Trẻ em thành phố thừa dinh dưỡng, ít vận động

06/10/2011 17:04 GMT+7

(TNO) Tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em TP.HCM, đặc biệt là học sinh tiểu học đang rất cao, tăng gấp đôi chỉ trong vòng 10 năm. Nguyên nhân chính là do trẻ thừa dinh dưỡng nhưng lại thiếu vận động.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết: Có đến 21,4% học sinh tiểu học tại TP.HCM bị thừa cân. Tỉ lệ béo phì ở lứa tuổi này là 17%. Đối với học sinh THCS, có 15,7% thừa cân; 6,8% béo phì. Học sinh THPT, có 9,4% thừa cân và 2,3% béo phì. Trong khi đó, có 12% trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì.

Tập thể dục 0 phút/ngày

Là một trong nhiều học sinh thừa cân trong lớp, lịch sinh hoạt của T.B.N (học sinh lớp 4 trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Q.Tân Bình, TP.HCM) là: sáng đi học và ở bán trú tại trường, đến chiều bố mẹ đón về và tiếp tục đi học tiếng Anh hoặc học thêm văn hóa (tùy theo ngày), tối về nhà ăn cơm, học bài rồi đi ngủ. Thời gian vui chơi, giải trí của N. là coi ti vi và chơi game, internet.

Gần như đó cũng là thời gian biểu điển hình của hầu hết học sinh TP.

 
Nhiều học sinh tiểu học tại TP.HCM bị thừa cân, béo phì
- Ảnh: Nguyên Mi

Chương trình nghiên cứu tình trạng dinh dưỡng ở học sinh của TP.HCM cho kết quả tại trường tiểu học Dương Minh Châu (Q.10), có đến 46,3% học sinh cho biết không hoặc rất ít vận động trong ngày. Số còn lại chỉ thích ngồi chơi game hoặc đọc sách.

Tại một số trường cấp 2 khác, số học sinh dành thời gian ngồi yên cũng chiếm hơn 60%. Còn lại có vận động nhưng tổng thời gian vận động trung bình mỗi ngày chưa đến một giờ đồng hồ.

Trong chương trình học của các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông, thời khóa biểu dành cho môn thể dục chỉ ở khoảng 1-2 tiết/tuần (tức 45-90 phút/tuần).

“Trẻ em tại TP hiện nay hầu như không phải làm việc nhà. Sân trường và nơi sống lại thiếu không gian nên trẻ hầu như không vận động, thể dục thể thao. Tại TP.HCM, hiện nay người dân không thiếu tiền, không thiếu ăn nhưng ăn không đúng và không có chỗ hoạt động để giải phóng năng lượng”, bác sĩ Diệp nhận định.

Bác sĩ Diệp cho biết, trẻ cần có hoạt động thể lực 60-120 phút/ngày.

Bên cạnh đó, nhiều ông bố, bà mẹ vẫn quan điểm nuôi con mập mới khỏe, mới tốt. Thế nên, trẻ được cho ăn quá nhiều chất béo, uống các loại nước ngọt, đặc biệt là nước ngọt có ga. Khẩu phần ăn lại ít rau. Phụ huynh đang có xu hướng chuộng cho trẻ ăn những đồ ăn nhanh để tiết kiệm thời gian.

Điều này làm cho tỉ lệ thừa cân béo phì của trẻ em tiểu học tại TP.HCM tăng nhanh, gấp hơn 2 lần chỉ trong vòng 10 năm, kết quả giám sát liên tục trong nhiều năm của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM.

Nguy cơ bệnh dài lâu

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cũng như suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì là một “gánh nặng” về mặt y tế đối với xã hội. “Hiện nay, TP.HCM đang chuyển từ suy dinh dưỡng sang thừa cân, béo phì”, Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đánh giá.

 
Trẻ em cần tham gia hoạt động thể dục, thể thao để tránh dư cân và phát triển chiều cao - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cảnh báo: thừa cân, béo phì có thể để lại những tác động về mặt lâu dài trên sức khỏe như gây nguy cơ cao mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, một số bệnh ung thư, tổn thương xương khớp, gan nhiễm mỡ, tăng mỡ trong máu, bệnh lý thận,… Vì vậy, trẻ em cần có chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý.

Theo kết quả của Chương trình nghiên cứu tình trạng dinh dưỡng ở học sinh của TP.HCM, tại Trường Tiểu học Dương Minh Châu và Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (Q.10), hơn 60% học sinh có lượng mỡ trong máu cao hơn mức bình thường.

“Người lớn cần làm gương trong lối sống, điều độ trong ăn uống và thể dục thể thao để giữ cơ thể khỏe mạnh, cân đối cho chính mình, cho trẻ, để trẻ noi theo. Đó là điều quan trọng”, bác sĩ Diệp nhấn mạnh.

Lời khuyên để trẻ không thừa cân, béo phì

- Ăn đúng giờ, không bỏ bữa (gồm 3 bữa ăn chính: sáng, trưa, chiều). Ăn với mức độ năng lượng phù hợp, cân đối thực phẩm và ăn nhiều rau, không nên chế biến món ăn chiên xào hay ăn nhiều chất béo.

- Hạn chế uống nước ngọt (đặc biệt là nước ngọt có ga).

- Trẻ cần có hoạt động thể lực 60-120 phút/ngày. Phụ huynh có thể cho bé làm việc nhà, tận dụng đi bộ. Nhà trường tạo điều kiện để trẻ vận động trong giờ ra chơi. Bên cạnh đó, trẻ em nên tham gia hoạt động thể dục thể thao (như đá banh, đánh cầu, bơi lội, võ thuật,...) để hạn chế béo phì và cũng giúp phát triển chiều cao.

- Thường xuyên theo dõi cân nặng và chiều cao của trẻ

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.