Tập trung tái cơ cấu nền kinh tế

02/10/2011 00:31 GMT+7

Hôm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội 2011, kế hoạch 2012 và giai đoạn 5 năm 2011-2015. Có nhiều mục tiêu, kịch bản kinh tế được đưa ra, nhưng tất cả đều nhất trí nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là phải tập trung tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, các doanh nghiệp… nhằm đạt được đột phá mới, thay đổi yếu kém nội tại của nền kinh tế.

Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh, trong năm 2012 Chính phủ tiếp tục ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng hợp lý. Theo đó, có hai kịch bản được đưa ra. Kịch bản tăng trưởng thấp (kịch bản 1) được xây dựng dựa trên cơ sở nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt là khủng hoảng nợ công và những khó khăn của nền kinh tế trong nước chậm khắc phục. Kịch bản này có mức tăng trưởng GDP đạt 6% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 10%. Trong khi đó, kịch bản tăng trưởng cao hơn (kịch bản 2) được xây dựng dựa trên dự báo tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng xu hướng phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2011, với mức tăng GDP 6,5% và CPI dưới 10%. “Chính phủ dự kiến đề nghị QH lựa chọn kịch bản 1 để chủ động trong điều hành, nhưng khi nền kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi sẽ phấn đấu thực hiện kịch bản 2”, ông Vinh nói.

 “Khi nào Chính phủ đề xuất sửa đổi mục tiêu thì QH cũng điều chỉnh, nhưng cuối cùng vẫn có 10 chỉ tiêu không thực hiện được thì rõ ràng là có vấn đề. Vậy trách nhiệm của ai, hậu quả như thế nào thì báo cáo của Chính phủ không thấy đề cập. Tôi rất buồn khi đã tham gia QH 4 khóa, nhưng khóa nào cũng thế, vẫn báo cáo cũ, vẫn yếu kém về cơ cấu, nhập siêu. Sau đó lại đưa ra giải pháp tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch nhưng chẳng năm nào làm được. Khóa 10, Chính phủ báo cáo hệ số ICOR có 3,5, có đại biểu đã kêu trời vì các quốc gia khác chỉ 1,5. Giờ đã lên tới 6,5 càng ngày càng trầm trọng hơn. Nếu cách làm không có gì đột phá, cứ lặp đi lặp lại như vậy sẽ rất nguy hiểm”. (Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý)

Thảo luận về 2 kịch bản này, đa số các đại biểu đều nhất trí nên lựa chọn kịch bản 1, nhằm đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai lo ngại rằng trong những năm qua năm nào Chính phủ cũng đặt ra CPI tăng thấp, nhưng thực tế không năm nào thực hiện được. “Ngay như năm nay, chỉ tiêu tăng CPI là dưới 7% nhưng theo tính toán của Bộ KĐ-ĐT thì sẽ không dưới 18%. Vì vậy, nếu đặt chỉ tiêu CPI tăng dưới 10% thì rất nguy hiểm, bởi trong điều hành, CPI tăng 9,5-9,9% cũng “hoàn thành kế hoạch”", bà Mai nói.

Cũng theo bà Mai, nếu CPI tăng cao liên tục như nhiều năm gần đây thì các chỉ tiêu về xã hội, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thu nhập thực tế của đại bộ phận người dân không tăng, thậm chí giảm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) Phùng Quốc Hiển, trong 2012 chỉ nên tăng trưởng 6%, cần phải thay đổi tư duy vừa muốn tăng trưởng nhanh lại bền vững. Ông Hiển nói nên chuyển sang tư duy phát triển bền vững, chấp nhận mức vừa phải, đi vào chiều sâu trong đầu tư chứ không đi theo chiều rộng. Nhiệm vụ chính của năm 2012 là kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. CPI phải đưa xuống 1 con số, năm sau nữa đưa xuống 7% để 2015 chỉ còn 5%.

Trước mắt tái cơ cấu DNNN và các ngân hàng

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết năm 2012 Chính phủ sẽ tập trung vào nhiệm vụ đánh giá lại cơ cấu và hiệu quả hoạt động của từng ngành, từng lĩnh vực. Hai nhiệm vụ chính trong tái cơ cấu nền kinh tế là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại. Theo ông Vinh, năm 2012 các bộ, ngành sẽ rà soát, đánh giá toàn diện về hoạt động và hiệu quả của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, trong đó làm rõ nguyên nhân thua lỗ lớn ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian vừa qua. “Chính phủ sẽ chỉ đạo tổ chức đánh giá lại tình hình thực hiện đề án Tái cơ cấu ngân hàng và các tổ chức tín dụng; làm rõ nguyên nhân triển khai thực hiện đề án bị chậm trễ. Xây dựng chương trình hành động, các bước tái cơ cấu đối với hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác như công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán”, ông Vinh nói.

Liên quan đến chủ trương cắt giảm đầu tư công trong năm 2011, theo Ủy ban TC-NS việc cắt giảm thực chất chỉ giãn tiến độ trong ngắn hạn, chưa loại khỏi danh mục các dự án kém hiệu quả, không thực sự cấp bách. Năm 2011, UBTVQH chỉ cho phép bổ sung 40 dự án mới vào danh mục, nhưng theo báo cáo có tới 333 dự án được khởi công mới sai đối tượng, không thuộc danh mục sử dụng vốn trái phiếu chính phủ. “Đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về số dự án này, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, địa phương. Nếu vi phạm sử dụng vốn sai quy định phải kiên quyết thu hồi, chuyển trả nguồn vốn bố trí sai về ngân sách trung ương, đồng thời xử lý nghiêm minh trách nhiệm cá nhân”, ông Phùng Quốc Hiển nói.

Kịch bản 1:                                                                 

- GDP tăng 6% 

- Kim ngạch xuất khẩu 106,4 tỉ USD, nhập siêu 12,8 tỉ USD

- Bội chi ngân sách 4,8% GDP

- CPI dưới 10%

Kịch bản 2:

- GDP tăng 6,5%

- Kim ngạch xuất khẩu 107,4 tỉ USD, nhập siêu 14,2 tỉ USD

- Bội chi ngân sách 4,8% GDP

- CPI dưới 10%

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.