tự do

11/10/2011 23:31 GMT+7

Lược ghi trả lời của ông Nguyễn Trần Bạt, người lập công ty tư nhân đầu tiên của VN thời kỳ đổi mới, hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc InvestConsult Group, tại buổi tọa đàm "Tinh thần doanh nhân Việt". Tiếp theo Thanh Niên số ra ngày 11.10.2011.

>> Kỳ 1: Tinh thần doanh nhân Việt 

“Cú mua quảng cáo kỳ lạ…”
 

“Nguyên nhân mà tôi có được những cơ hội ấy lại bắt đầu từ ở VN một cách rất thú vị”, doanh nhân Nguyễn Trần Bạt nói về bước khởi đầu của mình. Ông kể: Khi VN còn bị cấm vận, theo luật Mỹ, các công dân của họ sẽ không được tiêu quá 100 USD/ngày trên lãnh thổ Việt Nam. Cho nên không đi máy bay được, không ở khách sạn được. Nhà khách Chính phủ ở Ngô Quyền (Hà Nội) lúc đó rất đắt khách… Tôi có rất nhiều khách. Một hôm có một phụ nữ đi xe đạp đến gặp tôi và nói: “Tôi nghe nói nếu muốn được hỗ trợ thì đến tìm ông”. Đó là nhà báo ảnh Mỹ. Cô ấy cho biết đã đến Tổng cục Du lịch đề nghị hỗ trợ một chương trình chụp ảnh xuyên Việt. Tổng cục Du lịch đã ra giá 4.000 USD cho chương trình kéo dài một tháng. Nhưng cô ấy không chấp nhận do quá quy định của Chính phủ Mỹ. Tôi nói tôi sẽ giúp cô. Lúc đó cô ấy hỏi giá bao nhiêu thì tôi không nói, chỉ bảo cô ấy đưa chương trình. Tôi phân công anh em dẫn cô ấy đi chụp ảnh, phỏng vấn người này người kia. Sau khoảng 2 tháng hướng dẫn cô đi đâu gặp ai để làm việc, tôi chỉ viết biên lai nhận 500 USD tiền thù lao. Cuốn sách của cô ấy ra đời lấy tên là Miền đất của chín con rồng (The Land Of The Nine Dragons - tác giả Nevada Wier).

 
Thế hệ doanh nhân trẻ tại đại hội Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM vừa diễn ra  - Ảnh: TTXVN

Rất nhiều người lúc đó đã trách tôi là sao lại lấy giá thấp như thế. Tuy nhiên, sau đó, trên tất cả các phương tiện truyền thông mà cô ấy có ảnh hưởng, người ta đều nhắc đến tôi. Và ở chương đầu của cuốn sách ảnh của cô ấy, những gì tôi nói đều được trích dẫn. Các tờ báo Mỹ sau đó khi nhắc đến VN đều nhắc đến tôi. Thậm chí một tờ báo Mỹ đăng ảnh tôi còn chú thích “Nguyễn Trần Bạt kẻ khai sinh ra chủ nghĩa tư bản ở VN”. Vợ tôi lúc đó sợ lắm.

Đó là một cú mua quảng cáo kỳ lạ nhất 25 năm “Đổi mới”. Các bạn thử nghĩ xem, nếu quảng cáo để được xuất hiện cùng một lúc trên những tờ báo lớn như vậy trên thế giới, nhất là trên cuốn sách xuất bản đầu tiên về Việt Nam thì tôi phải mất bao nhiêu tiền? So với mức giá 4.000 USD như của Tổng cục Du lịch thì tôi vẫn lãi không tưởng tượng được.

