Tinh luyện dầu ăn bằng hóa chất tẩy rửa - (Kỳ 4): Nguy hiểm cho người sử dụng

09/10/2011 01:42 GMT+7

Bào mòn bao tử, gây một số bệnh lý về tim, gan phổi… và thậm chí ung thư nếu sử dụng dầu ăn tinh luyện bằng xút công nghiệp. Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia về hóa thực phẩm…

>> Kỳ 3: Phóng viên Thanh Niên phối hợp phá án

Để biết tác hại của việc tinh luyện dầu bằng xút công nghiệp mà cơ sở Thái Thành tung ra thị trường, PV Thanh Niên tìm tới Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (trường Đại học Công nghiệp TP.HCM). Nhìn vỏ bao đựng hóa chất chụp ở cơ sở Thái Thành, tiến sĩ Đàm Sao Mai - Viện trưởng, khẳng định đó là xút, tên hóa học NaOH. Khi nghe thông tin cơ sở tinh luyện dầu dùng loại xút này để tinh luyện dầu dừa thành dầu không mùi, tiến sĩ Mai thốt lên: “Quá nguy hiểm!”.


Công nhân rửa can trước khi chiết dầu thành phẩm - Ảnh: Hoài Nam

Sát thủ từ từ…

Theo tiến sĩ Mai, NaOH là chất tẩy rửa dùng trong công nghiệp như xử lý nước thải trong ngành dệt, nhuộm… Người dân dùng xút công nghiệp để tinh luyện dầu ăn, nếu hàm lượng nhiều sẽ trực tiếp bào mòn bao tử. Hàm lượng ít, khi ăn vào sẽ tích tụ trong cơ thể con người cho đến khi đủ hàm lượng sẽ tự phát các bệnh lý về gan, tim, phổi, nặng hơn là ung thư.

Tại sao người dân dùng xút công nghiệp để tinh luyện dầu? Theo tiến sĩ Mai, xút là một loại hóa chất làm trung hòa. Trên thực tế, về quy trình tinh luyện dầu cũng phải dùng xút nhưng là xút tinh khiết, còn xút công nghiệp bị cấm tuyệt đối sử dụng cho thực phẩm. Tiến sĩ Mai cho biết thêm, người trực tiếp tiếp xúc nhiều với xút công nghiệp sẽ bị các bệnh về mắt và da, có thể gây ung thư da, còn nếu hít hơi xút vào thường xuyên sẽ gây ra các bệnh lý khác…

Trước khi là giảng viên bộ môn sinh học và thực phẩm trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, thầy Trần Ngọc Bảo Trân có nhiều năm là giám đốc một công ty sản xuất dầu thực vật. Thầy Trân cho biết dầu dừa có nhiều a-xít béo nên buộc phải dùng xút để trung hòa, nhưng phải là xút tinh khiết. Nếu dùng xút công nghiệp để tinh luyện dầu, dù có dùng phương pháp nào để lọc cũng vẫn còn xót lại ion Cl- cùng một số tạp chất khác và loại hóa chất này làm phát sinh MP3 gây ung thư.

Kỹ sư hóa Nguyễn Văn Đắc, hiện đang công tác ở một công ty nước ngoài thuộc KCN Mỹ Phước 3 (Bình Dương), phân tích thêm trong xút công nghiệp có NaClO3 là cực độc, bởi nó là thành phần gây ăn mòn mạnh, nên bị cấm sử dụng trong thực phẩm… “Nếu dùng xút tinh khiết để tinh luyện giá thành dầu sẽ cao hơn nhiều, bởi giá xút tinh khiết hiện nay cao hơn xút công nghiệp từ 20 đến 30%. Đây là nguyên nhân chính các cơ sở tinh luyện dầu không chân chính vẫn sử dụng xút công nghiệp để tinh luyện dầu”, thầy Trân nhận định.


4 phuy dùng để pha xút lúc nào cũng đầy ắp, bên trong là nhà vệ sinh - Ảnh: Hoài Nam

Cơ quan quản lý ở đâu?

Theo ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TP.HCM, người có thâm niên nhiều năm trong ngành chế biến dầu thực vật và hiện là Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.HCM, việc dùng xút công nghiệp để tinh luyện dầu là mối nguy hiểm cho xã hội. “Thực trạng pha chế, tái chế dầu ăn vẫn đang diễn ra ở mọi nơi và nó không còn mới nhưng lại rất nóng hổi. Nhà sản xuất biết rõ mức độ nguy hiểm của việc làm trái lương tâm nhưng vẫn sản xuất rồi mang ra thị trường tiêu thụ là một tội ác. Quy trình tinh luyện dầu ăn các loại như dầu mè, cọ, đậu nành, dầu dừa đòi hỏi rất nghiêm ngặt. Mọi hóa chất, phụ gia đều phải được phép dùng cho thực phẩm, hoàn toàn cấm không được dùng hóa chất công nghiệp để pha chế tinh luyện dầu. Nếu con người chỉ vì lợi nhuận mà dùng hóa chất công nghiệp để pha chế thực phẩm, trong đó có dầu là một tội ác, bởi làm như vậy là hủy hại sức khỏe con người, hành vi này là hành vi giết người thầm lặng không chỉ một năm, năm năm, mười năm. Xa hơn nữa đến tận thế hệ sau cũng phải chịu hậu quả bởi những giọt dầu sát thủ đó”, ông Khoa nói và đặt vấn đề: “Đau xót nhất của xã hội là tại sao việc làm trái lương tâm này lại được tồn tại? Những người quản lý địa bàn, cơ quan chuyên môn ở đâu? Cần làm rõ trách nhiệm quản lý của các cơ quan này”.

Điều tra của Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.