Ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10 - Kỳ 1: Tinh thần doanh nhân Việt

11/10/2011 00:21 GMT+7

Nhân dịp ra mắt bộ sách Trí tuệ xuất chúng, thiên tài kinh doanh, Alpha Books tổ chức buổi tọa đàm "Tinh thần doanh nhân Việt" với sự tham gia của chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành; doanh nhân Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc InvestConsult Group; ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Alpha Books. Rất nhiều vấn đề liên quan đến tinh thần doanh nhân, thể chế, ý tưởng kinh doanh, tài năng, lập nghiệp... đã được chia sẻ trong cuộc đối thoại. Thanh Niên xin giới thiệu cùng bạn đọc phần lược ghi các ý kiến của ông Nguyễn Trần Bạt trả lời cử tọa.

 Doanh nhân Việt Nam thảo luận cơ hội hợp tác với các  đối tác châu Phi tại Hà Nội - ảnh: TTXVN

Thức dậy từ năm 1985 

Trước đây ông làm trong cơ quan nhà nước nhưng là một trong những người đầu tiên thành lập công ty tư nhân vào cuối những năm 80 thế kỷ trước. Điều gì đã thôi thúc ông rời bỏ môi trường nhà nước vào thời điểm đó?

Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi không bỏ cơ quan nhà nước. Bởi vì thời điểm việc giảm biên chế là giải pháp mang tính sống còn của nhà nước, tôi rời nhà nước như một sự hy sinh của bản thân chứ không phải vì chán. Giả sử không có mở cửa có lẽ tôi vẫn là cán bộ nhà nước như nhiều người.

Tại sao ông lại có ý tưởng mở công ty tư vấn đầu tư khi mà xuất thân nền tảng của ông là kỹ sư cầu đường?

Nói một cách chặt chẽ thì tôi là một nhà cơ học ứng dụng. Tôi làm nghề nghiên cứu, thiết kế các kết cấu được chôn trong đất, tức là các công trình ngầm. Tôi làm chủ nhiệm bộ môn này tại Viện Khoa học - Công nghệ giao thông vận tải từ năm 1976 sau khi giải ngũ cho đến khi tôi rời Viện năm 1986. Tôi không có bản năng của một nhà kinh doanh, vì trước đó tôi chưa kinh doanh bao giờ. Trước đó xã hội ta không có kinh doanh chính thống. Tôi thì không làm gì không chính thống. Nhưng là người nghiên cứu các khía cạnh khác nhau về đời sống xã hội, đời sống chính trị và những diễn biến quốc tế cuối những năm 70 đưa tôi đến kết luận rằng chắc chắn cộng đồng các nước XHCN có vấn đề... Tôi có nói với TS Zbigniew Brzezinski ở Mỹ là tôi dự báo sự sụp đổ này trước ông ta 10 năm. Bởi vì TS Brzezinski có viết một quyển sách có tên là The Grand Failure.

Lúc mọi người còn đang ngủ thì tôi đã thức dậy từ rất sớm. Có lẽ tôi bắt đầu thức từ năm 1985
Trong điều kiện như vậy, VN chúng ta sống bằng viện trợ, tiến hành chiến tranh bằng viện trợ. Và chúng ta sống một thời gian khá lâu trong hòa bình bằng viện trợ đến mức Văn phòng Chính phủ có một Cục phân phối viện trợ. Tôi nhận thấy chúng ta gặp khó khăn và không cẩn thận là sẽ rơi vào rối loạn.

Rất may các nhà lãnh đạo VN lúc đó đã không đẩy đất nước đến rối loạn và chúng ta đã mở cửa. Mở cửa là một phương pháp giải thoát VN ra khỏi rối loạn. Trong điều kiện mở cửa ấy, người Việt không biết gì về kinh doanh, về chủ nghĩa tư bản. Còn người phương Tây thì không biết gì về chủ nghĩa cộng sản, mà chủ nghĩa cộng sản kiểu Việt Nam thì lại càng khó biết. Thành ra tôi nghĩ rằng chắc chắn hai cộng đồng này khi gặp nhau sẽ không hiểu nhau. Và chắc chắn họ cần một đối tượng phiên dịch. Tôi lập công ty để làm việc phiên dịch giúp hai cộng đồng buộc phải hợp tác với nhau trong tình thế không hiểu biết nhau.

Ông có thể chia sẻ một chút về câu chuyện khởi đầu của ông? Hình như ông là doanh nhân Việt Nam đầu tiên đến New York, vào năm 1985?

Thực tế là muộn hơn một chút, vào năm 1989. Tôi cũng phải nói thế này, nếu lịch sử không có ai chen ngang, chỉ là các dòng chảy tự nhiên của thời gian thì có lẽ tôi cũng có vị trí nào đó. Lúc mọi người còn đang ngủ thì tôi đã thức dậy từ rất sớm. Có lẽ tôi bắt đầu thức từ năm 1985. Thức tỉnh một cách có ý thức về việc học tập các quy luật của nền kinh tế thị trường thì có lẽ tôi bắt đầu nghiên cứu nó từ 1979.

Từ lúc đó tôi bắt đầu nghĩ và nói thật là bắt đầu học, học giáo trình đầu tiên về kinh tế học phương Tây của giáo sư Paul A.Samuelson mà tôi biết Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã chỉ đạo Vụ Kinh tế tổng hợp của Bộ Ngoại giao dịch. Tôi đọc một cách say mê. Chúng tôi có lẽ vì cái bế tắc của đất nước mà chịu nghiên cứu, chịu học. Trong lòng thì đầy rẫy các nỗi đau xót, bức xúc. Cuộc sống thực thì đầy rẫy khó khăn. Nhưng chúng tôi học và hiểu ra điều ấy đã mạnh dạn lập công ty, công ty không kinh doanh gì cả ngoài kinh doanh phát triển các quan hệ quốc tế với Việt Nam.