Xin vào để ra…

Sự mở đầu thứ hai, tôi là trường hợp tham gia vào tư nhân hóa công ty đầu tiên ở Việt Nam. Lúc đó có tiếng rồi, tôi tham gia vào quá trình tư nhân hóa công ty may mặc của chị Sơn ở TP.HCM (*). Tôi được Crédit Lyonnais và UNDP mời tham gia và tôi học ở đó rất nhiều “bài” về tư nhân hóa. Khi các nghị định của Chính phủ về các công ty nằm trong khối sự nghiệp có thu hết hiệu lực, tôi làm xong cái việc là mời Vụ Văn xã của Bộ Tài chính kiểm toán công ty tôi trước đó rồi. Tôi có nói với anh Phạm Vinh lúc đó là Vụ phó, sau này là Vụ trưởng Vụ Tài vụ của Bộ Tư pháp là anh làm thế nào thì làm, phải chứng minh công ty tôi không có đồng xu nhỏ nào là tài sản XHCN.

Nếu nhìn cuộc đời theo mặt phẳng, chúng ta thấy đông đúc lắm, chật chội lắm. Nhưng nếu dựng trục z lên chúng ta sẽ thấy khoảng trống còn mênh mông

Doanh nhân Nguyễn Trần Bạt

Sau khi có giấy chứng nhận của Bộ Tài chính xong, tôi làm đơn xin thành lập doanh nghiệp nhà nước. Bộ trưởng Đỗ Quốc Sam, thầy giáo của tôi bảo “Không có xu nào của nhà nước mà đòi làm quốc doanh. Không được, ra ngoài”. Thế là GS Đỗ Quốc Sam đã đuổi tôi ra ngoài khu vực nhà nước như một quyết định tư nhân hóa. Mặc dù chúng tôi đã chuẩn bị cho tư nhân hóa từ trước đó rồi nhưng nếu chúng tôi tỏ thái độ chán Nhà nước, chán CNXH, chán Đảng thì lúc đó chắc chắn tôi sẽ bị nhìn như một con vật dị dạng vào thời điểm đó. Nhưng nếu tôi xin “kết hôn” với khu vực nhà nước mà bị đuổi ra thì tội đó là không phải là tội của tôi.

Đó là 2 kỷ niệm mà tôi muốn kể.

“Doanh nhân” là một bản năng

Tinh thần doanh nhân Việt Nam hiện nay được đánh giá là khá cao, thậm chí còn cao hơn nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên trong quá khứ đã có nhiều câu chuyện khá đau xót về thân phận các doanh nhân. Ông có thể kể/đánh giá về những thăng trầm của doanh nhân Việt Nam trong hơn 30 năm qua?

Thăng trầm lớn nhất của thân phận doanh nhân Việt chính là quan niệm giá trị của nó trong đời sống văn hóa Việt Nam. Cái rào cản lớn nhất, cái barie to nhất là cái người ta khinh “bọn” doanh nhân như thế nào. Trong nhiều năm chúng ta chưa và không chịu tự giải phóng mình ra khỏi sự cùm kẹp tinh thần. Tôi có viết một quyển sách về tự do. Trong đó tôi phân chia miền tự do ra làm hai. Tự do bên ngoài là thể chế. Tự do bên trong là nhận thức, năng lực tự nhận thức của con người…

Người Việt ít người biết được rằng nền tảng của khái niệm xã hội dân sự là bắt đầu từ khái niệm công ty. Cho đến giờ vẫn cãi nhau là có được phép xây dựng xã hội dân sự hay không, các tổ chức xã hội dân sự không? Nên luật về nó đang nằm đắp chiếu đâu đó. Người ta vẫn ngại các tổ chức, cái được gọi là xã hội dân sự. Nhưng người ta quên tổ chức xã hội dân sự căn bản nhất của mọi xã hội chính là doanh nghiệp. Họ không muốn ghép khái niệm công ty vào trong khái niệm xã hội dân sự.

Nếu không xây dựng công ty cho mình thì mình không có một miền đất tối thiểu hay miền đất cắm dùi về tinh thần của con người để sống một cách độc lập. Đó là công cụ xây dựng không gian tự do cho riêng mỗi một con người. Khi nói về tinh thần kinh doanh phải nhìn nhận rằng xây dựng công ty chính là xây dựng những tế bào cơ bản của xã hội dân sự và các bạn mới thấy được chúng ta tự do. Muốn xây dựng phải yêu nó và hiểu giá trị thật của nó.

