Thùng cứu hộ trên lũ của cậu học trò xứ Huế

24/09/2011 17:10 GMT+7

(TNO) Tận mắt chứng kiến những thiệt hại mà lũ lụt gây ra cho người dân vùng lũ qua các hình ảnh phát trên truyền hình đã thôi thúc cậu học trò Đặng Thái An (lớp 12B1, trường THPT Nguyễn Huệ, Thừa Thiên - Huế) bắt tay thiết kế nên chiếc thùng cứu hộ trên lũ.

Chiếc thùng này sẽ giúp đưa thực phẩm đến cho những người dân đang phải thiếu ăn, thiếu uống trong cơn lũ dữ tại những địa bàn xung yếu nhất. Đề tài này đã nhận được giải chuyên biệt tại Hội thi Intel ISEF toàn quốc năm 2011.

Đặng Thái An chia sẻ: “Hình ảnh những cụ già, những em nhỏ... đưa tay với lấy gói mì mà thuyền cứu hộ đem đến được phát trên đài truyền hình đã ám ảnh em mỗi khi xem. Mặc dù đã có nhiều biện pháp cứu trợ được thực hiện, thế nhưng nhiều hộ dân ở tận trong xóm nhỏ mà thuyền, bè lớn không vào được đã khiến công việc cứu trợ thức ăn, nước uống tại các địa điểm này không đến được tay người dân”.

Từ những thực cảnh trông thấy mà lũ lụt gây ra cho người dân là động lực giúp An tìm kiếm giải pháp để hạn chế một phần thiệt hại cho họ, nhất là những khu vực, xóm nhỏ dân nghèo sống vùng rốn lũ, nơi thuyền bè không thể đến được.

“Ban đầu chỉ là để chơi, chứ không ngờ sau này được thầy cô động viên, chỉ dạy thêm để em thiết kế nên chiếc thùng cứu hộ trên lũ như vậy", An tâm sự.

Tại Thừa Thiên - Huế nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung, mỗi năm các địa phương này phải hứng chịu rất nhiều đợt lũ lụt.

Lũ lụt không những gây tổn thất về tài sản, mà còn lấy đi tính mạng của rất nhiều người dân; lũ lụt kéo dài khiến nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh thiếu lương thực, nước uống...

Để có được một chiếc thùng cứu hộ hoàn thiện như hiện nay, cậu học sinh này cũng phải chịu không ít lần thất bại.

"Cứ mỗi lần bị thất bại, em lại rút ra được một kinh nghiệm hay, bởi do em chưa nắm rõ các lý thuyết vật lý. Do vậy, khi bắt gặp được lý thuyết về sự nổi của vật thể trong môi trường nước và trạng thái cân bằng bền của con lật đật, em đã thiết kế lại thành một chiếc thùng cứu hộ trên lũ như hiện nay”, Thái An cho hay.

 
Mô hình lý thuyết thùng cứu hộ

Thùng cứu hộ trên lũ được An thiết kế thử nghiệm có trọng lượng nặng 0,3kg, thể tích 8 lít, chiều cao 20cm. Vật nặng đặt ở đáy thùng là một hộp dụng cụ y tế (hoặc các đồ dùng khác) nặng khoảng 3,7kg, nắp thùng được bịt kín bằng keo dán và chằng thêm các vòng dây thép bên trên. Khi đặt đồ dùng như thức ăn, nước uống, dụng cụ y tế vào thùng nên đặt sao cho không chiếm quá 3/4 chiều cao của thùng.

“Phải đặt như vậy để đảm bảo cho trọng tâm của thùng vẫn còn nằm trong nước. Khi trọng tâm nằm dưới mặt nước, thùng sẽ nhanh chóng trở về trạng thái cân bằng ở tư thế thẳng đứng khi bị va chạm. Phần trên của thùng sẽ không bị chìm vào nước làm nước lũ khó xâm nhập được vào bên trong. Theo thiết kế, thùng sẽ nổi 1/4 chiều cao của nó lên mặt nước, điều này giúp người cần cứu trợ có thể dễ dàng nhận biết thùng”, An phân tích.

Ngoài ra, để người cần cứu trợ dễ dàng nhận biết thùng, An còn gắn vào nắp thùng những đèn led phát ánh sáng đỏ, những giấy phản quang, lân quang để thùng phát sáng trong điều kiện đèn led bị hỏng. Trên nắp thùng còn được gắn cờ hiệu.

Qua quá trình thực nghiệm cho thấy, việc sử dụng thùng cứu hộ trên lũ đã khắc phục được một số nhược điểm của cách cứu hộ bằng thuyền phao như giá thành cao, kích thước cồng kềnh, dễ bị ướt đồ dùng trên thuyền, dễ bị đâm thủng do vật nhọn, dễ bị vướng và giữ lại khi gặp phải chướng ngại vật.

Theo tính toán của An, để làm được thùng cứu hộ này chi phí chỉ mất 300 ngàn đồng để mua xô, phao và một số lương khô và các vật dụng khác. Trọng lượng của thùng này có thể chứa được 7kg. Khả năng thành công của thùng cứu hộ đến được tay người dân là 42,5%. Tức là, nếu thả 10 thùng thì sẽ có được 4 thùng đến tay người dân cần cứu hộ.

Tuy nhiên, kết quả này cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn khi dòng nước chảy mạnh và có nhiều chướng ngại vật xuất hiện bất ngờ như các khúc gỗ trôi nổi bềnh bồng tạo ra các va chạm mạnh vào thùng cứu hộ và làm thùng dễ vỡ.

"Để tránh tình huống này, em sẽ gắn thêm bên ngoài thùng cứu hộ những chai nhựa rỗng có độ đàn hồi cao để chống va chạm nhằm tăng khối lượng của phần vật dụng được chứa trong thùng nhưng vẫn đảm bảo thùng nổi 1/4 chiều cao của nó trên mặt nước. Đồng thời, chế tạo thêm bộ phận phát âm thanh để gắn trên nắp thùng nhằm giúp người dân dễ nhận biết hơn trong đêm tối và tăng khả năng thùng được vớt. Hơn nữa, em cũng sẽ chọn những vật liệu bền làm thùng cứu hộ để đảm bảo thùng bền vững hơn nhưng vẫn không tăng khối lượng của thùng”, An cho biết.

Bài và ảnh: Minh Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.