“Lặn ma” trên sông Hương

08/10/2011 15:38 GMT+7

“Không phải là nghề mà nói đúng hơn là nghiệp. Ai cũng sợ, thì ai chịu xuống đáy sông để đưa các nạn nhân xấu số về với gia đình?”- ông Nguyễn Văn Sết châm điếu thuốc và tâm sự.

3 đời “lặn ma”

Được các chiến sĩ ở Tổ CSGT đường thủy Công an TP Huế giới thiệu, chúng tôi tìm về khu tái định cư (TĐC) Lại Tân, xã Phú Mậu (H.Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) để tìm gặp 4 anh em trong một gia đình thường giúp đỡ công an lặn vớt xác của các nạn nhân xấu số trên sông Hương.

Thấy một nhóm thanh niên đứng bên đường vào khu TĐC, chúng tôi hỏi: “Anh có biết nhà mấy anh em ông Sết, Nết… ở đâu không?”. Một thanh niên hỏi lại: “Có phải tìm mấy anh em ông Sết “lặn ma” không?”. Chúng tôi gật đầu. Người thanh niên chỉ tay về phía ngôi nhà có phơi mấy tấm chăn trên sân thượng bảo: “Đó, nhà ông Sết đó. Ông Sết là em thứ ba trong mấy anh em “lặn ma” nớ đó”.

 
Anh em ông Sết tham gia tìm kiếm một thanh niên chết đuối trên sông Hương - Ảnh: B.N.L

Ông Sết vừa từ bệnh viện trở về. Ông nói: “Hôm nay, người con trai của anh Sưa bị bệnh tim nặng phải lên ca mổ nên tui phải thay anh lên bệnh viện túc trực lo cho cháu từ tối hôm trước (ông Nguyễn Văn Sưa là anh kế ông Sết, mới qua đời hồi đầu năm vì một căn bệnh hiểm nghèo - PV). Ca mổ đã chuẩn bị đâu vào đấy, nhưng lại phải hoãn vì cháu bị viêm họng”. Ông Sưa mất, gia đình chuyên “lặn xác” mà người dân nơi đây vẫn gọi là “lặn ma” hiện chỉ còn 3 người là ông Nguyễn Văn Chí (60 tuổi) anh đầu, Nguyễn Văn Sết (53 tuổi) và người em trai út là Nguyễn Văn Nết (50 tuổi). Sau khi dân vạn đò Huế được đưa lên bờ, cả 4 anh em nhà ông Sết đã được UBND TP Huế cấp đất  TĐC ở Lại Tân, xã Phú Mậu. Mỗi người đều có nhà riêng, nhưng cũng rất gần nhau ngay trong khu TĐC, nên khi có người nhờ “lặn xác” là họ đều có mặt.

“Làm cái việc này chẳng đem lại thu nhập, có khi còn phải tốn tiền, nhưng không làm không được. Mỗi lần đi lặn vớt xác cho người ta, gia đình nào hiểu biết thì có tạ lễ cho chúng tôi vài ba trăm ngàn. Tiền ấy đâu có tiêu được mà phải mua lễ vật để cúng tạ giang thần thủy quái, để người ta khỏi quở trách mình. Có nhiều trường hợp người chết không có thân nhân hoặc gặp gia đình quá nghèo, chúng tôi cũng lặn. Vớt lên xong,  về nhà mấy anh em phải tự góp tiền lại mua lễ vật mà cúng”- ông Nguyễn Văn Sết tâm sự.

Chúng tôi hỏi: “Có phải người dân vạn đò thường tránh việc cứu người dưới nước cũng như vớt xác người chết nước?” Ông Sết trả lời: “Không phải mô. Thấy người chết ai cũng thương, nhưng người ta sợ. Trước đây, lúc còn sống, cha tôi vẫn thường nói: Mình biết lặn, người ta nhờ thì phải giúp. Đó cũng là làm phước. Người chết rồi họ “hiền” lắm. Không có chi mô mà sợ. Nghe lời cha, có người nhờ là họ đi lặn giúp. Lặn mãi thành “nổi tiếng”. Giờ ở Huế có ai rủi ro chết nước, cũng kêu anh em tui thôi”.

Rồi ông kể: “Cái nghề lặn của anh em tui được truyền từ đời ông nội đến giờ. Trước đây, gia đình chúng tôi vốn là dân vạn đò ở khu vực phường Vỹ Dạ, TP Huế. Từ nhỏ bốn anh em tôi đã theo cha là ông Nguyễn Hoang đi làm chài lưới trên sông. Ba tôi thời ấy cũng nổi tiếng là người lặn giỏi.  Sông Hương, đoạn mô su (sâu - PV) đoạn mô cạn, ông đều biết hết. Những vụ tai nạn trên sông thời ấy, hễ có ai kêu đi vớt xác là ông đều đem chúng tôi đi theo. Cha lặn, con cũng lặn rứa rồi quen. Mà không phải từ cha tui mô. Từ ông nội tui đã làm cái việc ni rồi (tức chuyên đi lặn xác - PV). Tôi nhớ có lần, trước năm 1975, có một chiếc máy bay của Mỹ bị rớt gần Cầu Mới (tức cầu Phú Xuân bây giờ). Hai phi công Mỹ đi trên máy bay, nhưng một người thoát ra được bơi vào bờ. Còn một phi công đã thiệt mạng. Mấy cha con lặn xuống, vớt thi thể phi công Mỹ lên. Người Mỹ nó to bằng ba người mình, dưới nước thì không nặng, nhưng khi đưa vô tới bờ, cả bốn anh em tui cùng với cha mới khiêng lên nổi”.