Nghề nghiệp và công việc của tôi ở vào tuyến đầu của những xung đột chính trị xã hội vào những năm 1990. Đó là giao du và lôi kéo chủ nghĩa tư bản vào Việt Nam. Phải vượt qua tất cả và còn phải làm sáng tỏ nhiều nhận thức ở đội ngũ những người chịu trách nhiệm quản lý đất nước, phải cấy từng thuật ngữ, và phải gọi khéo đi từng khái niệm căn bản một… Bây giờ mới có một miền rất rộng lớn để các bạn tự do, chỉ cần vượt qua mình để thành lập được công ty.

Rủi ro là có trên tất cả các khía cạnh. Rủi ro là miền đất khống chế người Việt vì thế nên người Việt mới buộc phải cân nhắc nhiều quá. Buộc phải khích lệ nhiều quá. Buộc phải có ngày 13.10 là Ngày Doanh nhân. Trên thế giới chẳng có nước nào có Ngày Doanh nhân cả. “Doanh nhân” là một bản năng tự nhiên của con người. “Doanh nhân” là hành vi bản năng gần với các hành vi có tính chất sinh học. Nhưng chúng ta lại phải cần có một ngày để khích lệ. Chỉ nguyên việc phải ra đời một ngày để khích lệ hành vi mang tính bản năng ấy đã là một hành vi mang tính tiêu cực rồi.

“Những khoảng trống mênh mông”

Thế hệ các ông khởi đầu trong một thời kỳ rất khó khăn nhưng đó cũng là thời kỳ còn nhiều khoảng trống. Theo ông, thế hệ doanh nhân ngày nay còn khoảng trống nào, cơ hội nào để nắm bắt và cạnh tranh với các ông?

Các bạn không có cơ hội cạnh tranh với tôi nữa vì tôi về đích rồi (cười). Tôi giờ là một kẻ quan sát cuộc đua của các bạn. Bạn hỏi có còn khoảng trống nào? Tôi xin trả lời là chúng ta có mọi khoảng trống. Nếu nhìn cuộc đời theo mặt phẳng, chúng ta thấy đông đúc lắm, chật chội lắm. Nhưng nếu dựng trục Z lên chúng ta sẽ thấy khoảng trống còn mênh mông. Tôi nghĩ chúng ta có thể kinh doanh ở level chúng ta thấy đông đúc, có va chạm vui vẻ. Cạnh tranh cũng vui vẻ lắm chứ không chỉ có giết nhau đâu. Buôn có bạn, bán có phường mà. Sự tụ họp thành phường hội là niềm vui mà buôn bán kinh doanh mang lại. Nếu nói những người làm kinh doanh khó tâm sự với nhau là không đúng, không hiểu lớp trẻ đâu. Họ chia sẻ và thậm chí là thưởng thức cả sự thất bại nữa. Tôi hiểu tâm lý ấy.

Nhưng nếu các bạn nhìn lên trên cái tầng mà các bạn thấy đông đúc các bạn sẽ thấy còn những khoảng trống mênh mông. Chiếm lĩnh cái khoảng trống ấy là tài chính và ngân hàng. Trong một quyển sách mà tôi có nói đó là sự lộng hành của yếu tố trí thức trong nền kinh tế hiện đại. Không có chính phủ nào, tổng thống nào hay nhà nước nào có thể hiểu hết thủ thuật các nhà tài chính hiện đại. Nó có thể lừa toàn bộ các chính phủ và thậm chí là cả loài người về các khái niệm phái sinh. Đấy là điều tôi đã cảnh báo cách đây 5 năm.

Tôi cho rằng khoảng trống là mênh mông. Nếu cảm thấy mặt bằng đang sống “chật chội” các bạn có thể mạnh dạn lên tầng 10 kinh doanh, không sao cả. Xã hội hiện đại hoàn toàn có khả năng kết nối giữa các tầng không liên tục. (Còn tiếp)

Nguyên Phong (lược ghi)

* Bà Nguyễn Thị Sơn, Giám đốc Công ty Legamex khi đó

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.