Dự án Luật Giáo dục ĐH: Bộ không nên làm thay các trường

30/09/2011 23:23 GMT+7

Chưa giải quyết được những vấn đề bức xúc của giáo dục đại học hiện nay, chưa làm rõ việc giao quyền tự chủ cho các trường... Đó là những ý kiến mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) thảo luận về dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH) trong ngày 30.9.

Theo dự án Luật GDĐH, trường có đủ năng lực, kinh nghiệm được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh -  ảnh Đào Ngọc Thạch

Các trường ĐH tự quyết chỉ tiêu, thi tuyển

Muốn giao cho nhà trường quyết định, tự chủ thì tất nhiên phải cần đến hội đồng trường, Bộ không làm thay việc của cơ sở

Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN SINH HÙNG

Điều 28 của dự luật có nêu: cơ sở GDĐH tự chủ, tự chịu trách nhiệm xác định chỉ tiêu tuyển sinh, công bố công khai chỉ tiêu, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng GDĐH. Cơ sở GDĐH xác định chỉ tiêu tuyển sinh không căn cứ vào điều kiện bảo đảm chất lượng GDĐH sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ sở GDĐH tổ chức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh theo quy định. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ban hành quy chế tuyển sinh.

Báo cáo thẩm tra về dự án Luật GDĐH của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của QH bày tỏ sự nhất trí cao với quy định trên và đề nghị giao cho các cơ sở GDĐH có đủ năng lực, kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh được tự chủ, tự chịu trách nhiệm lựa chọn phương thức, thời gian và tổ chức tuyển sinh theo quy định chung của Bộ GD-ĐT; đồng thời đề nghị bổ sung chế tài nghiêm khắc đối với những vi phạm trong lĩnh vực tuyển sinh không đúng với điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.

Chưa làm rõ lợi nhuận hay phi lợi nhuận

Báo cáo thẩm tra đề nghị: cần quy định rõ tiêu chí về cơ sở giáo dục phi lợi nhuận và cơ sở giáo dục có lợi nhuận hợp lý. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho rằng: “Phải làm rõ vấn đề tài sản được chia và tài sản không được chia, để từ đó xây dựng chính sách, cơ chế phù hợp khuyến khích các cơ sở GDĐH phi lợi nhuận cũng như định hướng, điều chỉnh hoạt động của các cơ sở GDĐH vì lợi nhuận hợp lý nhằm tránh khuynh hướng thương mại hóa giáo dục, bảo vệ quyền lợi của người học nói riêng và của tổ chức xã hội nói chung”. Dự luật cũng chưa có cơ chế hữu hiệu để khuyến khích các cơ sở GDĐH tư thục phi lợi nhuận hình thành và phát triển.

Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng vì hiện nay hầu hết các trường tư thục đều nói là hoạt động phi lợi nhuận nhưng trên thực tế mới chỉ có duy nhất trường ĐH Thăng Long thể hiện được điều này. “Còn lại các trường khác đều có tình trạng chia chác lợi nhuận, thậm chí có trường mâu thuẫn, xúc phạm nhau vì lợi nhuận” - ông Luận nói. Cũng theo ông Luận, Bộ GD-ĐT chỉ khống chế mức trần lợi nhuận với các trường ĐH ngoài công lập, nếu có lợi nhuận cũng không vượt quá 1,5 lần so với lãi suất ngân hàng.

Không cần hội đồng trường vì đã có Bộ?

Các trường ĐH phương Tây sở dĩ cần có hội đồng trường vì có tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm rất cao, hầu như không có cơ quan nào quản lý ở bên trên. Trong khi đó, bên trên các trường ĐH của nước ta có sự quản lý chặt chẽ của Bộ GD-ĐT, các địa phương...

 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT PHẠM VŨ LUẬN

Dự thảo luật không đề cập đến hội đồng trường (HĐT) trong cơ cấu tổ chức của cơ sở GDĐH. Ông Đào Trọng Thi cho rằng: “Thực tế ở một số cơ sở GDĐH đã xảy ra tình trạng người đứng đầu (hiệu trưởng kiêm bí thư Đảng ủy nhà trường) chuyên quyền, độc đoán dẫn đến mất đoàn kết và vi phạm pháp luật mà không có tổ chức nào để giám sát. Bởi vậy, HĐT là cơ chế hữu hiệu để thực hiện kiểm soát quyền lực và giám sát toàn diện hoạt động điều hành của người đứng đầu nhà trường, tránh tình trạng mất dân chủ”.

Xung quanh vấn đề này, người đứng đầu ngành GD-ĐT lý giải là do thời gian qua hoạt động của HĐT tại các cơ sở GDĐH không có hiệu quả và không phù hợp với thực tiễn của VN. Ông Phạm Vũ Luận dẫn chứng: “Hiện mới chỉ có 10/188 trường ĐH, CĐ thực hiện được tổ chức HĐT nhưng tác dụng không lớn. Có nhiều nội dung hoạt động trùng lặp, giao thoa với ban giám hiệu. 178 trường còn lại đều nói rằng HĐT là không cần thiết”. Ông Luận dẫn dụ: “Các trường ĐH phương Tây sở dĩ cần có HĐT vì có tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm rất cao, hầu như không có cơ quan nào quản lý ở bên trên. Trong khi đó, bên trên các trường ĐH của nước ta có sự quản lý chặt chẽ của Bộ GD-ĐT, các địa phương...”. Ông Luận nói rõ: “Chúng tôi lo lắng là nếu đưa quy định HĐT trong cơ cấu tổ chức của các cơ sở GDĐH thì sẽ không thực hiện được”.

Tuy nhiên, lý giải trên của Bộ GD-ĐT không nhận được sự đồng thuận các thành viên Ủy ban TVQH. Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nhận xét: “Nếu nói rằng bỏ HĐT trong cơ cấu tổ chức của các cơ sở GDĐH chỉ vì 10/188 trường thực hiện không hiểu quả là quá dễ dãi. Lẽ ra, phải đánh giá về sự cần thiết hay không của cơ chế tổ chức này”. Thẳng thắn và sâu sát, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: “HĐT buộc phải có nếu muốn để các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đây là đòi hỏi của thực tế vì hiện nay bộ chủ quản, sở GD-ĐT, địa phương... quyết nhiều nên thời gian qua HĐT mới không hoạt động được. Muốn giao cho nhà trường quyết định, tự chủ thì tất nhiên phải cần đến HĐT, Bộ không làm thay việc của cơ sở”.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.