Cạnh tranh bằng nhân lực, nhân tài

01/10/2011 23:46 GMT+7

Tài năng, theo giáo sư (GS) Dave Ulrich, là sự kết hợp của năng lực - cam kết - cống hiến.

Khẳng định quan điểm mới mẻ về "vũ khí" nhân lực; vai trò của nhà lãnh đạo trong việc đánh thức nguồn nhân lực và nhân tài... là những nội dung mà GS Dave Ulrich,  bậc thầy thế giới về lĩnh vực nhân sự chia sẻ trong lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam theo lời mời của trường Doanh nhân Pace tại hội thảo quốc tế "Tư duy lại nhân lực và nhân tài" tổ chức tại TP.HCM.

 
Giáo sư Dave Ulrich tại buổi hội thảo tại TP.HCM - Ảnh: D.Đ.M

Chọn "vũ khí" khó sao chép

Trong 2 lần tới Việt Nam, "cha đẻ" của chiến lược cạnh tranh Michael Porter đã thuyết phục người nghe khi chứng minh, cạnh tranh bằng sự khác biệt, độc đáo là hiệu quả nhất để giành chiến thắng ở cả cấp độ doanh nghiệp lẫn quốc gia. GS Dave Ulrich "cụ thể hóa" hơn những vấn đề này khi chỉ ra, lợi thế cạnh tranh phải là sự duy nhất. Nghĩa là cái công ty này, doanh nghiệp này làm thì công ty khác, doanh nghiệp khác không dễ dàng sao chép. Đó chính là con người và nhân tài. Ông phân tích, có 4 yếu tố được coi là "nguồn" tạo ra tính cạnh tranh là giá cả; chiến lược; công nghệ; con người và nhân tài trong một tổ chức. Trong đó, 3 yếu tố đầu rất dễ dàng chạy đua, sao chép. Đơn cử như với giá. Hôm nay doanh nghiệp này tung ra mức giá hấp dẫn, ngày mai doanh nghiệp khác có thể đưa ra mức giá rẻ hơn cho sản phẩm cùng loại. Điều này cũng xảy ra tương tự với công nghệ và chiến lược. Nghĩa là, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể sao chép sản phẩm, dịch vụ, công nghệ của nhau. Chỉ có một yếu tố không thể sao chép, đó chính là con người và nhân tài.

Nếu xây dựng lợi thế cạnh tranh, phải là cái mà khách hàng của ta, đối thủ của ta không thể sao chép được. Đó chính là nhân lực
 

GS Dave Ulrichi

Với dẫn đề này, GS Dave Ulrich khẳng định, cạnh tranh bằng nhân lực, nhân tài là vũ khí hiệu quả nhất, tạo sự khác biệt nhất cho mỗi doanh nghiệp. Trên thực tế, tầm quan trọng của nguồn nhân lực, nhân lực cao cấp, đặc biệt là nhân tài trong mỗi tổ chức đã được minh chứng trên thương trường ngày nay. Đơn cử như tại vụ cổ phiếu của Công ty Apple giảm tới 5% trong phiên giao dịch ngày 24.8 khi thông tin người sáng lập, CEO của công ty này là Steve Jobs từ chức. Trước đó, không ít lần cổ phiếu của Apple sụt giảm chỉ vì thông tin sức khỏe của Steve Jobs không được tốt...

Bằng những câu chuyện cụ thể, GS Dave Ulrich đã thuyết phục các đại biểu tham dự khi khẳng định, chất lượng lãnh đạo chính  là yếu tố quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư ngày nay. Các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới đều coi vấn đề xây dựng chất lượng của đội ngũ lãnh đạo là quan trọng nhất. "Vì vậy, nếu xây dựng lợi thế cạnh tranh, phải là cái mà khách hàng của ta, đối thủ của ta không thể sao chép được. Đó chính là nhân lực" - GS tái khẳng định.

Dave Ulrich hiện là GS của Đại học Michigan (Mỹ). Ông liên tục đứng đầu bảng xếp hạng những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế giới trong lĩnh vực phát triển nhân lực. Ông được tạp chí Forbes bầu chọn là một trong 5 nhà cố vấn quản trị hàng đầu thế giới, đồng thời là chủ nhân giải Nobel Colloquia dành cho những tên tuổi dẫn dắt nền kinh tế và kinh doanh năm 2010.

Nghị sự về tài năng quốc gia

Với Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế đang đòi hỏi tái cấu trúc một cách cấp thiết; các doanh nghiệp đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức thì nhân lực, nhân tài trở thành yếu tố sống còn để thực hiện các thay đổi, để tồn tại và phát triển. Đây cũng là kỳ vọng của hơn 500 đại biểu gồm các nhà lãnh đạo, học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên các trường đại học trong và ngoài nước tham dự hội thảo với GS Dave Ulrich.

Phác họa những thực tiễn cạnh tranh mới đang diễn ra trên toàn cầu, theo GS Dave Ulrich, Việt Nam xếp vị trí số 2 trong 11 quốc gia mới nổi, nên hơn bao giờ hết, cần phải đặt câu hỏi "Lợi thế quốc gia sẽ đến từ những nguồn nào" để có thể hoạch định một chiến lược phát triển hiệu quả cho mình. Cụ thể ông cho rằng, VN phải xây dựng một chương trình "Nghị sự về tài năng quốc gia" mà một số nước đã thực hiện và thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài. Chương trình này là sự hợp tác giữa Chính phủ (nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi), giáo dục (đào tạo tài năng) và ngành công nghiệp (tạo ra cơ hội) để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra nhân tài. Đây là "thế chân kiềng" không thể thiếu để tìm ra những người có năng lực, có tài, có tâm, có tầm... Đặc biệt, GS nhấn mạnh đến vai trò của nhà lãnh đạo trong việc đánh thức các nguồn tài nguyên nhân lực và nhân tài. Theo ông, mỗi tổ chức cần có nhiều "năng lực lãnh đạo" hơn là vị trí lãnh đạo. Và những nhà lãnh đạo chỉ có thể tạo ra thương hiệu lãnh đạo cho mình từ khả năng biến những mong mỏi, kỳ vọng của xã hội thành những hoạt động cụ thể cho tổ chức của mình.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.