200 ngày dưới họng súng cướp biển - Kỳ 3: Đường về trắc trở

03/10/2011 00:27 GMT+7

Sau khi tiền chuộc được thả từ trực thăng xuống biển cho nhóm cướp, số phận 24 thuyền viên trên tàu Hoàng Sơn Sun vẫn như ngàn cân treo sợi tóc.

>> Kỳ 2: Cuộc ngã giá

Bên ngoài hành lang Bệnh viện Việt Tiệp, nơi các thủy thủ đang khám bệnh, một thanh niên còn rất trẻ, thân hình gầy gò, khuôn mặt đen sạm đang đứng trầm ngâm. Đó là thủy thủ Phan Văn Nguyện, 25 tuổi, quê Quảng Bình. Đã có lúc anh tưởng rằng không còn cơ hội về lại quê hương. “Những ngày cuối tháng 8 thật sự căng thẳng. Khi đó số tiền chuộc đã được thống nhất xong, nhưng vì nhiều lý do nên tiền chưa thể thả xuống cho bọn cướp biển. Chúng càng như điên lên, mỗi ngày trôi qua chúng lại đánh đập anh em tàn nhẫn hơn”, Nguyện nhớ lại.


Máy trưởng Bùi Thái Hùng (trái) trao đổi với PV Thanh Niên về cách trộn dầu nhờn với dầu máy để đưa tàu về cảng Oman - Ảnh: Đăng Hùng

Theo Nguyện, thời gian này, cướp biển canh chừng thủy thủ rất nghiêm ngặt, kiểm soát từ việc ăn uống đến chuyện đi vệ sinh hằng ngày. Trên tay mỗi tên luôn lăm lăm khẩu súng. Khi chưa nhận được tiền, cướp biển lại hành hạ thủy thủ bằng các trận đòn thấu xương nhằm gây áp lực ép phía công ty nhanh chóng giao tiền chuộc.

"Giấy thông hành" của cướp biển

Ngày 15.9, tiếng máy bay to dần, to dần rồi một chiếc trực thăng hiện ra, đảo vài vòng trên đầu thủy thủ. Cả đoàn được bọn cướp biển đưa lên boong, xếp thành hai hàng ngang để người trên trực thăng đếm chính xác còn đủ 24 người. Một bọc tiền được thả xuống biển, những tên cướp cho xuồng máy ra ôm tiền lên tàu kiểm tra. Khi đã nhận đủ tiền, một tên cướp biển thông báo bằng tiếng Anh cho thuyền trưởng sẽ phóng thích tất cả các thủy thủ. “Lúc đó chúng tôi khóc òa lên, ôm chặt lấy nhau”, anh Nguyện nói.

Hầu hết mắc bệnh viêm nhiễm

Sau khi khám bệnh cho các thủy thủ, bác sĩ Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) thống kê được 17/24 thủy thủ mắc bệnh (viêm đường tiết niệu, thị lực kém, suy dinh dưỡng...). Rất may, theo một bác sĩ, các bệnh mà các thủy thủ mắc phải không đáng lo ngại, chỉ cần sớm điều trị và có chế độ ăn uống hợp lý, sức khỏe sẽ mau chóng bình phục.

Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 15.9, sau khi nhận đủ số tiền, toán cướp biển viết cho đoàn thủy thủ một tờ giấy bằng tiếng Anh, với nội dung “tàu đã bị cướp”. Đây là “giấy thông hành” để con tàu có thể qua vùng biển đầy rẫy hải tặc, nếu có cướp biển khác tấn công tàu thì với tờ giấy này có thể những tên cướp khác sẽ... bỏ qua thay vì bắt giữ tàu thêm một lần nữa.

Ngay sau đó cướp biển vẫn chưa rút hẳn, trên tàu vẫn còn lại 30 tên, chúng yêu cầu thủy thủ đoàn phải đưa chúng về căn cứ. Trên đường đi, nhóm cướp rút làm 3 đợt, khoảng 9 giờ tối 15.9 rút một đợt, đến 10 giờ sáng hôm sau chúng rút tiếp một đợt nữa và đúng 18 giờ tối 16.9 tên cướp biển cuối cùng rút khỏi tàu.

