Phiên tòa “con tôm chân trắng”

01/10/2011 23:30 GMT+7

Ngày 29.9, TAND huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xét xử sơ thẩm vụ án ông Nguyễn Xuân Hòa (38 tuổi, trú ở xã Vinh Hưng, H.Phú Lộc) kiện UBND huyện này đòi bồi thường số tiền hơn 3,6 tỉ đồng vì cho rằng đã cưỡng chế tiêu hủy tôm nuôi của ông sai quy định.

Tán gia bại sản

Theo đơn kiện, ngày 30.5.2009, ông Hòa thuê 2 ha đất của HTX nông nghiệp Bách Thắng (xã Vinh Hưng, H.Phú Lộc) để thả nuôi 100 vạn con tôm, trong đó có 85 vạn con tôm thẻ chân trắng, 15 vạn con tôm sú (số lượng theo đơn khởi kiện). Ngày 22.7.2009, UBND huyện Phú Lộc ra quyết định xử phạt hành chính ông Hòa do thả nuôi tôm thẻ chân trắng trái với quy định của nhà nước. Tiếp đó, ngày 5.8.2009 UBND huyện Phú Lộc có quyết định cưỡng chế và ngày 12.8.2009 hội đồng cưỡng chế của UBND huyện tiến hành thả thuốc độc (hóa chất) tiêu hủy số tôm chân trắng thả nuôi của ông Hòa.

 
Bức ảnh tôm chết do “trúng độc” được ông Hòa cung cấp cho tòa án, nhưng không được chấp nhận - Ảnh: Gia Tân

Ông Hòa khiếu nại lên UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngày 16.8.2010, UBND tỉnh ra quyết định công nhận đơn khiếu nại của ông Hòa là “có cơ sở”. Cùng với việc chỉ ra nhiều sai trái của UBND huyện Phú Lộc, quyết định của UBND tỉnh cho rằng việc UBND huyện đã xử phạt hành chính ông Hòa rồi lại còn tiêu hủy tôm của hộ dân này là không đúng với Nghị định 128/2005/NĐCP (về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản) và chỉ thị của tỉnh về cấm thả nuôi tôm chân trắng. Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện tổ chức xác định mức độ thiệt hại đã gây ra do việc cưỡng chế tiêu hủy tôm nuôi của ông Hòa để đền bù thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Thế nhưng, UBND huyện không tiến hành bồi thường cho ông Hòa với lý do ông Hòa kê khai số lượng tôm bị tiêu hủy không đúng.

“Quên” kiểm tra số lượng tôm

Luật sư Hồ Văn Hồng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Hòa đề nghị phía UBND huyện Phú Lộc trưng ra biên bản cưỡng chế cũng như biên bản thống kê số lượng tôm thực tế vào thời điểm cưỡng chế. Đáp lại, phía bị kiện cho rằng thời điểm cưỡng chế đã “quên” kiểm tra số lượng tôm, còn biên bản cưỡng chế thì có lập nhưng không có chữ ký của đối tượng bị cưỡng chế lẫn nhân chứng.

Trong khi đó, do bị tiêu hủy tôm nuôi mà gia đình ông Hòa tan tác: nhà bán, nợ nần, hai vợ chồng phải tha hương vào Đà Nẵng làm thuê, ba đứa con nhỏ  mỗi đứa gửi một nơi cho người thân nuôi ăn học. Ngày 29.4.2011 ông Hòa phát đơn khởi kiện UBND huyện Phú Lộc ra TAND huyện đòi bồi thường.

Không gây thiệt hại?

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hôm 29.9, Hội đồng xét xử (HĐXX) khẳng định việc ban hành quyết định cưỡng chế và thi hành cưỡng chế của UBND huyện Phú Lộc sai pháp luật là không còn gì bàn cãi.

Tuy nhiên vấn đề các bên tranh tụng căng thẳng là bên khởi kiện chứng minh mình bị thiệt hại 100 vạn con tôm còn phía bị kiện nói họ “không gây thiệt hại gì cả”. Cụ thể, bên bị kiện khai ông Hòa đã thuê một số người dân đến kéo - xiếc (dụng cụ có điện) tôm trong hồ lên bán và “tuồn” thả sang hồ cá của người dân bên cạnh trước khi huyện tiêu hủy. Những người này đã được mời tới tòa làm nhân chứng. Tại tòa, trả lời câu hỏi của HĐXX, những người này không nhớ rõ thời gian và số lượng tôm mà mình kéo xiếc cho ông Hòa bao nhiêu. Mãi đến khi HĐXX trưng ra biên bản lấy lời khai của họ trước đây, họ mới nói: “Dạ phải, đúng như thế thưa tòa”.

Về phía mình, ông Hòa khẳng định ông chưa bao giờ thuê hay nhờ những “nhân chứng” trên thu hoạch tôm. Còn hai nhân chứng là tư thương có mặt tại tòa thì một người quả quyết “có mua”, một người khẳng định “không hề mua” tôm của ông Hòa. Riêng ông Trần Hưng Thị, nguyên Chủ nhiệm HTX Bách Thắng - người được cho là có hồ cá mà ông Hòa thuê người kéo rồi thả tôm vào hồ ông trước khi bị tiêu hủy, phản pháo: “Những lời khai như thế là vu cáo, tôi là chủ hồ sao tôi không biết việc người khác thả tôm vào hồ mình?”.

Thế nhưng cuối cùng bản án sơ thẩm do thẩm phán Đoàn Đức Hậu, chủ tọa phiên tòa, thay mặt HĐXX công bố vẫn tuyên bác đơn kiện vì cho rằng: việc kê khai số lượng thả nuôi 100 vạn con tôm của ông Hòa là không đúng thực tế, “không có cơ sở xem xét” và “trước khi bị tiêu hủy, ông Hòa đã kéo tôm bán và thả vào hồ nuôi cá của người khác, do vậy UBND huyện không gây thiệt hại cho ông Hòa”.

Gia Tân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.