Nguyên sơ vùng "đất vàng"

26/09/2011 17:52 GMT+7

(TNO) Quảng Bình có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng và được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Ngoài ngắm cảnh, du khách chẳng biết đi đâu, làm gì.

Ngồi trên “đống vàng”

Nhiều người đã so sánh như vậy khi nói về tiềm năng du lịch ở Quảng Bình. Vùng đất này hội đủ đặc trưng của các loại địa hình đồng bằng, rừng núi, sông biển, hải đảo. Có thể liệt kê một số danh lam thắng cảnh như: đèo Ngang, đèo Lý Hòa, cửa biển Nhật Lệ, phá Hạc Hải, Cổng Trời… và đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Hoang mạc đá vôi ở miền tây tỉnh sở hữu muôn vàn hang động tuyệt mỹ; trong đó có nhiều hang động nổi danh thế giới như hang Sơn Đoòng, động Phong Nha, động Thiên Đường…

Đây cũng là vùng đất văn vật khi có di chỉ văn hóa Bàu Tró, các di chỉ thuộc nền văn hóa Hòa Bình và Đông Sơn và nhiều di tích lịch sử như: Quảng Bình Quan, Lũy Thầy, Rào Sen cùng nhiều địa danh nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc như Cự Nẫm, Cảnh Dương, Cha Lo, Cổng Trời, Xuân Sơn, Long Đại, đường Hồ Chí Minh...


Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng - Ảnh: T.Q.Nam

Đến chỉ để ngắm

Sở hữu nhiều thuận lợi như vậy để phát triển du lịch nhưng xem ra tỉnh Quảng Bình đang “ăn lúa non” và khai thác kiểu nguyên sơ. Nghĩa là du khách đến chỉ để ngắm nghía rồi về ăn ngủ.

TP Đồng Hới có thể nói là không có bất cứ một dịch vụ phụ trợ du lịch nào cho đúng nghĩa từ nơi mua sắm, ăn uống cho đến vui chơi giải trí. Chợ Đồng Hới chỉ bán ngày. Siêu thị cho ra dáng thì không có, ở trung tâm văn hóa chỉ có mấy trò chơi dành cho thiếu nhi, may ra có vài quán nhậu “cháo gà” ở khu vực tháp nước và chợ ga.

Anh N.H - hướng dẫn viên du lịch đến từ TP.HCM cho hay: “Tôi thường dẫn khách đến Quảng Bình, đúng là ở đây phong cảnh rất đẹp và độc đáo nhưng những lúc nghỉ lại qua đêm thì chẳng biết đi chơi đâu, làm gì. Tôi cũng như nhiều khách khác đành ngồi nhậu lai rai các quán xá, nhưng họ cũng đóng cửa dọn quán sớm”.

Những năm trước đây, Quảng Bình được ví vui là “nồi cơm cho các tỉnh khác xúc ăn”, vì từng đoàn khách du lịch đến đó để ngắm cảnh xong rồi đi tỉnh khác nghỉ lại qua đêm, gần như tất cả chi tiêu đều ở tỉnh khác. Bây giờ đã hạn chế tình trạng trên vì khách thường ở lại để tắm biển. Đó là sự chuyển hướng tự nhiên của khách chứ địa phương chưa có loại hình gì mới lạ. Trong các chương trình phát triển du lịch của tỉnh cũng chẳng thấy nhắc đến việc phát triển các loại hình phụ trợ.

Ông Lê Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Bình thừa nhận: “Hiện du lịch ở tỉnh còn nguyên sơ, đơn điệu; các dịch vụ phụ trợ yếu kém, gần như không có; khách sạn thì nhiều nhưng đạt chuẩn lại rất ít. Chúng tôi đã từng hướng dẫn các hộ kinh doanh ở chợ Đồng Hới nên xây dựng các mặt hàng riêng dành cho khách du lịch, tạo thương hiệu nhưng rất khó để thực hiện”.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.