Vệ tinh UARS rơi xuống trái đất

24/09/2011 01:05 GMT+7

Các nhà khoa học của NASA chỉ có thể dự báo chính xác vị trí rơi của vệ tinh khoảng 2 giờ trước khi các mảnh vỡ tiến vào bầu khí quyển.

Khối rác vũ trụ lớn nhất

BBC ngày 23.9 dẫn thông báo mới nhất của Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) dự đoán vệ tinh nghiên cứu thượng tầng khí quyển (UARS) rơi xuống trái đất vào tối 23.9 hoặc đến rạng sáng 24.9 (giờ GMT), tức rạng sáng hoặc trưa 24.9 (giờ Việt Nam).


Vệ tinh UARS khi còn lơ lửng trong không gian - Ảnh: Reuters

Vệ tinh UARS có trọng lượng khoảng 6,5 tấn, dài 10,6 mét và đường kính thân khoảng 4,5 mét. Nó được phóng lên cùng tàu con thoi Discovery vào tháng 9.1991 với nhiệm vụ nghiên cứu tầng ozone của trái đất. Vệ tinh này kết thúc nhiệm vụ vào năm 2005 và NASA sử dụng hết phần nhiên liệu còn lại để đặt nó vào quỹ đạo thấp hơn nhằm tránh va chạm với Trạm Không gian quốc tế (ISS). Từ đó, UARS trở thành một trong những khối rác vũ trụ lớn nhất, được Mỹ theo dõi sát sao. Theo tờ The New York Times, quỹ đạo của vệ tinh này ngày càng thấp dần và chuyện nó bị trọng lực của trái đất kéo xuống đã được dự báo từ lâu.

AP dẫn lời các chuyên gia NASA ước tính UARS sẽ vỡ thành nhiều mảnh và bốc cháy trước khi rơi vào khí quyển trái đất. Sẽ có khoảng 26 mảnh vỡ rơi xuống một khu vực có chiều dài 1.000 - 2.000 km và chiều rộng khoảng 400 - 500 km. Mảnh vỡ lớn nhất có trọng lượng khoảng 160 kg. Khả năng các mảnh vỡ không cháy hết của UARS rơi xuống biển khá lớn nhưng các nhà khoa học NASA không loại trừ khả năng chúng rơi xuống đất liền. Theo tính toán, UARS có thể rơi xuống bất kỳ nơi nào trong khoảng 57° vĩ bắc và 57° vĩ nam. Trong khi đó, lãnh thổ và vùng biển của Việt Nam trải dài từ 8°27′ đến 23°23′ độ vĩ bắc theo hướng bắc - nam nên cũng nằm trong khu vực bị ảnh hưởng.

''Các khu vực có người sinh sống chỉ là một mảnh nhỏ bé của trái đất. Chúng tôi tin rằng nguy cơ khá nhỏ'' - Chuyên gia Mark Matney của Trung tâm không gian Johnson thuộc NASA

NASA cho biết tỷ lệ rủi ro từ UARS đối với một ai đó trên trái đất là 1/3.200, cao hơn giới hạn an toàn 1/10.000 của cơ quan này. Tuy nhiên, Space.com dẫn lời chuyên gia Mark Matney của Trung tâm không gian Johnson thuộc NASA cho biết: “Các khu vực có người sinh sống chỉ là một mảnh nhỏ bé của trái đất. Chúng tôi tin rằng nguy cơ khá nhỏ”. Ngoài ra, NASA cảnh báo người dân nếu thấy các mảnh vỡ thì không nên đụng vào mà nên báo với chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý phù hợp.

Trái đất liên tục “hứng miểng”

Theo AP, từ trước đến nay, duy nhất một trường hợp trúng mảnh vỡ từ không gian được chính thức xác nhận. Đó là vào năm 1997, khi bà Lottie Williams ở Tulsa, bang Oklahoma của Mỹ đang tập thể dục tại một công viên gần nhà thì một mảnh vỡ tên lửa đẩy Delta 2 to bằng đĩa DVD sượt qua vai nhưng không gây hậu quả gì.

Trước đó, vào năm 1979, Trạm không gian Skylab cũng do NASA vận hành và có khối lượng gấp 15 lần vệ tinh UARS, đã lao xuống một vùng hoang vu miền tây nước Úc. Chính phủ Úc đã yêu cầu NASA bồi thường vỏn vẹn 400 USD để thu dọn những mảnh vỡ của Skylab.

Chuyện những mảnh vỡ không gian rơi xuống trái đất không phải là điều lạ lẫm. Văn phòng Chương trình Mảnh vỡ quỹ đạo của NASA ước tính những mảnh vỡ cỡ trung bình rơi xuống trái đất một lần mỗi tuần. Mảnh vỡ có kích cỡ như của UARS xảy ra ít thường xuyên hơn, khoảng 1 lần mỗi năm.

AP dẫn lời chuyên gia Jonathan McDowell thuộc Trung tâm vật lý học thiên thể Harvard - Smithsonian (Mỹ) cho biết 2 tầng tên lửa đẩy lớn của Nga rơi xuống Trái đất đầu năm nay nhưng không ai để ý. “Lý do để vụ UARS gây chú ý là vì NASA đã đưa ra một thông báo cho mọi người”, ông McDowell nói.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.