Và phải nói thật vào thời điểm ấy tôi nổi tiếng ở ngoài VN hơn cả các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao của VN. Có kém là chỉ kém những người đứng đầu thôi. Tôi đến đâu cũng được đón rước. Năm 1989 tôi đến Úc, được các bạn hữu bố trí đến gặp một số nhà chính trị quan trọng ở Úc, trong đó có thượng nghị sĩ Kim Beazley, Chủ tịch Công đảng Úc. Lúc đó Công đảng đang cầm quyền. Khi gặp tôi ông hỏi một cách hơi coi thường: “Với tư cách là một thương nhân thì ông gặp tôi có chuyện gì?”. Tôi bảo: “Tôi được giới thiệu rằng ông là một trong những nhà chính trị thông minh nhất nước Úc. Tôi cũng nói chuyện với nhiều nhà chính trị của Úc, nhưng tôi dành những điều tôi sắp nói để nói riêng với ông. Nếu ông thích nghe thì tôi nói, còn nếu không thì tôi xin lỗi, tôi về”. Ông ấy bảo: “Anh có 15 phút”. Tôi nói rằng: “Thế giới trong thời đại toàn cầu hóa đang co cụm lại từng khu vực, nước Úc với tư cách là một quốc gia châu u về mặt chủng tộc, là một quốc gia châu Á về mặt địa lý, vậy nước Úc ở đâu trong xu thế khu vực hóa ấy?”. Ông ấy sững ra và nói: “Xin lỗi ông, chuyện này quan trọng lắm, tôi không nghe một mình được”. Và thế là ông ấy kéo tôi sang một phòng khách lớn và mời 1/3 nội các đến. Tôi đã nói chuyện với họ, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Giáo dục... và cả mười mấy thượng nghị sĩ nữa. Cuộc nói chuyện ấy kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Và buổi ăn trưa diễn ra tại phòng làm việc luôn.

Cuối 1989 tôi đến Mỹ dịp lễ Tạ ơn (Thanksgiving). Tôi đi khắp nơi. Có một nhà ngoại giao nổi tiếng từng cộng tác chặt chẽ với Việt Nam là bà Virgina Foote đã tổ chức cho tôi buổi nói chuyện với 700 công ty Mỹ ngay tại Washintgon DC. Tôi đã làm một việc mà có lẽ không người Việt Nam nào dám làm vào thời điểm đó. Tôi đã đến đặt một nhánh hoa lên bức tường tưởng niệm những người Mỹ đã chết trong chiến tranh tại Việt Nam. Người đưa tôi đến là một giáo sư, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ mà tôi quen tại Việt Nam. Ông ta hỏi tại sao tôi lại làm thế? Tôi trả lời: “Con người được xem là giống vật thông minh, nó sẽ không mang theo khái niệm hộ chiếu lên thiên đường”. Khi tôi kể lại câu chuyện này thì ngay lập tức đã thu hút được cảm tình rộng lớn của cử tọa. Cuộc nói chuyện diễn ra rất thú vị. Cho đến nay nhiều người vẫn giữ liên lạc với tôi sau hàng chục năm thông qua những tiếp xúc như vậy. Tôi đến thăm công ty luật của ông Warren Christopher (Ngoại trưởng Mỹ giai đoạn 1993 - 1997) ở Los Angeles. Họ tổ chức chiêu đãi và đã mời cả một ngôi sao điện ảnh rất nổi tiếng lúc đó là Kim Bassinger tham dự. Đến San Francisco ông Jordan, Thị trưởng, mời tôi đến nói chuyện tại một trong những CLB cổ xưa nhất của nước Mỹ là CLB Commonwealth... Tất cả những câu chuyện như vậy đã tạo cho tôi nhiều cơ hội.

Nhưng nguyên nhân mà tôi có được những cơ hội ấy lại bắt đầu ở VN một cách rất thú vị...

Doanh nhân nổi tiếng

 

Ông Nguyễn Trần Bạt, một trong những người đầu tiên thành lập công ty tư nhân vào cuối những năm 80 thế kỷ trước, chia sẻ về tinh thần doanh nhân, thể chế, ý tưởng kinh doanh trong cuộc đối thoại Tinh thần doanh nhân Việt.

Ông Nguyễn Trần Bạt (sinh năm 1946 tại Hưng Nguyên, Nghệ An) là một doanh nhân nổi tiếng, người sáng lập InvestConsult Group (công ty tư vấn chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam về đầu tư và kinh doanh ngay sau khi Việt Nam tiến hành Đổi mới). Hiện ông là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty này. Ông còn được biết đến với nhiều vai trò, công việc khác nhau như kỹ sư, luật sư, nhà tư vấn, học giả.

Ông vào đại học năm 1964. Sau quãng thời gian đi bộ đội, ông quay lại giảng đường và tốt nghiệp ĐH Bách khoa năm 1972.

Năm 1989, dưới sự bảo trợ của Viện Khoa học Việt Nam, ông cùng với một số đồng nghiệp thành lập InvestConsult Ltd, cung cấp dịch vụ tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài và trở thành một trong những tổ chức đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này.

Hiện ông là Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, thành viên của Hội Luật gia Việt Nam, Hiệp hội Luật sư sáng chế châu Á (APAA) và Hiệp hội Nhãn hàng quốc tế (INTA).

Ông là tác giả của một số cuốn sách được tái bản nhiều lần: Suy tưởng, Cải cách và sự phát triển, Văn hóa và Con người, Cội nguồn cảm hứng, Đối thoại với tương lai.

(còn tiếp)

Nguyên Phong (lược ghi)

* Tựa bài do Thanh Niên đặt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.