Hành trình không tưởng

“Lúc này tất cả mọi người trên tàu ai vào vị trí nấy, cố gắng vơ vét hết những dầu cặn bã, dầu bẩn còn dư thừa trên tàu, đổ vào máy chạy hết tốc lực theo hướng cảng Oman. Tuy nhiên, vì tàu dừng lâu ngày, bị bám nhiều hà nên sức cản lớn, tốc độ tối đa cũng chỉ được 7-8 hải lý/giờ. Vừa chạy, các thủy thủ trên tàu vừa phải cảnh giác cao độ, ai cũng mang tâm trạng vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được thả nhưng vẫn lo trên đường về gặp phải bọn cướp biển lần nữa thì không biết tờ giấy kia có cứu được chúng tôi thoát chết”, thủy thủ Nguyễn Hữu Kiên cho biết.

Chạy được hơn trăm hải lý, nguyên liệu dầu bẩn trên tàu cũng cạn dần. Lúc này đoàn phải đối mặt với nguy cơ tàu sẽ chết máy bất kỳ lúc nào ngay trong vùng biển nguy hiểm và không biết chuyện gì sẽ xảy ra. "Thuyền trưởng Đinh Tất Thắng động viên mọi nguời cố gắng gom tất cả dầu bẩn còn sót lại, đổ vào máy cho tàu chạy theo hướng cảng Oman”, anh Kiên kể.

Máy trưởng Bùi Thái Hùng, người từng cải tiến thiết bị để chạy được máy lọc nước biển thành nước ngọt đi đến một quyết định táo bạo khác: trộn cả dầu nhờn bôi trơn lẫn dầu diesel để chạy máy.

Trong thời gian bị bắt giam, đoàn đã nghĩ ra một sáng kiến rất hay, mà có lẽ chính sáng kiến này đã giúp cho các thủy thủ có được dầu để tàu có thể chạy về tới Oman. Máy trưởng Bùi Thái Hùng chia sẻ: “Khi cướp biển kiểm tra lượng dầu trong thùng, chúng tôi bơm đầy nước vào khoang trước cho mũi tàu chúi xuống, dầu nghiêng về phía trước của két rồi đưa kim đo dầu về phía sau, phần dầu trũng. Vì vậy, bọn cướp biển thấy lượng dầu còn rất ít”.

“Tôi cũng không tin nổi, với lượng dầu bẩn như vậy mà tàu có thể chạy về tới cảng được. Đó quả là một kỳ tích”, máy trưởng Bùi Thái Hùng nói.

Những ngày về lại càng gian khổ hơn, lương thực rất khan hiếm, lại phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy trên biển. Đến mỗi bữa ăn, các thủy thủ cố gắng tìm những hạt gạo mốc còn sót lại trên boong, đem nấu cháo, san sẻ mỗi người húp một chút đế cầm cự.

Thủy thủ Nguyễn Quyết Thắng cho biết: “Khi đoàn đuợc thả, do tâm lý vẫn còn lo sợ nên mọi người bố trí thay nhau trực 6 người/ca, trực 24/24. Đặc biệt là trên hành trình về, có một chiếc tàu chiến cách tàu Hoàng Sơn Sun chừng 24 hải lý, nên mọi người cũng rất nghi ngờ, mỗi khi tàu đó áp sát là chúng tôi phải chạy ra xa để giữ khoảng cách, chứ không để tàu chiến đó tiến lại gần, do đó tàu chạy lòng vòng khá xa. Qua 4 ngày lênh đênh trên biển, cuối cùng tàu chúng tôi cập bến an toàn”.

Sau những chuỗi ngày gian khổ, tàu của các thủy thủ đã cập cảng Oman. Vừa thấy cảng, mọi người ôm nhau hét lên sung sướng: “Sống rồi”. Ở đây, các thủy thủ được đoàn công ty tiếp tế lương thực, lo chỗ ăn ở tại khách sạn và chờ ngày làm thủ tục. Đến 15 giờ 30 phút ngày 23.9, họ đặt chân xuống sân bay Nội Bài trong niềm hân hoan chào đón của người thân.

Káp Long - Nguyễn Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.