 
Ông Nguyễn Văn Sết giới thiệu chiếc "máy thở" tự chế của mình

Ký ức kinh hoàng

“Mấy anh em ông Sết, Nết đã giúp chúng tôi rất nhiều trong xử lý các vụ tai nạn trên sông. Họ là cộng tác viên tình nguyện của ngành công an. Không có họ, các vụ tai nạn, chết đuối trên sông nước sẽ rất khó khăn cho các ngành chức năng. Do hiện chưa có lực lượng cứu hộ, nên mỗi lần có tai nạn, có người chết đuối... chúng tôi đều nhờ họ. Mỗi lần nhờ họ giúp, bằng quan hệ xã hội, chúng tôi cũng chỉ mua cho họ hộp cơm, vài chai nước để uống chứ hoàn toàn không có chế độ gì. Công lao của họ rất đáng được tuyên dương” - Trung tá Trần Ngọc Thành, Tổ trưởng Tổ CSGT đường thủy Công an TP Huế, cho biết.

Dòng sông Hương bình thường vốn hiền hòa thơ mộng. Nhưng ít ai biết, trên dòng sông ấy hằng ngày vẫn có những nạn nhân xấu số bị sơ sẩy, những người suy nghĩ nông cạn, gặp chuyện không may tìm đến cái chết... Và khi có những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, dù trời nắng hay trong cơn lũ dữ..., hễ nhận được lời đề nghị từ phía chính quyền là ba anh em họ đều có mặt. “Tôi không biết mình đã vớt bao nhiêu xác chết trên các dòng sông nữa. Nhưng từ khi biết lặn tới  nay, chắc chắn cũng không dưới vài trăm người xấu số đã được chúng tôi vớt lên giúp cho gia đình họ”- ông Sết nói.

Ông Sết nhớ nhất là vụ tai nạn sập cầu Kho Rèn (trên sông An Cựu) năm 1988. Thời đó, các ông còn rất trẻ, được công an "điều động", mấy anh em ông liền có mặt. Vụ tai nạn do những người dân hiếu kỳ tụ tập trên cầu để xem công an mổ xác một tử thi chết trên sông vừa được vớt lên. Cầu yếu do xuống cấp nên đã bị sập lan can khiến hơn 40 người rơi xuống sông chết đuối, trong đó có hàng chục trẻ em. Cùng với các lực lượng cứu hộ khác, 4 anh em ông Sết đã vớt lên gần hết số nạn nhân nói trên. Một số ít do bị chẹt dưới các khối bê tông, sau đó cũng được các ông tìm kiếm, tiếp tục vớt lên được.

Tuy nhiên, vụ tai nạn mà các ông đã tham gia vớt xác để lại nhiều ấn tượng nhất là vụ chìm thuyền làm 4 người chết xảy ra ngày 5.8.2003 trên dòng sông Hương trong lễ hội điện Hòn Chén (tức điện Huệ Nam). Sau khi được công an yêu cầu trợ giúp, mấy anh em ông đã có mặt. Nước sông, sau lễ hội vừa lạnh vừa rờn rợn. Người chết nước thường không trôi đi xa mà chỉ chìm đâu đó trong khu vực bị nạn. Tuy nhiên, sau hai ngày lễ hội với lượng tàu thuyền đi lại nhiều, dòng nước sông Hương trở nên cáu đục. Khu vực xảy ra tai nạn lại rất sâu, bên dưới có gành đá với nhiều hang hốc. Anh em ông Sết lặn mò từng lối dưới đáy sông. Do lặn xác nhiều năm, nên họ giống như có giác quan thứ sáu vậy. Nước sông lạnh lẽo vậy, nhưng khi lặn đến gần thi thể người chết, linh tính sẽ báo cho biết liền. Từ chiều đến gần tối, 4 anh em đã lặn tìm và vớt được hết 4 nạn nhân lên bờ.

“Rái cá” trên dòng Hương

Lặn mãi thành quen, giờ không cần bình dưỡng khí mấy anh em của ông Sết có thể lặn sâu vài chục mét dưới nước. “Nước sông “nặng” hơn nước biển, nên lặn sông khó hơn. Nếu như ở biển chúng tôi có thể lặn sâu tới hơn 20 sải tay (tức độ sâu tương đương 25m) thì ở sông chỉ khoảng 15 sải. Trước đây, chúng tôi toàn lặn bộ (tức không cần ống dưỡng khí), nhưng nay nhiều chỗ khó phải cần máy hơi để thở” - ông Sết nói.

Những tưởng “máy hơi” mà ông nói là những thiết bị lặn nước chuyên nghiệp thường thấy, nhưng hóa ra đó là một máy tạo khí được họ tự chế ra. Đó là chiếc máy nổ (hiệu Samdi của Trung Quốc),  thường dùng để lắp cho thuyền máy trên sông, được anh em ông Sết lắp thêm bộ phận tạo hơi từ bộ thắng hơi của ô tô, sau đó nối với một chiếc bình chứa dẫn khí qua ống tizo.

Ngoài “lặn ma” là một cái nghiệp mà anh em họ làm để tạo phước, làm việc thiện, thỉnh thoảng họ cũng nhận được hợp đồng đi lặn trục vớt tàu đắm, trục vớt một số thứ bị chìm dưới nước. “Làm mấy việc như ri mới có tiền. Ở đời, phàm cái tài nào cũng có chỗ dùng cả các anh ạ. Chúng tôi không phụ cái nghề lặn ni mô” - ông Sết nói. Triết lý sống của mấy anh em “rái cá” này chỉ đơn giản là vậy.

 Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.