Bán mía chạy lũ

06/10/2011 09:15 GMT+7

Vùng mía nguyên liệu Hậu Giang đang ngập chìm trong nước. Mặc dù cả 3 nhà máy đường trong vùng đã đi vào hoạt động từ hơn 1 tuần nay, nhưng do nông dân ùn ùn bán mía chạy lũ nên không thể tiêu thụ hết. Hiện tại cầu cảng các nhà máy lúc nào cũng có hàng trăm ghe neo đậu chờ cân mía.

Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), cho biết hiện toàn huyện có hơn 8.000 ha mía bị triều cường kết hợp với nước lũ đổ về làm ngập toàn bộ; trong đó có nhiều rẫy mía bị ngập gốc từ 5-15 cm. Nếu trong vòng 10 ngày tới vẫn chưa thu hoạch được sẽ bị thiệt hại lớn. 

 
Nông dân ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) đôn đáo thu hoạch mía chạy lũ -  Ảnh: Hoài Phong

Theo lời ông Đoàn Văn (ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, H.Phụng Hiệp), thì cách nay khoảng 2 tuần, nước lũ lên cao làm ngập toàn bộ ruộng mía, nhưng chỉ vài ngày sau là rút. Còn từ ngày 26.9 đến nay, nước lũ đổ về rất mạnh và gây ngập kéo dài trên diện rộng, buộc bà con phải chạy đôn chạy đáo kêu bán mía. Bởi nếu mía bị nước ngập nông gốc kéo dài khoảng 15 ngày mà không thu hoạch thì sẽ bị giảm năng suất, giảm chữ đường và chết tràn lan. “Mấy ngày qua, tôi chạy rã cả chân để kêu bán 7 công mía chạy lũ, nhưng các thương lái bảo ghe họ đang bị kẹt tại cảng nhà máy nên chưa nhận lời”, ông Văn nói.

Bà Nguyễn Thị Út (ở xã Hiệp Hưng) có 6 công mía. Đầu vụ, thương lái tranh nhau hỏi mua với giá từ 1.000 - 1.150đồng/kg nhưng bà không bán vì lúc đó mía còn non. Nay do sợ nước lũ làm chết mía nên bà Út vội vàng kêu bán, nhưng các thương lái chỉ chịu mua với giá 850đồng/kg (mía giống HĐ 11). Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng, xác nhận hơn 80% diện tích mía ở xã này đang bị ngập nước; trong khi giá mía đã sụt khoảng 100 đồng/kg so với 5 ngày trước.

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho biết mặc dù các nhà máy đã hết sức cố gắng tiêu thụ mía nguyên liệu cho bà con, nhưng do cùng lúc lượng mía bán chạy lũ quá nhiều nên bị quá tải. Theo ông Ngoan, lũ hiện đang tiếp tục lên và lượng mía bán chạy lũ cũng đang tăng lên từng ngày, trong khi các nhà máy mới chạy khoảng 1 tuần nên chưa nâng được hết công suất. Hy vọng đến ngày 10.10, khi các nhà máy đường ở Long An, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng đi vào hoạt động, thì việc tiêu thụ mía chạy lũ sẽ khả quan hơn.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin, do mía chạy lũ chữ đường chưa đạt và giá còn đứng ở mức cao nên nhiều nhà máy đường ở ĐBSCL quyết định đến ngày 15.10 mới bước vào sản xuất. “Chúng tôi đang hết sức lo lắng bởi rẫy mía ngày càng ngập sâu, trong khi mía nguyên liệu rất khó tiêu thụ. Bây giờ, nếu các nhà máy đường trong vùng tiếp tục chê mía chưa đủ chữ đường để kéo dài thời gian đưa vào hoạt động, thì nhiều nông dân sẽ bị trắng tay do không bán được mía”, ông Đoàn Văn rầu rĩ.

Hoài Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.