Những bước đi mới của Lực lượng phòng vệ Nhật

09/10/2011 23:25 GMT+7

Nhật Bản sẽ được phép tự sản xuất các bộ phận chính và lắp ráp máy bay chiến đấu F-35 nếu Tokyo chọn mua chiến đấu cơ này.

Đó là nội dung trong thông báo vừa được Tập đoàn khí tài quân sự Mỹ Lockheed Martin gửi cho Bộ Quốc phòng Nhật, theo tờ Yomiuri Shimbun ngày 9.10. Tờ báo dẫn một số nguồn tin cho biết thêm Lockheed Martin còn khẳng định tập đoàn này sẽ cung cấp một số kỹ thuật sản xuất F-35 cho các công ty Nhật có liên quan và Chính phủ Mỹ đã đồng ý việc này. Máy bay tàng hình F-35 được xem là máy bay tác chiến thế hệ 5 tiên tiến nhất so với các đối thủ khác. Trước đó, Kyodo News dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nhật cho hay để thay thế đội máy bay chiến đấu F-4, nước này sẽ chọn mua 40 chiếc từ 3 ứng viên: F-35, F/A-18 do Boeing thiết kế và Eurofighter Typhoon của châu u.


F-35 đang là ứng viên cho kho máy bay chiến đấu của Nhật - Ảnh: Defense Industry Daily

Bước đi mới

Bộ Quốc phòng Nhật sẽ đánh giá 3 ứng viên nói trên dựa theo các tiêu chí: khả năng xử lý thông tin, công nghệ tàng hình; bảo trì và chi phí liên quan; mức độ tham gia của các công ty Nhật và hệ thống hỗ trợ hậu mãi. Theo Reuters, Lực lượng phòng vệ Nhật hiếm khi mua khí tài quân sự của châu u, mà có khuynh hướng trang bị vũ khí do nước này hoặc Mỹ thiết kế. Do đó, đơn hàng mua máy bay chiến đấu mới trị giá khoảng 8 tỉ USD lần này có thể sẽ rơi vào tay Lockheed Martin hoặc Boeing.

Nhật ngưng sử dụng máy bay F-15

Giới chức Nhật vừa quyết định ngưng sử dụng toàn bộ máy bay chiến đấu F-15, sau sự cố rơi bình nhiên liệu ngày 7.10, theo AP. Khi đó, một chiếc F-15 đang hạ cánh xuống căn cứ Komatsu ở tỉnh Ishikawa thì bình nhiên liệu nằm dưới cánh trái bất ngờ rơi xuống đất, nhưng không gây thương vong hay thiệt hại. Giới chức Nhật cho hay tất cả 202 máy bay loại này sẽ tạm ngưng hoạt động trừ trường hợp khẩn cấp, cho đến khi độ an toàn của chúng được khẳng định. Hồi đầu tháng 7, một chiếc F-15 khác của Nhật cũng lao xuống biển, khiến phi công mất tích.

Yomiuri Shimbun nhận định với quyết định nói trên của Lockheed Martin, F-35 sẽ có lợi thế lớn so với các đối thủ khác để trở thành chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản. Quyết định này sẽ đánh dấu lần đầu tiên một nước không thuộc 9 quốc gia thuộc liên doanh sản xuất F-35 do Lockheed Martin dẫn đầu được phép tham gia phát triển chiến đấu cơ này. Các nước này gồm Anh, Canada, Đan Mạch, Hà Lan, Mỹ, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Ý và trong tương lai có thể thêm sự góp mặt của Nhật.

Thông tin về F-35 được đưa ra vài tuần sau khi Cố vấn chính sách của Chính phủ Nhật Seiji Maehara đề nghị Tokyo nên nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của nước này vốn được áp đặt từ năm 1967, theo tờ The Washington Post. Ông Maehara nhận định lệnh cấm đang cản trở Nhật tham gia các dự án công nghệ đa quốc gia, trong đó có phát triển máy bay chiến đấu và tàu chiến.

Tăng cường khả năng phòng vệ

Trong Thế chiến 2, lực lượng quân đội Nhật rất hùng mạnh, với lượng tàu sân bay lên tới 11 chiếc giữa lúc nhiều nước trong khu vực còn chưa có tàu chiến, theo website World-War-2-Planes.com. Đến khi chính thức tham chiến vào năm 1941, Nhật đã phát triển hạm đội không - hải quân hoàn thiện nhất và lớn nhất trên thế giới. Khi đó, nước này đã có 7 tàu sân bay và lực lượng phi công tác chiến giàu kinh nghiệm, giúp nước này chiếm lợi thế trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Trong suốt cuộc chiến, Nhật đã phát triển thêm 4 tàu sân bay. Tuy nhiên, sau đó, các tàu sân bay của nước này liên tục bị tiêu diệt và khi kết thúc chiến tranh, Nhật hầu như không còn chiếc tàu sân bay nào. Ngoài ra, theo điều 9 của Hiến pháp năm 1947, Nhật không được tuyên chiến và sử dụng Lực lượng phòng vệ (SDF) trong các cuộc tranh chấp quốc tế. SDF chỉ được sử dụng trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình và có giai đoạn phát triển rất hạn chế.

Qua thời gian, với sự hỗ trợ của Mỹ, SDF bắt đầu được tăng cường nhiều loại khí tài hiện đại và mạnh mẽ hơn, trở thành một trong những lực lượng tiên tiến nhất khu vực. Do những diễn biến đáng quan ngại gần đây, Tokyo càng đẩy mạnh khả năng phòng vệ, nhất là về an ninh biển. Theo tờ Straits Times, Nhật Bản đã đưa vào sử dụng 2 tàu khu trục hạng nặng có khả năng mang máy bay trực thăng lớp Hyuga từ tháng 3.2009. Đến năm 2012, Nhật sẽ đóng chiếc 22DDH đầu tiên, cũng là tàu khu trục mang máy bay trực thăng nhưng lớn hơn tàu lớp Hyuga và được giới chuyên gia đánh giá là không thua kém tàu sân bay “xịn” là mấy. Theo chương trình quốc phòng mới, được công bố hồi tháng 12.2010, Nhật cũng sẽ tăng từ 16 tàu ngầm lên 22 tàu, nâng số tên lửa SM-3 cho tàu khu trục từ 4 lên 6.

Ngoài ra, Nhật cũng phóng thành công vệ tinh tình báo Optical 4 lên quỹ đạo hồi cuối tháng 9, theo Kyodo News. Đây là một phần trong kế hoạch xây dựng hệ thống vệ tinh quân sự của Tokyo với tổng chi phí đến nay vào khoảng 8 tỉ yen (khoảng 2.183 tỉ đồng).

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.