Người mẫu nam sau ánh hào quang - Kỳ 2: Trọng - khinh sàn diễn

02/10/2011 10:51 GMT+7

20g một ngày cuối tháng, nam người mẫu H.C. dẫn chúng tôi vào khu dành riêng cho người mẫu trong buổi khai trương một club trên đường Đồng Khởi (Q.1, TP.HCM). Nơi trang điểm và thay đồ chính là phòng vệ sinh.

>> Kỳ 1: Nhọc nhằn với giấc mơ “sao”

Căn phòng đa giác dài hơn 1,5m với bề ngang chỉ 0,5m chen chúc tám người gồm người mẫu và nhân viên trang điểm đứng sát rạt nhau. Những người mẫu đến trễ hoặc đợi tới phiên mình trang điểm đứng lố nhố nép sát vào hành lang thành một hàng dài. Trong bề bộn những gương mặt giữa nhập nhòa sáng tối, xen lẫn trong dàn “sao” bự của giới người mẫu nữ là những gương mặt sáng của giới người mẫu nam: Quang Hòa, Xuân Thu, Gia Ngọc, Hà Trọng Tài, Trung Cương...


Phòng vệ sinh nhỏ hẹp được tận dùng làm nơi trang điểm cho người mẫu trước giờ diễn (ảnh chụp tại buổi khai trương một bar ở Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM) - Ảnh: My Lăng

Gập ghềnh những bước chân rất dài

T.Tr. - nam người mẫu quê Đà Lạt - ghé tai nói như hét trong tiếng nhạc vặn quá cỡ: “Nhận được mấy “sô” khai trương bar như thế này cũng ngon lắm. Có bar còn mời người mẫu đến giả làm khách, đứng 1-2 giờ trả 300.000-800.000 đồng/tùy người. Có nơi mời liên tục 1-2 tháng. Tụi tui chia ca, xoay tua làm. Cứ chờ “sô” thời trang thì đói chết. 10 “sô” thời trang chỉ có ba “sô” cần nam thôi”. T.Tr. cao 1,82m, sinh viên năm 3 lớp cử nhân tài năng khoa xây dựng một trường đại học tại TP.HCM. T.Tr. từng lọt vào top 20 cuộc thi Siêu mẫu 2010.

Hỏi sao đến sớm vậy trong khi 10g mới diễn, T.Tr. cho biết: “Hai giờ nhằm nhò gì. Có những “sô” tụi tui phải tới sớm, ngồi đợi trang điểm rồi vật vờ đợi tới lúc diễn cả nửa ngày trời. Có “sô” còn lâu hơn”. Một lần, T.Tr. nhận hợp đồng diễn body art cho một bar trên đường Đồng Khởi. Từ 11g30 tới 20g mới được lên sàn diễn. Nhưng nhạc chỉ đủ cho năm nam, năm nữ diễn. 20 người còn lại lủi thủi đi về sau khi nhận được một số tiền trả “công chờ”. “Với những người làm nghề này, tiền đôi khi không phải là thứ cần nhất. Chúng tôi thích cảm giác được trình diễn, bước đi trên sàn catwalk” - T.Tr. khẳng định.

Anh chàng tiết lộ: “Số tiền người mẫu nhận bao giờ cũng bị công ty ăn chặn 30-50%. Người mẫu hạng B và nhất là hạng C, mỗi người một giá. Ai có mối quan hệ tốt với bầu “sô” và một số nhân vật khác thì sẽ được lấy đúng số tiền của mình. Thường là bị ăn chặn mất một phần. Ai không chịu thì... ở nhà! Có người bị ăn tới 70% tiền thù lao nhưng không dám phản ứng vì sợ lần sau họ sẽ không gọi mình nữa”.

“Đôi khi cảm giác nhận một “sô” diễn hay chụp hình là một cuộc mặc cả giá trị của chính mình - “Người đàn ông lịch lãm” của cuộc thi Mister Vietnam 2010 Vũ Duy Hưng chua chát tâm sự - Không ai định mức giá cụ thể cho người mẫu tự do. Khách hàng phải thông qua công ty, người môi giới. Chúng tôi không biết giá trị thực tiền thù lao của mình là bao nhiêu nên chịu nhiều thiệt thòi”.

Thù lao diễn catwalk của người mẫu nam hạng A từ 1.500.000-3.000.000 đồng/sô, hạng B từ 700.000- 1.000.000 đồng/sô, hạng C 200.000-400.000 đồng/sô. Với một người mẫu vơđét, mỗi tháng cũng chỉ nhận được 4-5 “sô”. “Phải chịu khó đi chơi, tiếp xúc với giới người mẫu, bầu “sô” và nhiều giới khác thì người ta mới biết tới mình, có “sô” thì gọi đi. Nhưng như thế người mẫu phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình. Hồi mới vào nghề, tui từng đi bar tới 2-3g sáng mới về”, T.Tr. thành thật kể.

