Quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm

22/09/2011 07:32 GMT+7

Cần công khai lỗ lãi của Tổng công ty xăng dầu VN (Petrolimex), các doanh nghiệp (DN) xăng dầu và tiến tới thực chất xóa bỏ độc quyền trong kinh doanh xăng dầu (KDXD). Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi bài Bất đồng điều hành giá xăng dầu và Ai sẽ rút lui? đăng trên Thanh Niên ngày 21.9.

Không thể chấp nhận


Ảnh: Ngọc Thắng

“Doanh nghiệp nào muốn bỏ thị trường thì cho nghỉ ngay. Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước”

(phát biểu của Bộ trưởng Vương Đình Huệ tại Hội thảo Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ngày 20.9.2011)

Tôi nhất trí với nhận định của tân Bộ trưởng Bộ Tài chính. Cách biện hộ của Bộ Công thương và các DN KDXD là không thể chấp nhận trong điều kiện hiện nay. Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ giá xăng dầu để góp phần hạn chế tăng giá. Thực tế cho thấy, mỗi khi giá xăng dầu tăng khoảng 300-500 đ/lít thì giá cả thị trường gia tăng chóng mặt. Các DN xăng dầu liên tục than bị lỗ, nhưng ta hãy xem thu nhập của cán bộ, nhân viên làm việc ở các DN này ra sao, thu nhập của họ gấp nhiều lần mức trung bình hiện nay. Do vậy, tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nên kiên quyết, để người dân được hưởng lợi ích từ Nhà nước. Vũ Hoài Giang (lgianghv3@gmail.com)

Cần thanh tra toàn diện Petrolimex

Nghe phát biểu của lãnh đạo Petrolimex, tôi thấy hơi gai người bởi đây đúng là giọng của một "ông độc quyền" không biết sợ ai. Thiết nghĩ cần phải thanh tra toàn diện Petrolimex để công khai việc lỗ lãi của công ty này ra sao, đồng thời xem xét lại năng lực, trách nhiệm của lãnh đạo. Theo tôi, cần cho phép thêm các DN, kể cả nước ngoài KDXD để thực chất tạo thị trường cạnh tranh. Hãy nhìn lại thị trường bưu chính viễn thông thời gian qua sẽ rõ. Đinh Hoàng (hoangdinhkhai@gmail.com)

Nên kiên quyết đến cùng

Không chỉ ngành xăng dầu mà nhiều ngành được Nhà nước bù lỗ đều than lỗ. Mục đích rõ ràng mà dư luận ai cũng hiểu là để họ tối đa hóa lợi nhuận của mình. Một DN được Nhà nước quan tâm lại chỉ biết lợi ích riêng, bất chấp thiệt hại cho Nhà nước, cho nhân dân thì cần phải xem xét lại. Tôi nghĩ chỉ cần thuê một công ty kiểm toán độc lập của nước ngoài vào kiểm toán Petrolimex thì sẽ còn nhiều điều bất ngờ. Tấn Phát (tanphattntm@yahoo.com.vn)

Mong được tiếp tục làm rõ

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ là người dũng cảm, tiên phong, ông đã thẳng thắn chỉ ra khuất tất từ một DN lớn của Nhà nước như Petrolimex, đơn vị được “ưu ái” kinh doanh nhưng luôn bị “lỗ”. Cái khoản “lỗ” đó luôn được giữ kín và DN cứ tồn tại. Rất mong Bộ trưởng tiếp tục làm rõ những khoản lỗ của các DN KDXD. Lê Tân (letan@yahoo.com.vn)

Ý kiến chuyên gia

Petrolimex cần sòng phẳng

Bình luận về vấn đề giá xăng dầu, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, chia sẻ: Từ trước tới nay chưa bao giờ có một số liệu kiểm toán khách quan được công bố về giá thành xăng dầu. Con số đó bị che giấu, được phủ bởi bức màn mờ ảo. Thực tế phũ phàng là giá xăng dầu đang đi trái với nguyên tắc công khai, minh bạch của thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và xâm phạm nghiêm trọng quyền của người tiêu dùng. “Luật Bảo vệ người tiêu dùng trao cho họ có 8 quyền, trong đó quyền được thông tin về giá cả và chất lượng hàng hóa là quyền quan trọng nhất. Nhưng cách điều hành, thông tin về giá xăng dầu như vừa qua đã tước đoạt cái quyền đó của họ. Đây là trách nhiệm rất lớn của các cơ quan nhà nước, các DN KDXD”.

Người tiêu dùng cũng bức xúc với việc phải đóng góp cho Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong khi việc sử dụng thì họ không được biết rõ. TS Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội, nói: “Quỹ là tiền của tôi, của người tiêu dùng đóng vào đó, mỗi người phải mua đắt hơn 300 đ/lít xăng để rồi được trả lại số tiền đó nhờ mua xăng dầu với giá rẻ hơn khi DN xả quỹ. Nhưng vấn đề là chúng ta, dù có thể hưởng lợi ích ít nhiều nhờ không tăng giá xăng khi xả quỹ, lại luôn chịu thiệt thòi do phải tạm ứng nguồn vốn hoạt động cho quỹ, như kiểu cho vay không có lãi. Chỉ có DN xăng dầu luôn được đảm bảo lợi ích cả từ mức trích lợi nhuận định mức, cũng như không mất gì từ mọi hoạt động thu chi quỹ”.

Một chuyên gia lâu năm của ngành tài chính cho rằng Petrolimex cần phải nhìn lại xem mình đã làm được gì, đã xứng đáng với nhiệm vụ được giao phó chưa. Một tổng công ty chiếm tới 60% thị phần, không phải cạnh tranh với ai nhưng suốt ngày đi kêu lỗ. Trong khi DN này được vay lãi suất ưu đãi để nhập khẩu xăng dầu. “KDXD là một loại hình kinh doanh khá dễ dàng bởi đây là loại hàng hóa ai cũng cần, kinh doanh còn mang dáng dấp của độc quyền luôn luôn chi phối thị trường, luôn được xác định một mức chi phí và lợi nhuận một cách cố định và ít khi bị thua thiệt do sự cầm trịch của cơ quan nhà nước. Thế mà Petrolimex lại suốt ngày kêu lỗ”, chuyên gia này nói.

Anh Vũ (tổng hợp)

Thành lập 3 tổ kiểm tra giá xăng dầu

Ngày 20.9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đã ký quyết định thành lập 3 tổ kiểm tra giá nhập khẩu xăng dầu tại Petrolimex; TCT dầu Việt Nam và tại các DN xăng dầu đầu mối gồm: Công ty TNHH một thành viên xăng dầu TP.HCM và Công ty TNHH một thành viên thương mại dầu khí Đồng Tháp.

Tổ kiểm tra sẽ làm việc trực tiếp với các DN để xác định giá vốn các mặt hàng xăng dầu tồn kho tính đến ngày 26.8.2011, giá nhập khẩu trong giai đoạn từ 1.1.2011 đến hết ngày 15.9.2011; rà soát các khoản chi phí thực tế liên quan đến kinh doanh; kiểm tra việc chấp hành các quy định về trích và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tính đến hết ngày 15.9.2011.

Hải Nam (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.