“Cái nghề này với nam không cạnh tranh ghê gớm như nữ nhưng không phải là không có - Duy Hưng cho biết - Người mẫu thì nhiều, “sô” diễn lại rất ít. Sự cạnh tranh nhau ngay từ trang phục. Người chưa có tên tuổi thì phải mặc những bộ đồ không đẹp bằng. Ai cũng muốn mặc đồ đẹp ra diễn dù có những chương trình, nhà thiết kế đã để tên từng người. Vậy mà cứ ai tới sớm là giành lấy đồ đẹp dù mặc chật, mặc ngắn. Tôi từng chứng kiến những người mẫu mặt xanh mét khi sát tới giờ diễn mà trang phục bỗng dưng... bốc hơi!”.

Còn người mẫu Đỗ Bá Đạt kể: “Mỗi lần đi diễn tôi phải mang theo 2-3 đôi giày, 2-3 dây nịt phòng ngừa bị lấy trộm”. Người mẫu Nam Thành kể thêm: “Mỗi lần diễn tôi thường mang theo 2-3 đôi giày để thay khi trình diễn trang phục vest, đồ thể thao. Người ta giấu mất để khi tôi diễn đồ vest phải mang giày thể thao hoặc mặc đồ thể thao lại đi giày tây. Họ cố tình muốn thầy thấy tôi không chuyên nghiệp trong từng bộ đồ diễn, muốn tôi bị điểm trừ trong mắt thầy”.

Những cuộc chạy đua ngầm

Có một kinh nghiệm mà nhiều nam người mẫu đều nhận ra sau một thời gian lăn lộn với nghề: những hợp đồng lớn đôi khi không rơi vào tay người mẫu nổi tiếng nhất hay phù hợp với sản phẩm đó nhất, mà còn dựa vào mối quan hệ của người mẫu tới đâu. H.C. dẫn chứng trường hợp về người mẫu Đ., một trong số nam người mẫu có hình thể đẹp nhất VN hiện nay.

Nhiều người trong giới bất ngờ khi Đ. nhận hợp đồng quảng cáo cho dòng thời trang công sở M của một hãng thời trang lớn tại VN. Tuy Đ. có hình thể đẹp nhưng anh chưa bao giờ chụp hình trong trang phục công sở. Về sau mọi người mới “à, ra thế” khi biết một trong những nhà thiết kế chính của dòng thời trang M là bạn thân của người mẫu Đ.!

Trong thế giới này, danh hiệu của người mẫu đôi khi không phải là lựa chọn của khách hàng. Danh hiệu đi liền với thù lao. Thù lao phải tương xứng với danh hiệu. Thế nên, một thực tế mà nhiều nam người mẫu nổi tiếng hiện nay hoặc những người đạt danh hiệu tại các cuộc thi gặp phải là nhận được ít hợp đồng quảng cáo, sô diễn hơn những người chưa tiếng tăm lừng lẫy. Lý do chính: thù lao!

Người mẫu H.C. khẳng định: “Bị giật “sô” là chuyện bình thường. Có những khách hàng chấp nhận mời một người tiếng tăm không bằng nhưng thù lao thấp hơn”. Bản thân H.C. có lần đã nhận lời chụp hình quảng cáo cho một công ty dệt may lớn ở Sài Gòn với cái giá hơn 2.000 USD. Nhưng sau đó, hợp đồng này lại rơi vào tay một đồng nghiệp của H.C. có chiều cao thấp hơn nhưng cái giá mà anh này đưa ra chỉ là 700 USD!

“Sau sự cố đó nhiều người hỏi tôi sao không chịu hạ giá mình xuống. Tôi không đồng ý với cách nghĩ đó. Danh hiệu, sự nổi tiếng, quá trình lao động nghệ thuật là giá trị của riêng mỗi người. Nếu làm như thế là chính tôi hạ thấp giá trị của mình”, H.C. giải thích. Nhưng H.C. cũng tiết lộ: cách thông minh nhất mà một số người mẫu hiện nay đang làm là tạo mối quan hệ trực tiếp với các công ty quảng cáo để không bị mất “sô”.

T.Tr., chàng người mẫu đến từ Đà Lạt, chiêm nghiệm: “Với những người dưới quê như tôi, thấy nghề người mẫu rất hoành tráng, được nổi tiếng, săn đón. Nhưng thật ra nghề này bèo nhèo lắm. 27 tuổi là ế rồi, phải làm nghề khác. Ý thức được điều đó nên tôi cố gắng học thật tốt. Phải chăm lo cho nền tảng vững chắc ngay từ bây giờ...”.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.